Xã hội

Kỳ vọng một mùa lễ hội văn minh, an toàn, ấn tượng

Vân Thiêng 10/02/2025 16:51

Tết Ất Tỵ 2025 vừa qua, cũng là lúc đất nước bước vào mùa lễ hội, nhất là ở các tỉnh thành phía Bắc và Bắc Trung Bộ… với nhiều loại hình lễ hội phong phú từ Lễ hội văn hóa lịch sử, Lễ hội tôn giáo, Lễ hội dân gian… Một mùa lễ hội văn minh, an toàn luôn là điều mà những người làm văn hóa muốn hướng đến như một cách tốt nhất để bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội truyền thống, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tâm linh của người dân.

Những lễ hội mùa Xuân hấp dẫn

Mùa lễ hội 2025 đã bắt đầu với Hội xuân Gò Đống Đa - Kỷ niệm 236 năm Hoàng đế Quang Trung đại phá quân Thanh, Lễ hội Chùa Hương (Mỹ Đức - Hà Nội), Lễ hội Chùa Bái Đính (Ninh Bình), Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), Lễ hội Hương Tích (Hà Tĩnh), Hội Xuân Tam Chúc (Hà Nam) năm 2025… chủ đề "Linh thiêng hội tụ".

Lễ khai hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội)
Lễ khai hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội). Ảnh: daidoanket.vn

Cùng với đó là các lễ hội dân gian, lịch sử như Hội Gióng (Hà Nội), Lễ hội Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Lễ hội Đền Đông Cuông (Yên Bái)… Các hoạt động lễ hội gắn với Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ của người Việt” diễn ra ở nhiều địa phương như hệ thống đền Mẫu Liễu Hạnh (Lễ hội Phủ Giầy- Nam Định), đền Ông Hoàng Mười (Nghệ An, Hà Tĩnh), Ông Hoàng Bảy (Lào Cai)… cũng rất hút khách hành hương chiêm bái.

Ở miền Nam, Lễ hội Núi Bà Đen chủ đề “Hương sắc Tây Ninh năm 2025" đã khai màn; miền Trung có Lễ hội “Xuân Cố đô”, mở đầu cho chuỗi sự kiện trong Năm du lịch quốc gia và Festival Huế năm 2025.

Tuy nhiên, sôi động nhất, thu hút hàng triệu du khách, tín đồ Phật tử hành hương những ngày đầu Xuân ở các tỉnh phía Bắc vẫn là Hà Nội - nơi diễn ra Lễ hội chùa Hương năm 2025 với chủ đề "Lễ hội chùa Hương điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt”. Khai hội từ mùng 6 tháng Giêng, lễ hội Chùa Hương sẽ diễn ra trong 3 tháng đến hết ngày mùng 6/3 âm lịch... Ngay sau khi khai hội, dòng người đổ về Chùa Hương đông đúc trên các nẻo đường đến với suối Yến, cho thấy sức hấp dẫn của khu danh thắng Phật giáo này.

Sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, các lễ hội mùa xuân trên khắp đất nước bắt đầu được khai hội.
Sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, các lễ hội mùa Xuân trên khắp đất nước bắt đầu được khai hội. Ảnh: suckhoedoisong.vn

Lễ hội Xuân Yên Tử năm nay khai hội vào ngày 10 tháng Giêng (7/2/2025) tại thành phố Uông Bí và cũng kéo dài suốt 3 tháng đầu năm. Dự kiến, đón hàng triệu Phật tử, người dân, du khách về Yên Tử tham lễ hội để chiêm bái, tỏ lòng tôn kính, tri ân đối với Phật Hoàng Trần Nhân Tông và các bậc tiền nhân đã sáng lập và phát triển dòng Thiền Trúc Lâm - Yên Tử. Đồng thời trải nghiệm các hoạt động hành hương, tìm hiểu các giá trị văn hóa tôn giáo, lịch sử, danh lam thắng cảnh ở vùng đất có quá nhiều di sản, di tích lịch sử gắn với nhà Trần như Uông Bí, Đông Triều, Hạ Long - Cửa Ông - Bạch Đằng… Lễ hội Đền Trần (Nam Định - Thái Bình)… Cùng với đó là Lễ hội Chùa Bái Đính, Tam Chúc… cũng thu hút rất mạnh dòng khách tham quan, chiêm bái khắp các tỉnh thành miền Bắc.

Hoạt động lễ hội của nước ta diễn ra quanh năm, nhưng nhiều nhất vẫn là mùa Xuân. Ghi nhận đến thời điểm này, dù lượng khách đông nhưng các lễ hội hầu như không xảy ra các hiện tượng chen lấn, xô đẩy, tranh cướp lộc… như những năm trước. Không ít lễ hội được chú trọng đổi mới, tạo điểm đến thu hút du khách dựa trên nền tảng các giá trị văn hóa truyền thống.

Trước mùa lễ hội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã có văn bản yêu cầu các địa phương, khuyến nghị các biện pháp tổ chức lễ hội truyền thống đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa, phù hợp với thuần phong mỹ tục; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, nhân dân và khách du lịch, đặc biệt là đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về tổ chức và tham dự lễ hội, bảo đảm an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, thực hiện nếp sống văn minh, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc; tuyệt đối không tổ chức và tham dự các lễ hội tràn lan, lãng phí. Nhất là lợi dụng lễ hội để truyền bá mê tín dị đoan để trục lợi…

Những lễ hội xứ Nghệ thu hút du khách

Là cái gạch nối giữa hai miền văn hóa Trung du - Đồng bằng Bắc bộ với miền Trung, vùng đất Nghệ An - Hà Tĩnh thu hút đông đảo du khách đến với nhiều di tích lịch sử, điểm du lịch văn hóa, tâm linh nổi tiếng để dâng lễ cầu lộc, cầu an, như Đền thờ Vua Quang Trung ở núi Dũng Quyết, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, chùa Đại Tuệ (Nam Đàn)… Hệ thống đền thờ Ông Hoàng Mười ở Nghệ An, Hà Tĩnh cũng là những điểm du lịch tâm linh thu hút hàng nghìn khách thập phương mỗi ngày. Không chỉ người dân trong tỉnh, còn có nhiều du khách đến từ các tỉnh thành Thanh Hóa, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng... tham quan, dâng lễ cầu mong năm mới thuận lợi, tài lộc dồi dào.

4_335376061.jpg
Một hoạt động tại Lễ hội Đền Cờn. Ảnh: tư liệu

Với tuổi đời gần 1.000 năm, Đền Cờn ở thị xã Hoàng Mai được xem là “Đệ nhất linh từ” của xứ Nghệ, một trong những địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách gần xa về vãn cảnh, đi lễ cầu an. Ngoài ra, còn có Đền Chín Gian, Đền thờ Nguyễn Xí, Đền Cả, Đền Quả Sơn… cũng là những điểm đến thu hút người dân và du khách đến du xuân vãn cảnh, chiêm bái.

Những ngày đầu Xuân Ất Tỵ 2025, không khí lễ hội tràn ngập các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Nghệ An, thu hút hàng vạn du khách từ khắp nơi tham quan, chiêm bái, cầu an, mong một năm mới an lành, may mắn và vạn sự hanh thông.

Số liệu của Sở Du lịch Nghệ An cho biết, 9 ngày nghỉ lễ (từ 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến ngày mồng 5 năm Ất Tỵ), toàn tỉnh đón khoảng 430.000 lượt khách tham quan, trong đó, khách lưu trú đạt 138.000 lượt; tổng thu du lịch ước đạt 479 tỷ đồng.

Ngành văn hóa Nghệ An đang tăng cường các hoạt động tuyên truyền hướng dẫn, tổ chức, thanh tra, kiểm tra nhằm phòng ngừa và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm về an ninh, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, gắn với bảo vệ di tích, danh thắng nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội, để mùa lễ hội năm nay thực sự được diễn ra văn minh, an toàn, ấn tượng; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần thỏa mãn nhu cầu đời sống văn hóa, tâm linh của nhân dân trong tỉnh./.

Mới nhất

x
Kỳ vọng một mùa lễ hội văn minh, an toàn, ấn tượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO