Du lịch

Lịch lễ hội xuân 2025 tại miền Bắc tuần này từ ngày 3/2 đến ngày 9/2/2025

Quốc Duẩn04/02/2025 17:45

Lịch lễ hội xuân 2025 miền Bắc ở Việt Nam tuần này từ ngày 3/2 đến ngày 9/2/2025. Những ngày lễ hội không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là dịp để cộng đồng gặp gỡ, giao lưu và gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Lễ hội truyền thống là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Việt Nam. Những ngày lễ hội không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là dịp để cộng đồng gặp gỡ, giao lưu và gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Lịch lễ hội xuân 2025 tại miền Bắc tuần này
Lịch lễ hội xuân 2025 tại miền Bắc tuần này

Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội)

Thời gian: Khai hội vào ngày 3/2/2025 (mùng 6 tháng Giêng) và kéo dài trong 3 tháng.

Địa điểm: Xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Hàng ngàn người tham dự Lễ khai hội Chùa Hương

Lễ hội chùa Hương hay Trẩy hội chùa Hương là một lễ hội của Việt Nam, nằm ở Mỹ Đức, Hà Nội. Trong khu thắng cảnh Hương Sơn, được xem hành trình về một miền đất Phật - nơi Quan Thế Âm Bồ Tát ứng hiện tu hành. Đây là một lễ hội lớn về số lượng các phật tử tham gia hành hương.

Căn cứ theo sự phân bố các điểm di tích thắng cảnh, hình thành nên 3 tuyến tham quan.

Tuyến thứ nhất: Tuyến chính - Tuyến hương Tích

Đền Trình – Chùa Thiên Trù – Động Tiên Sơn – Chùa Giải Oan - Đền Cửa Võng

-Động Hương Tích – Động Hinh Bồng – Động Đại Binh

Tuyến thứ hai: Tuyến Thanh Sơn Hương Đài

-Hang Sơn Thủy Hữu Tình - Chùa Thanh Sơn – Động Hương Đài - Chùa Long Vân Động Long Vân – Chùa Cây Khế

Tuyến thứ ba: Tuyến Tuyết Sơn

Đền Trình Chùa Tuyết Sơn – Chùa Bảo Đài - Động Ngọc Long – Chùa Cá

Trước ngày mở hội một ngày, tất cả các đền, chùa, đình, miếu đều khói hương nghi ngút, không khí lễ hội bao trùm cả xã Hương Sơn. Mở đầu đội múa Lân sẽ múa một màn chào mừng du khách và các Phật tử từ khắp nơi.

Lễ hội Đền Hai Bà Trưng (Hà Nội)

Thời gian: Khai mạc vào ngày 3/2/2025 (mùng 6 tháng Giêng) đến hết ngày 7/2/2025 (mùng 10 tháng Giêng).

Địa điểm: Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Khai hội Đền Hai Bà Trưng vào ngày 6 tháng Giêng năm Ất Tỵ 2025- Ảnh 1.

Lễ hội được tổ chức theo nghi thức Nhà nước và truyền thống địa phương gồm phần Lễ và phần Hội.

Phần Lễ: Tổ chức Lễ kỷ niệm 1985 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng Dâng hương, mít tinh kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa và tế lễ theo nghi thức truyền thống cổ truyền.

Phần Hội: diễn ra từ ngày 3/2/2025 đến hết ngày 7/2/2025 (từ ngày mùng 4 đến hết ngày mùng 10 tháng Giêng). Ban Tổ chức sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống, thi đấu thể thao để Nhân dân và du khách được vui hội.

Lễ hội Tiên Công (Quảng Ninh)

Thời gian: Từ ngày 2/2 đến 4/2/2025 (mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng).

Địa điểm: Vùng đảo Hà Nam, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Lễ hội Tiên Công, tôn vinh 591 năm mở đất Hà Nam, Quảng Ninh

Lễ hội Tiên Công năm 2025 là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025) và hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2025.

Điểm nhấn là nghi lễ rước cụ Thượng lên miếu Tiên Công vào ngày chính hội (mùng 7 tháng Giêng).

Năm nay, lễ hội có ba đoàn rước tập thể với 35 cụ Thượng cùng gần 200 cụ cao niên dẫn lễ lên miếu. Cụ Thượng là những cụ tròn 80, 90, 100 tuổi sẽ được con cháu rước trên kiệu võng về miếu Tiên Công để làm lễ tế Tổ.

Lễ hội Khai ấn Đền Trần (Nam Định)

Thời gian: Từ ngày 8/2 đến 13/2/2025 (11 đến 16 tháng Giêng).

Địa điểm: Khu di tích Đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.

Lễ hội Khai ấn Đền Trần hàng năm được tổ chức tại Đền Trần (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) được rất đông đảo du khách đến tham quan, chiêm bái, du xuân. Ảnh: IT

Theo kế hoạch, thời gian quản lý lễ hội từ ngày 29/1 đến ngày 27/2 (tức từ mồng 1 đến ngày 30 tháng Giêng); thời gian tổ chức lễ hội từ ngày 8 đến ngày 13/2 (tức từ ngày 11 đến ngày 16 tháng Giêng năm Ất Tỵ).

Ngày 11 tháng Giêng tổ chức lễ rước kiệu Ngọc Lộ. Ngày 12 tháng Giêng tổ chức lễ rước nước, tế cá.

Ngày 14 tháng Giêng, từ 21 giờ đến 21 giờ 30 mời du khách và người không có nhiệm vụ ra ngoài khuôn viên đền Trần để Ban tổ chức làm công tác chuẩn bị nghi lễ dâng hương, rước Kiệu ấn và Khai ấn. Từ 23 giờ 15 thực hiện nghi lễ Khai ấn.

Trong thời gian thực hiện nghi lễ Khai ấn, để đảm bảo sự tôn nghiêm của nghi lễ truyền thống, Ban tổ chức sẽ đóng cửa đền Thiên Trường.

Từ 5 giờ ngày 15 tháng Giêng, Ban tổ chức sẽ phát ấn cho người dân và du khách tại 3 địa điểm: nhà Giải vũ, nhà Trưng bày và đền Trùng Hoa.

Ngày 16 tháng Giêng (13/2) thực hiện các nghi thức tế, lễ tiết Thượng nguyên, tế tiên tổ Triều Trần do đoàn tế Nam quan Tức Mặc thực hiện tại đền Cố Trạch.

Trong các ngày diễn ra lễ hội, tại các địa điểm trong khuôn viên khu di tích đền Trần và Quảng trường Đông A, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian, trưng bày, triển lãm được tổ chức như: múa lân - sư - rồng; thi đấu cờ người, chọi gà, trưng bày sinh vật cảnh; triển lãm ảnh “Thành Nam những mốc son lịch sử”; trưng bày ảnh đẹp du lịch Nam Định. Dự kiến tổ chức 5 đêm biểu diễn nghệ thuật truyền thống tiêu biểu từ ngày 9 đến ngày 13 tháng Giêng âm lịch tại Quảng trường Đông A.

Hội thi Truyền thống Vật Dân tộc thời Mạc (Hải Phòng)

Thời gian: Từ ngày 8/2 đến 10/2/2025 (11 đến 13 tháng Giêng).

Địa điểm: Xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng.

Hội thi truyền thống Vật dân tộc thời Mạc diễn ra vào đầu tháng 2

Nhân dịp xuân Ất Tỵ 2025, Hội thi truyền thống Vật dân tộc thời Mạc lần thứ IV tiếp tục được tổ chức như một sự kế thừa, tiếp nối lễ hội dân gian đặc sắc từng được Thái tổ Nhân Minh Cao Hoàng Đế Mạc Đăng Dung khởi dựng và truyền dạy cách đây 5 thế kỷ, góp phần khơi dậy tinh thần thượng võ, ý chí kiên cường của cha ông, giáo dục truyền thống yêu nước và rèn luyện sức khỏe cho thế hệ trẻ.

Hội thi nằm trong hệ thống thi đấu của Liên đoàn Vật Việt Nam, nên việc tổ chức phải đảm bảo quy mô, khoa học, an toàn, hiệu quả và đúng luật.

Lễ hội Gióng đền Sóc (Hà Nội)

Thời gian: Từ ngày 3/2 đến 5/2/2025 (mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng âm lịch).

Địa điểm: Đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Đền Sóc đón hàng vạn du khách đến Lễ hội Gióng 2025

Lễ hội Gióng đền Sóc là một trong những lễ hội lớn và quan trọng bậc nhất trong văn hóa tín ngưỡng của người dân huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Lễ hội đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, nhằm tưởng nhớ và tri ân công đức của Đức Thánh Gióng - người có công dẹp giặc đem lại thái bình cho dân tộc Việt Nam.

Lễ hội bao gồm hai phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ được xem là "hồn cốt" của lễ hội, bao gồm lễ rước 8 lễ phẩm truyền thống và lễ tế của các thôn làng. Tám lễ phẩm cung tiến dâng Đức Thánh gồm giò hoa tre, ngựa chiến, voi chiến, trầu cau, ngà voi, cỏ voi, cô tướng và cầu húc.

Phần hội diễn ra phong phú với nhiều hoạt động như thi đấu thể dục thể thao gồm vật và bóng chuyền hơi, các trò chơi dân gian truyền thống như đi cà kheo, đập niêu, kéo co, đi cầu thăng bằng và hội thi nấu cơm.

Lễ hội Cổ Loa (Hà Nội)

Thời gian: Khai hội vào ngày 3/2/2025 (mùng 6 tháng Giêng âm lịch).

Địa điểm: Đền Thượng, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Lễ khai mạc Lễ hội Cổ Loa Xuân Ất Tỵ năm 2025 diễn ra với các nghi thức quan trọng: Nghi lễ dâng hương của Bát xã Loa Thành; thực hành nghi thức tế, lễ; thực hành nghi lễ nghênh rước kiệu vua An Dương Vương và rước kiệu Bà Chúa của Bát xã Loa Thành gồm các xã: Cổ Loa, Văn Thượng, Mạch Tràng, Sằn Giã, Ngoại Sát, Đài Bi, Cầu Cả, Thư Cưu.

Trước đó, ngày 2/2, tuần văn hoá lễ hội Cổ Loa đã khai mạc với các hoạt động văn hoá, thể thao đặc sắc, thu hút hàng vạn người tham dự.

Hội chợ Viềng (Nam Định)

Thời gian: Từ ngày 4/2 đến 5/2/2025 (mùng 7 và mùng 8 tháng Giêng âm lịch).

Địa điểm: Huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Hội chợ Viềng Nam Định

Chợ Viềng Nam Định (Chợ Viềng Xuân) là một phiên chợ đặc biệt, là phiên chợ có một không hai trong cả nước chỉ họp duy nhất một lần trong năm vào đêm mùng 7 rạng sáng mùng 8 tháng Giêng âm lịch.

Để tổ chức thành công Chợ viềng xuân năm 2025, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách thập phương, UBND huyện Vụ Bản đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức chợ; Đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng của huyện thành lập các đoàn kiểm tra liên nghành và tổ chức đi kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy, quản lý các hoạt động tín ngưỡng và kinh doanh dịch vụ trong và ngoài các di tích thuộc quần thể Phủ Dầy.

Lễ hội xuân Yên Tử (Quảng Ninh)

Thời gian: Khai hội vào ngày 7/2/2025 (mùng 10 tháng Giêng âm lịch) và kéo dài trong 3 tháng mùa xuân.

Địa điểm: Khu di tích Yên Tử, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Lễ hội Xuân Yên Tử 2025 sẽ khai hội vào ngày 7/2

Lễ hội xuân Yên Tử hàng năm như một lời nhắc nhở các thế hệ cháu con phải luôn ghi nhớ về cội nguồn, để kính cẩn nghiêng mình tỏ lòng biết ơn các bậc tiền nhân và cầu mong Đức Phật hoàng sẽ tiếp tục phù hộ độ trì cho non sông nước Việt quốc thái dân an, đồng thời phải biết trân quý, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu mà tổ tiên ta để lại, nguyện ra sức giữ gìn, kế tục và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông.

Năm 2025, Lễ khai Hội Xuân Yên Tử được tổ chức đặc biệt hơn, tái hiện lại một lễ hội Xuân xưa mang đậm nét truyền thống gồm các hoạt động rước kiệu, dâng lễ, với các nghi lễ tâm linh như: Gióng trống, Thỉnh chuông, lễ chúc phúc đầu năm, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử..., cùng với phần biểu diễn văn nghệ khai hội với sự góp mặt của ca sĩ Hồ Quỳnh Hương.

Nghi lễ rước kiệu năm 2025 được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước tới nay với 10 đội kiệu đến từ các địa phương thuộc thành phố Uông Bí cùng với Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh hứa hẹn sẽ mang đến một lễ hội Khai xuân long trọng, quy mô và mang đậm nét truyền thống của người Việt.

Lễ hội Lim (Bắc Ninh)

Thời gian: Từ ngày 9/2 đến 11/2/2025 (12 đến 14 tháng Giêng âm lịch).

Địa điểm: Thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Hát quan họ trên thuyền

Hội Lim là lễ hội lớn truyền thống của tỉnh Bắc Ninh, chính hội diễn ra vào ngày 10/2 (13/1 âm lịch) hằng năm. Lễ hội được tổ chức rất vui tươi, đẹp mắt, với lễ rước rộn rã và các trò chơi dân gian lâu đời, cùng với những tụ điểm ca hát dân ca quan họ ở khắp mọi nơi - đặc sản văn hóa vô cùng quyến rũ của đất và người Kinh Bắc.

Tuy chính hội diễn ra vào ngày 13 âm lịch nhưng hội Lim bắt đầu từ tối ngày 12 (ngày hôm trước), với những hội thi hát quan họ giữa các làng quan họ. Nhiều khách du lịch cho rằng đêm thi hát này là phần hấp dẫn nhất của cả lễ hội.

Lễ hội đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)

Thời gian: Từ ngày 9/2 đến 12/2/2025 (12 đến 15 tháng Giêng âm lịch).

Địa điểm: Phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Trong những ngày đầu Xuân Ất Tỵ 2025, hàng ngàn người dân, du khách thập phương đổ về đền Bà Chúa Kho (khu Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, Bắc Ninh) để dâng lễ ‘'vay tiền, xin lộc'’ đầu năm.

Lễ hội Đền Bà Chúa Kho là một trong những nét đẹp văn hóa tâm linh của vùng Kinh Bắc với nhiều nghi thức đậm nét truyền thống của người Việt.

Lễ hội chùa Keo (Thái Bình)

Thời gian: Từ ngày 1/2 đến 5/2/2025 (mùng 4 đến mùng 8 tháng Giêng âm lịch).

Địa điểm: Xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

A

Chùa Keo được đánh giá là công trình nghệ thuật kiến trúc cổ, có quy mô rộng lớn bậc nhất trong các kiến trúc chùa chiền ở Việt Nam.

Năm 2017, Lễ hội chùa Keo được công nhận là di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, khẳng định giá trị văn hóa và lịch sử quan trọng của Lễ hội này.

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (Hà Nam)

Thời gian: Từ ngày 2/2 đến ngày 4/2/2025 (tức ngày 5 - 7 tháng Giêng năm Ất Tỵ).

Địa điểm: Xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Chú thích ảnh

Lễ hội Tịch điền là nét đẹp văn hóa của người dân làng Đọi Sơn nói riêng và của tỉnh Hà Nam nói chung. Lễ hội tái hiện truyền thống "Dĩ nông vi bản" để khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Không chỉ cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn còn nhằm khơi dậy tình cảm gắn bó, tình yêu lao động của người dân với mảnh đất quê hương và giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn còn tổ chức nhiều hoạt động như: các giải bóng chuyền hơi, bóng chuyền da, cờ tướng, các trò chơi dân gian (đánh đu, bịt mắt bắt dê, đi cầu khỉ, bịt mắt đập niêu), giải vật tịch điền… thu hút đông đảo nhân dân và du khách.

Lễ hội Gò Đống Đa (Hà Nội)

Thời gian: Từ ngày 2/2 đến 4/2/2025 (mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng âm lịch).

Địa điểm: Công viên Văn hóa Đống Đa, quận Đống Đa, Hà Nội.

Hội Gò Đống Đa được tổ chức để bày tỏ lòng biết ơn tới những anh hùng nghĩa sĩ Tây Sơn, là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn, khai hội vào mùa xuân tại Hà Nội.

Gò Đống Đa nằm trên phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa. Xưa kia nơi đây thuộc đất của làng Khương Thượng, huyện Quảng Đức, phủ Thuận Thiên. Cả khu vực gò Đống Đa từng là chiến trường diễn ra trận đánh thần tốc của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Tại di tích Gò Đống Đa đã diễn ra rất nhiều hoạt động như: Lễ dâng hương, tế lễ của các đoàn tế lễ địa phương; Lễ Rước kiệu; biểu diễn múa Lân, múa Rồng; biểu diễn võ thuật Bình Định Gia; viết chữ thư pháp, giới thiệu nghệ thuật truyền thống…

Mới nhất

x
Lịch lễ hội xuân 2025 tại miền Bắc tuần này từ ngày 3/2 đến ngày 9/2/2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO