Làm rõ lộ trình giải quyết tồn đọng, hệ lụy từ các dự án thủy điện ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Giải đáp yêu cầu của chủ tọa kỳ họp và thảo luận của các đại biểu HĐND tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Hóa nêu rõ quyết tâm, lộ trình đến cuối năm 2023, giải quyết hệ lụy từ các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Quyết tâm đến cuối năm 2023 giải quyết dứt điểm tồn đọng các dự án thủy điện
Tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 6/7 của kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, một trong những nội dung được các đại biểu HĐND thảo luận và đặt ra yêu cầu đối với UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan là sớm giải quyết các tồn đọng liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng và các hệ lụy từ các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Với ngành có chức năng quản lý nhà nước, Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Hóa thừa nhận, việc tồn đọng về tái định cư, giải phóng mặt bằng các dự án thủy điện đã kéo dài trong nhiều năm; đây cũng là vấn đề đã được đưa vào chương trình nghị sự của HĐND tỉnh tại nhiều kỳ họp.
Nguyên nhân do có nhiều yếu tố phức tạp, như liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng vốn là vấn đề phức tạp; đến quyền lợi của người dân; thuộc thẩm quyền trách nhiệm của nhiều cấp, từ bộ, ngành Trung ương đến địa phương, nhất là trách nhiệm của chính quyền địa phương – nơi có dự án thủy điện.
Giám đốc Sở Công Thương cũng thông tin: Từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và đầu năm 2023 trong kế hoạch triển khai nhiệm vụ, UBND tỉnh đề ra quyết tâm chỉ đạo hoàn thành dứt điểm các tồn đọng từ các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh vào cuối năm.
UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác (gồm có các Sở: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và UBND các huyện có dự án thủy điện) để chỉ đạo kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Liên quan đến giải quyết tồn tại trong giải phóng mặt bằng, giao đất tái định cư, bồi thường chênh lệch của một số dự án, tập trung 2 dự án lớn là Thủy điện Hủa Na và Thủy điện Bản Vẽ; trách nhiệm chính thuộc về chính quyền địa phương cấp huyện và chủ đầu tư.
Tổ công tác đã kiểm tra thực địa và làm việc với UBND các huyện: Tương Dương, Thanh Chương, Quế Phong và chủ đầu tư các dự án để “chốt” các công việc và trách nhiệm cụ thể để xây dựng kế hoạch thực hiện với quyết tâm theo tinh thần của UBND tỉnh là hoàn thành vào cuối năm 2023.
Liên quan đến việc giải quyết các vấn đề phát sinh ngoài dự án và hỗ trợ lũ lụt năm 2018, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, sau kiến nghị nhiều lần của UBND tỉnh, đặc biệt là kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương chỉ đạo xử lý và Bộ đã giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh rà soát lại toàn bộ, thống nhất các hạng mục và giá trị đề nghị hỗ trợ. Lý do rà soát, bởi từ năm 2018 đến nay, giá cả bồi thường, giải phóng mặt bằng đã thay đổi; mặt khác, có một số nội dung, hạng mục được các địa phương đề xuất thêm.
Hiện Sở Công Thương đã làm việc với các huyện, chủ đầu tư các dự án thủy điện để rà soát, thống nhất các nội dung, hạng mục. Việc này đang được Tổ công tác chỉ đạo các huyện hoàn thành sớm để báo cáo UBND tỉnh; Sở Công Thương phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Bộ Công Thương sớm đề xuất phương án giải quyết.
Giám đốc Sở Công Thương cũng giải trình rõ vấn đề vận hành các nhà máy thủy điện trên địa bàn. Khẳng định, tất cả các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh đều có quy trình vận hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trong đó, 2thủy điện lớn là Hủa Na và Bản Vẽ do Bộ Công Thương phê duyệt; vận hành của liên hồ do Thủ tướng phê duyệt; các hồ nhỏ do UBND tỉnh phê duyệt.
Trong quá trình vận hành của các thủy điện đều tuân thủ nghiêm túc quy trình vận hành và có sự giám sát thường xuyên của Bộ Công Thương và Sở Công Thương thông qua cơ sở dữ liệu truyền trực tiếp công khai trên cổng thông tin điện tử và giám sát thông qua đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh; khi có thiên tai, bão lụt thì có Ban Phòng, chống lụt bão tỉnh giám sát. Theo đó, các nhà máy thủy điện thời gian gần đầy đều tuân thủ quy trình vận hành và không để xảy ra những hệ lụy từ việc vận hành.
4 giải pháp nâng cấp hạ tầng lưới điện
Bên cạnh giải trình về giải quyết tồn đọng từ các dự án thủy điện; Giám đốc Sở Công Thương cũng làm rõ việc đầu tư, cải tạo hạ tầng lưới điện trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong vòng 15 năm trở lại đây, Điện lực Nghệ An đã quan tâm dành nguồn lực cải tạo lưới điện trung, hạ áp nông thôn, với tổng nguồn hơn 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do hạ tầng lưới điện được tiếp nhận lớn và yếu kém, cộng với nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt và phát triển ngày càng tăng mạnh, dẫn đến quá phụ tải.
Để giải quyết tình trạng này, đại biểu Phạm Văn Hóa đưa ra 4 giải pháp. Đó là tiếp tục phối hợp với Điện lực Nghệ An ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư cải tạo hạ tầng lưới điện; tăng cường bảo vệ hành lang lưới điện trung, hạ áp; đẩy mạnh triển khai các giải pháp tiết kiệm điện để giảm phụ tải; tích cực phát triển các nguồn năng lượng khác.