Lan tỏa phong trào thi đua yêu nước ở Quế Phong

Đặng Nguyễn 04/09/2020 10:28

(Baonghean.vn) - Báo Nghệ An phỏng vấn đồng chí Lê Văn Giáp - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong về kết quả phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn huyện giai đoạn 2015 - 2020.

P.V: Xin đồng chí cho biết những thành tựu đạt được trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020 của huyện nhà?

Đồng chí Lê Văn Giáp: Trong những năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Quế Phong đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể bám sát thực tế, cụ thể hóa những chủ trương, biện pháp tích cực để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị; Luật Thi đua, khen thưởng; Nghị định 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Cùng với đó, được sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự quan tâm đầu tư lớn, có hiệu quả của Đảng và Nhà nước; nhiều cơ chế, chính sách đối với đồng bào miền núi vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, cùng với tinh thần đoàn kết, tiến công, cán bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc huyện nhà đã phấn đấu vươn lên đạt nhiều kết quả quan trọng.

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm mô hình kinh tế ở xã Quế Sơn (Quế Phong). Ảnh: Hoài Thu
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm mô hình kinh tế ở xã Quế Sơn (Quế Phong). Ảnh: Hoài Thu

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,42%/năm, cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch tích cực, đúng hướng, nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả được triển khai và nhân rộng; hình thành nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 19,98 triệu đồng năm 2015 lên 28,85 triệu đồng năm 2020.

Trên lĩnh vực VH-XH, cụ thể phong trào thi đua trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo được phát triển mạnh mẽ. Cơ sở vật chất, trường chuẩn Quốc gia được quan tâm xây dựng đạt 28/47 trường; tỷ lệ phòng học kiên cố tăng từ 73,5%, lên đạt 86,68%, cơ bản xóa phòng học tạm bợ, dột nát. Các hoạt động VH-TT ngày càng phát triển sâu rộng.

Đến năm 2020, tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn GĐVH ước đạt 73%; 38,31% xóm, bản đạt tiêu chuẩn “Làng Văn hóa”. Y tế cơ sở được củng cố, từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân; đến cuối năm 2019, 25 giường bệnh/1 vạn dân, 13/13 trạm y tế xã, thị trấn có bác sỹ công tác và 100% số thôn, bản có cán bộ y tế, có 12 xã đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế; Công tác dân số - gia đình và trẻ em được triển khai bằng nhiều biện pháp và đã đem lại kết quả thiết thực.

Tạo việc làm mới ổn định cho 7.791 lao động, trong đó, 543 lao động đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 51,43% năm 2015, xuống còn 26,49% năm 2019. Bảo hiểm xã hội có bước phát triển đáng kể, tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 99,2%. Công tác chăm sóc người có công với cách mạng thường xuyên được chăm lo; đời sống của các đối tượng bảo trợ xã hội được đảm bảo...

Trồng chanh leo ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh Đào Tuấn
Trồng chanh leo ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh: Đào Tuấn

Trong 5 năm qua, công tác CCHC đã giảm các thủ tục hành chính không phù hợp, rút ngắn được thời gian giải quyết công việc, huyện đã có 82/267 TTHC đơn giản hóa về mặt thời gian giải quyết TTHC, đạt tỷ lệ 30,7% - vượt tỷ lệ Chỉ thị 09/CT-UBND ngày 08/4/2019 của UBND tỉnh yêu cầu. Chất lượng ban hành các văn bản ngày càng được nâng cao. Bộ máy hành chính luôn được kiện toàn, củng cố.

Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng công việc được giao. Đến năm 2019, Chỉ số CCHC của huyện Quế Phong được UBND tỉnh phê duyệt đạt 79,39 điểm, xếp thứ 8/21 huyện, thành phố, thị xã (tăng 2 bậc so với năm 2015 và 7 bậc so với năm 2018).

Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, đã quyết liệt đấu tranh triệt phá nhiều đường dây, tụ điểm, đối tượng phạm tội ma túy, các ổ nhóm trộm cắp tài sản, hoạt động tệ nạn xã hội. Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, quan hệ hữu nghị đặc biệt với huyện Sầm Tớ và Mường Quắn (Lào) cũng như các huyện trong nước kết nghĩa với huyện nhà.

Thực hiện tốt chế độ giao ban xã, huyện, các ngành nội chính giữa các bên; giải quyết tốt các vấn đề về di, dịch cư, hồi cư, xâm canh,... góp phần bảo vệ an ninh biên giới và phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

P.V: Đồng chí có thể cho biết về nguyên nhân để các phong trào thi đua trên địa bàn huyện lan tỏa và đạt hiệu quả cao như vậy?

Đồng chí Lê Văn Giáp: Từ thực tiễn công tác thi đua, khen thưởng ở địa phương, có thể thấy, để đạt được cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và công tác phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ, các đoàn thể với các ngành, các cấp, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Cùng với đó, kế hoạch, mục tiêu, nội dung và tiêu chuẩn thi đua phải cụ thể, thiết thực, phù hợp với nhiệm vụ, đặc điểm của địa phương, đơn vị, được đăng ký, ký kết từ đầu năm để quyết tâm thực hiện. Công tác khen thưởng phải khách quan, công bằng, dân chủ, phải kịp thời, đúng người, đúng việc, tránh bình quân, cào bằng.

Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, biểu dương, phổ biến kinh nghiệm hay của các gương điển hình trên các phương tiện thông tin đại chúng, để kịp thời nhân rộng, tạo sức lan tỏa. Phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng ở cơ sở, để kịp thời khắc phục những tồn tại, khó khăn, vướng mắc. Công tác khen thưởng phải được sơ kết, tổng kết kịp thời để động viên phong trào chung cho địa phương.

Quang cảnh thị trấn Kim Sơn (Quế Phong). Ảnh: Sách Nguyễn
Quang cảnh thị trấn Kim Sơn (Quế Phong). Ảnh: Sách Nguyễn

P.V: Tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, trong những năm tới, phong trào thi đua sẽ được huyện tập trung triển khai như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Văn Giáp: Trên cơ sở kết quả đạt được, huyện sẽ gắn phong trào thi đua yêu nước với việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" đến tất cả cán bộ, công chức và nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức sâu sắc hơn nữa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, làm cho phong trào thi đua trở thành hành động cách mạng sâu rộng.

Theo đó, đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua phát triển kinh tế như: phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Sản xuất, kinh doanh giỏi", "Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”... Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác khám, chữa bệnh, chú trọng các đối tượng chính sách, người nghèo.

Đẩy mạnh thực hiện các chính sách giải quyết việc làm, nâng tỷ lệ thời gian sử dụng lao động ở nông thôn, tăng số lượng lao động nhàn rỗi trong nông nghiệp đi xuất khẩu lao động, chuyển sang các hoạt động dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp. Tích cực thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bằng nhiều biện pháp, khai thác và phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương, kết hợp quản lý sử dụng có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư của Trung ương, của tỉnh, nhất là các chương trình, dự án thuộc Nghị quyết 30a.

Thi đua thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách hành chính và xây dựng củng cố hệ thống chính tri vững mạnh. Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống và trấn áp các loại tội phạm. Phát huy sức mạnh quần chúng nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, góp phần giữ vững ổn định chính trị ngay từ cơ sở.

P.V:Xin cảm ơn đồng chí!

Trong 5 năm, tại huyện Quế Phong có 1 cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 5 tập thể và 4 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 1 tập thể được nhận Cờ Thi đua của Chính phủ. 6 tập thể và 2 cá nhân được nhận Cờ Thi đua của UBND tỉnh; 14 tập thể, 27 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; 250 tập thể, 698 cá nhân được Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen.


Mới nhất
x
Lan tỏa phong trào thi đua yêu nước ở Quế Phong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO