Làng nghề xứ Nghệ náo nức vào vụ Tết
(Baonghean.vn) - Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Những ngày này, nhiều làng nghề ở Nghệ An đã tất bật hơn để chuẩn bị nguồn hàng cho mùa tiêu thụ chính trong năm.
Người dân làng nghề mật mía ở xã Tân Hương (Tân Kỳ) thường bắt đầu chuẩn bị mùa Tết vào tháng 10 và cao điểm là tháng 11 và 12. Mùa mật mía năm nay hứa hẹn sẽ bội thu với gia đình anh chị Trường Pháp bởi 2/3 sản lượng với gần 8.000 lít mía đã sản xuất xong. Mật sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó. Ảnh: Đức Anh |
Để có một mẻ mật ngon, bí quyết là phải chọn mía có sản lượng đường cao. Trong quá trình nấu mật phải hớt bọt thường xuyên và lửa đều. Nhiều gia đình dù kỹ thuật nấu có nhiều thay đổi nhưng họ vẫn duy trì nấu mật theo hình thức truyền thống trong những chiếc nồi mật được đan bằng tre có tuổi đời hàng chục năm. Ảnh: Đức Anh |
Từ sau khi nghề nấu mật ở Tân Hương được công nhận làng nghề, nhiều gia đình đã thay đổi mô hình sản xuất theo hội, nhóm hoặc tổ hợp tác. Đây cũng là cơ sở để sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP có nhãn mác, nguồn gốc truy xuất rõ ràng. Ảnh: Đức Anh |
Hiện mật mía không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà đã trở thành mặt hàng được ưa thích ở nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Ảnh: Đức Anh |
Giá mật mía hiện nay được bán giá sỉ là 20.000 đồng/lít và bán lẻ là 25.000 đồng/lít, không cao hơn các năm trước. Bà con làng nghề cho biết: Dù năm nay nguồn nguyên liệu đầu vào tăng và mía khan hiếm hơn nhưng bà con vẫn giữ nguyên giá mật để không tạo biến động giá. Ảnh: Đức Anh |
Làng nghề bánh kẹo Vĩnh Đức (huyện Đô Lương) cũng đang tất bật vào vụ để chuẩn bị hàng cho dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Đức Anh |
Hiện, tại khu sản xuất bánh kẹo tập trung có hơn 30 hộ làm nghề, mỗi hộ có một sản phẩm đặc trưng và có nhãn mác đầy đủ. Ảnh: Đức Anh |
Trong các sản phẩm của làng nghề, kẹo lạc vẫn là sản phẩm đặc trưng và được nhiều người tiêu dùng ưa thích. Ảnh: Đức Anh |
Nhờ hàng hóa được tiêu thụ tốt nên làng nghề cũng giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong vùng. Mức lương cũng được chi trả khá cao từ 250.000 - 300.000 đồng/ngày. Ảnh: Đức Anh |
Để nâng giá trị sản phẩm làng nghề, hiện chính quyền huyện Đô Lương cũng đang xây dựng sản phẩm của làng nghề Vĩnh Đức thành sản phẩm OCOP trong năm 2021. Ảnh: Đức Anh |