Lay động chuyện về một 'người đàn bà hát' ở xứ Lường

13/11/2017 11:40

(Baonghean.vn) - Vượt lên số phận, người đàn bà ấy từng bước trở thành một “cây thơ”, một người “thầy” về dân ca ví giặm ở xứ Lường (Đô Lương, Nghệ An).

Nói đến chị Hoàng Thị Hoa (41 tuổi) ở xóm Tây Xuân, xã Giang Sơn Đông (Đô Lương), người dân địa phương không khỏi cảm phục, ngưỡng mộ. Mặc dù tàn tật, nhưng chị vẫn đam mê sáng tác và truyền dạy dân ca ví dặm cho mọi người.

Cứ đến ngày thứ 7 hàng tuần, những thành viên trong Câu lạc bộ dân ca ví giặm Giang Sơn Đông lại tập trung về nhà chị Hoa để sinh hoạt. Họ đến đây bởi nhiệt huyết, ai cũng mong sớm được gặp nhau để giao lưu, học hát dân ca. Mọi người chọn nhà chị Hoa làm nơi hội tụ, trước hết bởi chị là Chủ nhiệm CLB và là một người tàn tật, không đi lại được.

Có mặt tại nhà chị Hoa trong một buổi sinh hoạt của CLB dân ca ví giặm Giang Sơn Đông, không khí thật ấm cúng. Các thành viên quây tròn trên chiếc chiếu giữa nhà. Chị Chủ nhiệm “tý hon” ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế nhựa, trông như đứa trẻ lên 10. Do chị Hoa bị liệt chân và 2 tay rất yếu, nên một thành viên phải ngồi bên cạnh cầm micro “phục vụ”. Sau mỗi lời nhận xét, hát mẫu của chị Hoa, mọi người lại đồng thanh trong những làn điệu mới.

Clip: Chị Hoa trong một buổi sinh hoạt CLB dân ca

Chị Hoa là con đầu trong gia đình có 5 anh em, bố mẹ là cựu chiến binh chống Mỹ. Là nạn nhân chất độc da cam, lúc mới sinh ra, cơ thể bình thường, nhưng càng lớn chân tay chị càng teo tóp. Từ một người vận động bình thường, chị trở thành người tàn tật, mọi sinh hoạt của cá nhân đều phải dựa vào người thân.

Mặc dù học giỏi, nhất là môn Văn, viết chữ đẹp, nhưng chị phải nghỉ học vào năm lớp 7, khép lại ước mơ làm cô giáo dạy nhạc.

Vượt lên số phận, với năng khiếu trời ban lại được kế thừa tình yêu văn nghệ của người bố (đã mất) vốn là một nhạc công quân đội, cùng với sự nỗ lực học tập của bản thân, chị đã từng bước trở thành một “cây thơ”, một người “thầy” về dân ca ví giặm trong vùng.

Chị Hoa cho biết: “Làm thơ thì bẩm sinh rồi, nhưng hát dân ca ví giặm thì tôi phải học”. Chị kể rằng, gần 20 năm trước, khi nghe đài, xem ti vi thấy Nghệ sỹ Hồng Lựu hát dân ca, mà thấy yêu dân ca đến lạ.

Mặc dù tàn tật nhưng chị Hoa vẫn say mê sáng tác và truyền dạy dân ca ví dặm. Ảnh: Huy Thư
Mặc dù tàn tật nhưng chị Hoa vẫn say mê sáng tác và truyền dạy dân ca ví dặm. Ảnh: Huy Thư

Một lần qua báo Nghệ An, chị được biết nghệ nhân Nguyễn Thị Thanh ở Anh Sơn, rồi viết thư tâm sự bộc bạch nỗi lòng. Thương cảm người con gái tàn tật yêu ví giặm, vợ chồng bà Thanh đã lặn lội về tận Tây Xuân để dạy dân ca cho chị.

Từ lúc nắm vững các làn điệu ví giặm, chị từng bước chuyển sang viết lời mới, viết các tiểu phẩm, hoạt cảnh dân ca với bút danh Quỳnh Hoa. Hàng năm, mỗi dịp lễ, hội, các ban ngành, đoàn thể, đơn vị ở địa phương lại đến nhờ chị viết.

Chị nhớ, có lần Trường Mầm non Giang Sơn Đông đã đến nhờ chị viết 17 tác phẩm. Sau một thời gian ngắn, tất cả cũng hoàn thành. Đến giờ, chị không nhớ nổi đã viết bao nhiêu tác phẩm, “có lẽ lên đến hàng trăm”.

Nội dung sáng tác của chị khá phong phú, từ chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, người lính, đến xây dựng nông thôn mới, kế hoạch hóa gia đình, an toàn giao thông, phòng chống ma túy, nói không với thực phẩm bẩn… Tác phẩm nào cũng nóng hổi tính thời sự, chan chứa tình đời, được người xem đón nhận nồng nhiệt.

Những năm qua, chị không chỉ sáng tác mà còn nhiệt tâm trao truyền dân ca ví giặm cho nhiều người. Vào những ngày nghỉ, chị thường dạy hát cho các bạn đoàn viên thanh niên trong xã, mùa hè thì dạy hát cho các em học sinh (trước đây, chị còn dạy văn hóa cho các em nhỏ trong xóm). Các chiến sĩ ở Trung đoàn 1, sư đoàn 324 đóng tại địa phương cũng đến nhà chị để dàn dựng, tập luyện những tác phẩm mà chị viết.

Thấy bà con trong xã yêu mến dân ca, cách nay gần 2 năm, chị đã thành lập CLB dân ca ví giặm Giang Sơn Đông 2 với hàng chục thành viên, duy trì sinh hoạt thường xuyên vào thứ 7 hàng tuần. Chị đã dành một phần tiền trợ cấp hàng tháng của bản thân để mua nhạc cụ (đàn, sáo, nhị, trống… ) phục vụ cho việc tập luyện của CLB.

Bà Đào Thị Tuệ (58 tuổi), thành viên CLB cho biết: “Nhờ có chị Hoa mà tôi thấy mình thêm yêu ví giặm, học được nhiều làn điệu mới và đặc biệt là hát hay hơn”.

Hai năm trở lại đây, chị không thể tự ngồi, cầm bút viết lên giấy như trước, mà chỉ có thể nằm viết trên điện thoại. Lúc xoay trở thân mình ở trên giường hay trên ghế cũng phải nhờ đến người thân. Mỗi lần sinh hoạt CLB, từ đêm trước chị đã phải uống thuốc giảm đau.

Hai năm trở lại nay, chị không thể ngồi viết, mà chỉ nằm viết trên điện thoại. Ảnh: Huy Thư
Hai năm trở lại nay, chị không thể ngồi viết, mà chỉ nằm viết trên điện thoại. Ảnh: Huy Thư

Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng tình yêu với thơ ca, với dân ca ví giặm của người Chủ nhiệm “tý hon (chỉ nặng hơn 20 kg) vẫn không hề phai nhạt. Chị vẫn không ngừng học hỏi, trao đổi bài vở với các biên tập viên dân ca, các nghệ sĩ lớn như Dân Huyền, Mai Văn Lạng… Chị vẫn tích cực viết và dạy hát dân ca với mong muốn “Góp phần gìn giữ cái hay cái đẹp của ví giặm” và “để sống có ích cho đời”.

Ông Nguyễn Quốc Du, cán bộ Văn hóa xã Giang Sơn Đông cho biết: “Chị Hoa là người tàn tật nhưng có nhiều đóng góp cho phong trào văn nghệ ở địa phương. Nhờ chị mà phong trào hát dân ca ví dặm ở đây trở nên sôi nổi. Cho đến thời điểm hiện tại, chị là cây bút soạn lời ví giặm độc nhất ở Giang Sơn Đông”.

Với những đóng góp của mình, chị Hoa đã được ban ngành, đoàn thể các cấp tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Vừa qua chị đã làm hồ sơ đề nghị UBND tỉnh xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Huy Thư

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Lay động chuyện về một 'người đàn bà hát' ở xứ Lường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO