Lễ hội Đền Vạn- Cửa Rào: Về với cội nguồn lịch sử

27/02/2016 14:03

(Baonghean) - Người dân Tương Dương đang hướng về Lễ hội Đền Vạn- Cửa Rào với niềm náo nức về với nguồn cội. Đây là dịp được đắm mình trong không khí trang trọng, linh thiêng, gửi gắm và nguyện cầu những những ước vọng...

Ngôi đền nằm trên địa bàn xã Xá Lượng (Tương Dương), đứng chân ở dải đất nơi ngã ba sông, điểm hợp lưu của dòng Nậm Nơn và Nậm Mộ. Đây còn là một di chỉ khảo cổ học (di chỉ Đồi Đền), các nhà nghiên cứu đã khai quật và phát hiện được nhiều hiện vật có giá trị. Những hiện vật khai quật tại Đồi Đền được xác định có niên đại gần 4.000 năm, thuộc nền văn hóa Phùng Nguyên.

Lễ rước trang trọng và thành kính.
Lễ rước trang trọng và thành kính.

Đền Vạn- Cửa Rào soi bóng xuống mặt nước trong xanh, ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ hàng trăm, hàng nghìn năm tuổi. Ngôi đền gắn liền với sự nghiệp và công đức của Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài, một danh tướng đời nhà Trần đã hy sinh trên vùng đất biên cương này để bảo vệ bờ cõi, bảo vệ bản làng và cuộc sống muôn dân. Các tư liệu lịch sử có ghi chép về sự kiện này.

Lễ Đại tế, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, bản làng bình yên.
Lễ Đại tế, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, bản làng bình yên.

Vào khoảng năm 1335, vùng bờ cõi miền Tây xứ Nghệ, lúc ấy gọi là ấp Nam Nhung (gồm các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông ngày nay) bị giặc Ai Lao tràn sang quấy nhiễu, gây ra bao cảnh tang thương. Thượng hoàng Trần Minh Tông dù tuổi đã cao vẫn quyết định thân chinh cầm quân vào Nam Nhung để đánh dẹp giặc, trị tội bọn xâm lăng để giữ yên bờ cõi.

Chương trình giao lưu văn nghệ hấp dẫn và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Chương trình giao lưu văn nghệ hấp dẫn và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Thượng hoàng đã cử Đoàn Nhữ Hài, lúc đó đang chỉ huy quân Thần Vũ và Thần Sách, kiêm chức Kinh lược Địa sứ Nghệ An làm Đốc tướng trực tiếp chỉ huy quân sỹ. Do chưa xác định rõ được tương quan lực lượng, địa hình, địa vật nên trong một trận chiến diễn ra tại khu vực ngã ba sông, sương mù dày đặc, vị Đốc tướng nhà Trần và nhiều quân sỹ đã nằm lại nơi vùng đất này.

Thi biểu diễn cồng chiêng.
Thi biểu diễn cồng chiêng.

Về sau, triều đình tiếp tục cử viện binh vào đuổi giặc về phía bên kia bờ cõi, đem lại cho muôn dân vùng Nam Nhung một cuộc sống thanh bình. Để tưởng nhớ vị Đốc tướng và quân sỹ nhà Trần đã hy sinh, người dân lập đền thờ tại ngã ba sông, quanh năm hương khói và cầu mong sự phù hộ, che chở, là nơi để bà con gửi gắm tâm linh. Đền Vạn - Cửa Rào còn phối thờ linh vị Tam Tòa Thánh Mẫu (một trong Tứ bất tử theo quan niệm dân gian), là nét tín ngưỡng đặc sắc của văn hóa Việt Nam.

Chương trình Lễ hội đền Vạn - Cửa Rào năm nay gói gọn trong 3 ngày (từ 27-29/2/2016, tức ngày 20-22 tháng Giêng năm Bính Thân). Phần lễ gồm các nghi thức: Khai quang, Yết cáo, Rước linh vị, Đại tế và Tạ ơn. Phần hội sôi nổi với chương trình giao lưu văn hóa- văn nghệ giữa các làng bản; thi khắc luống, cồng chiêng và nhảy sạp; các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc (ném còn, đẩy gậy, kéo co, con quay, cờ tướng, đánh đu, đi cà kheo).

Thi ném còn.
Thi ném còn.

Trong đêm hội, những làn điệu dân ca, dân vũ các dân tộc Thái, Mông và Khơ mú sẽ được cất lên, vừa rộn ràng, vừa sâu lắng và mang đậm âm hưởng của núi rừng biên cương, là cơ hội để du khách gần xa hiểu hơn về những giá trị văn hóa phong phú của vùng đất rẻo cao xứ Nghệ. Rồi tiếng khèn, tiếng pí, tiếng cồng chiêng, khắc luống làm nên bản hòa tấu dạt dào như tiếng gió từng, tiếng suối reo đón mùa Xuân về.

Thi đẩy gậy.
Thi đẩy gậy.

Hàng ngàn người chuẩn bị bước vào lễ rước, tất cả nguyện cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản làng yên ấm. Ngoài sân hội, các môn thể thao và trò chơi dân gian diễn ra sôi nổi và đầy hứng khởi. Các chàng trai, cô gái hân hoan với các trò chơi dân gian, thể hiện sức mạnh, tình đoàn kết, sự khéo léo và tinh tế.

Lễ hội Đền Vạn- Cửa Rào thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về dâng hương, trẩy hội.
Lễ hội Đền Vạn- Cửa Rào thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về dâng hương, trẩy hội.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn Phan- Chủ tịch UBND xã Xá Lượng khẳng định: “Về với Lễ hội đền Vạn - Cửa Rào là về với cội nguồn lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước; là về với một vùng quê sơn thủy hữu tình, con người thân tình và mến khách; nơi ta gửi gắm tâm linh để sống tốt hơn trong cuộc đời thực và chỗ để ta có được những phút giây thanh thản, sôi nổi và hào hứng để bắt đầu bước vào một năm lao động sản xuất”.

Công Kiên - Đặng Cường

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Lễ hội Đền Vạn- Cửa Rào: Về với cội nguồn lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO