Lễ tưởng niệm 79 năm ngày mất nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu

Hồng Sương 27/10/2019 13:50

(Baonghean.vn) - Lễ tưởng niệm 79 năm ngày mất nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đã được tổ chức trang trọng, thành kính theo đúng nghi thức truyền thống của dân tộc.

Trưa ngày 27/10 (tức ngày 29/9 âm lịch), tại nhà tưởng niệm cụ Phan Bội Châu ở thị trấn Nam Đàn (huyện Nam Đàn), Sở VH-TT phối hợp với Huyện ủy, UBND huyện Nam Đàn đã tổ chức Lễ tưởng niệm 79 năm ngày mất của Cụ.

Lễ tưởng niệm 79 năm ngày mất cụ Phan được tổ chức trang trọng. Ảnh: Hoàng Nguyên
Lễ tưởng niệm 79 năm ngày mất cụ Phan được tổ chức trang trọng. Ảnh: Hoàng Nguyên

Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Sở VH-TT, Huyện ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ, các ban, ngành đoàn thể huyện Nam Đàn; cán bộ Ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh; gia tộc họ Phan cùng đông đảo nhân dân đã thành kính tưởng niệm, dâng nén hương thơm, lẵng hoa tươi thắm bày tỏ tấm lòng tri ân đối với cụ Phan Bội Châu - bậc tiền bối cách mạng, nhà tư tưởng - văn hóa lớn của dân tộc.

Cụ Phan Bội Châu tên húy là Phan Văn San, hiệu là Sào Nam, sinh ngày 26/12/1867 tại làng Sa Nam, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trong một gia đình hàn nho.

Nhà tưởng niệm tại Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu được xây dựng vào năm 2016, từ nguồn đóng góp của cựu học sinh Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu và những người yêu mến cụ Phan. Tổng giá trị đầu tư trên 2 tỷ đồng. Ảnh tư liệu Thành Cường
Nhà tưởng niệm tại Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu được xây dựng khang trang vào năm 2016, từ nguồn đóng góp của cựu học sinh Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu và những người yêu mến cụ Phan. Ảnh tư liệu Thành Cường

Sinh ra trong cảnh nước mất nhà tan, hàng ngày chứng kiến cảnh lầm than nô lệ của nhân dân, cụ đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước thương dân. Với chủ trương cứu nước theo khuynh hướng bạo động, Phan Bội Châu đã thành lập Duy Tân hội, Việt Nam Quang Phục hội, rồi Việt Nam Quốc Dân Đảng nhằm tập hợp các lực lượng đấu tranh bằng vũ trang cách mạng và nhờ viện trợ của bên ngoài.

Nhà trưng bày bổ sung di tích được xây dựng vào năm 1997 từ sự tài trợ của Nhật Bản. Phòng trưng bày hiện vật theo 3 chủ đề: Quê hương, gia đình và tuổi trẻ của Phan Bội Châu; Sự nghiệp cứu nước của Phan Bội Châu; Hậu thế tri ân, tôn vinh Phan Bội Châu. Ảnh: Thành Cường
Nhà trưng bày tại Khu di tích trưng bày hiện vật theo 3 chủ đề: Quê hương, gia đình và tuổi trẻ của Phan Bội Châu; Sự nghiệp cứu nước của Phan Bội Châu; Hậu thế tri ân, tôn vinh Phan Bội Châu. Ảnh tư liệu Thành Cường

Trong các phong trào ấy, để lại nhiều dấu ấn sâu sắc nhất vẫn là phong trào Đông Du với tinh thần “đồng châu, đồng chủng, đồng văn”. Phong trào Đông Du tuy không thành công, nhưng nó đã tạo nền tảng cho những thay đổi của nước ta đầu thế kỷ XX. Đặc biệt, đây là gạch nối quan trọng, mốc đánh dấu quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản trên lĩnh vực văn hóa - giáo dục và cho đến nay phong trào Đông Du vẫn giữ nguyên giá trị trong sự nghiệp phát triển đất nước.

Sáng 29/10/1940 (tức ngày 29/9 năm Canh Thìn), Cụ trút hơi thở cuối cùng tại căn nhà tranh ở dốc Bến Ngự (Huế). Cuộc đời Cụ Phan đã cống hiến trọn vẹn cho phong trào giải phóng dân tộc và là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ học tập, noi theo./.

Mới nhất

x
Lễ tưởng niệm 79 năm ngày mất nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO