Libya và Yemen 'cầu cứu’, Nga có sẵn sàng cho một cuộc chiến nữa
Các nhà lãnh đạo những phong trào vũ trang có ảnh hưởng lớn tại Libya và Yemen đã lên tiếng nhờ Tổng thống Nga Putin can thiệp giúp giải quyết những cuộc khủng hoảng đang tàn phá hai quốc gia này.
Các cuộc xung đột đang "xé nát" Libya sau sự ra đi của nhà lãnh đạo Qaddafi. Ảnh: Getty Images |
Kết cục "đắng" của Mùa xuân A-rập và cơ hội của Nga ở Trung Đông
Người phát ngôn của lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tự phong, được lãnh đạo bởi Tướng Khalifa Haftar và là đại diện một trong hai phe phái đối thủ đang tìm cách nắm quyền kiểm soát đất nước, khẳng định sự ủng hộ của Nga là cần thiết để trang bị tốt hơn cho LNA và giúp thành lập một chính phủ dân tộc thống nhất. Trong một tuyên bố gửi tới hãng tin Sputnik (Nga) hôm 8/8, phát ngôn viên LNA tướng Ahmed al-Mesmari cho biết, “LNA hiện đã được vũ trang hoàn toàn bằng vũ khí Nga, áp dụng học thuyết quân sự Nga, do đó Libya ngày càng cần Nga hơn trong cuộc chiến chống khủng bố”.
Dưới thời nhà lãnh đạo Qaddafi trước đây, Libya và Nga từng duy trì mối quan hệ quân sự mạnh mẽ, nhưng quan hệ này đã đổ vỡ sau cuộc nổi dậy năm 2011 do phương Tây hậu thuẫn, sau đó là lệnh trừng phạt của LHQ cấm bán vũ khí cho các lực lượng vũ trang Libya (mà Nga là nhà xuất khẩu vũ khí chịu ảnh hưởng).
Phong trào Mùa xuân A-rập năm 2011 đã thổi bùng lên làn sóng biểu tình dẫn đến lật đổ nhiều nhà lãnh đạo ở Trung Đông và Bắc Phi, nhưng kết cục lại là một làn sóng bất ổn và can thiệp quân sự nước ngoài khiến nhiều quốc gia trong đó có Libya cho đến nay vẫn còn lao đao gánh chịu hậu quả. Thực trạng này cũng đặt Moskva đứng trước việc lựa chọn một cách tiếp cận táo bạo hơn với Trung Đông, trong sự thách thức ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây tại đây.
Người phát ngôn Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tự phong, tướng Ahmed al-Mesmari phát biểu trong một cuộc họp báo tại Benghazi hôm 21/6. |
Sự ra đi và cái chết của ông Qaddafi đã dẫn đến cuộc canh tranh quyền lực, chia cắt đất nước giữa hai phe phái chính, và là cơ hội cho khủng bố IS và các bộ tộc hoành hành. LNA của Tướng Haftar đại diện cho Quốc hội Libya đóng trụ sở tại Tobruk, miền đông Libya và các lãnh đạo quân đội thời Qaddafi giành được sự ủng hộ của Nga nhờ những chiến thắng trước lực lượng thánh chiến.
Tuy vậy, Liên hợp quốc lại ủng hộ lực lượng Liên hiệp chính phủ quốc gia tại Tripoli ở miền tây đất nước. Các cường quốc quốc tế muốn hòa giải hai "chính phủ" và Nga đã cam kết sẽ đóng vai trò hàng đầu trong tìm giải pháp. Chứng kiến Nga đã giúp Tổng thống Syria Bashar al-Assad giành lại quyền kiểm soát trong cuộc nội chiến kéo dài 7 năm qua, ông Mesmari cho rằng, sự ủng hộ của Moskva sẽ rất hữu ích đối với LNA.
“Chúng tôi biết rằng Nga là một trong những quốc gia rất năng động trong cuộc chiến chống khủng bố, chẳng hạn với những gì đang diễn ra tại Syria. Chúng tôi có mối quan hệ tốt, gần như tất cả các sĩ quan và cựu sĩ quan trong quân đội Libya đã được đào tạo tại Nga”, ông Mesmari nói, và nhấn mạnh cần thiết phải chấm dứt lệnh cấm của LHQ cung cấp vũ khí cho Libya. Ông cũng bổ sung thêm rằng: “Vấn đề Libya cần sự can dự của Nga và Tổng thống Putin, sự loại bỏ các nhân tố bên ngoài, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, đặc biệt là Italy. Ngoại giao Nga nên đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này”,
Chiến thắng của quân đội Syria đã trao cho Nga cơ sở vững mạnh ở Địa Trung Hải, nơi vốn là địa bàn chiến lược của NATO. Moskva có thể đang tìm cách tăng cường sự hiện diện ở khu vực chiến lược này. Nga đã duy trì liên hệ với cả Tobruk và chính quyền ở Tripoli, nhưng đặc biệt ủng hộ ông Haftar trong những năm gần đây nhằm chống lại lựa chọn được phương Tây ủng hộ ở Tripoli.
Nga tăng cường vai trò trong giải quyết khủng hoảng Yemen
Cách đó hơn 2.000 dặm, các phiến quân Yemen sau phong trào Mùa xuân A-rập năm 2011 cũng đã kêu gọi sự trợ giúp của Nga. Những cuộc biểu tình lớn đã buộc Tổng thống Abdullah Hadi phải từ chức vào năm 2012. Ông được thay thế bởi Tổng thống Mansour Hadi, người đang đối mặt với các lực lượng nổi dậy Houthi, còn gọi là Ansar Allah. Phiến quân Houthi đã kiểm soát hoàn toàn thủ đô Sanaa từ năm 2015, trong khi Saudi Arabia bắt đầu dội bom phiến quân với sự hỗ trợ của một liên minh khu vực được Mỹ hậu thuẫn nhằm đưa ông Hadi trở lại quyền lực.
Phong trào Houthi được cho là đang tập hợp chiến binh tới mặt trận xung đột với quân chính phủ ở thành phố cảng Al-Hodeidah bên bờ Biển Đỏ. |
Tuy không không can thiệp vào Yemen, Bộ Ngoại giao Nga hồi tháng 6 cảnh báo rằng, những vụ tấn công nhằm vào thành phố Hodeida sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc đối với toàn bộ Yemen”. Nga cũng đã phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm trừng phạt cả Syria lẫn Iran vì đã tài trợ vũ khí cho phiến quân Houthi.
Hiện tại không một cường quốc thế giới nào sẵn sàng đứng ra thể hiện vai trò khôi phục hòa bình tại Yemen, và đây được xem như là cơ hội với Nga. Từ đầu cuộc xung đột, Nga đã theo dõi sát sao tình hình Yemen và tự coi mình là một nhà trung gian tiềm năng hàng đầu giải quyết khủng hoảng.
Hồi tháng 1/2018, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố cần thực thi giải pháp ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc chiến tại Yemen. Moskva sẵn sàng liên hệ với tất cả các bên để giúp thúc đẩy một cuộc đối thoại chính trị. Tuần trước, ông Lavrov cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ đối thoại mở rộng hơn nữa với tất cả các bên.
Việc Nga phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an do Anh đệ trình về Yemen – được cho là quá cứng rắn với Iran và Houthi, cho thấy Nga đang thể hiện một quan điểm trực tiếp hơn với Yemen.
Trong khi đó, tình báo Mỹ đã theo dõi được những dấu hiệu cho thấy Moskva có thể sẽ sớm xây dựng một căn cứ quân sự tại Yemen.