Loạn biện pháp điều trị Covid-19 trên mạng xã hội
(Baonghean.vn) - Khi số lượng ca nhiễm tăng cao, nhu cầu tư vấn điều trị lớn, trên mạng xã hội cũng xuất hiện muôn kiểu chữa Covid-19. Bên cạnh những bài đăng đúng phác đồ điều trị, mang lại hiệu quả thì cũng có nhiều kẻ lợi dụng tâm lý của người dân để bán hàng.
“Nhà nhà làm bác sĩ”
Hiện nay, lên các trang mạng xã hội như Facebook, không khó để bắt gặp những bài đăng hướng dẫn biện pháp điều trị Covid-19. Nhiều bài đăng được cho là rút ra từ kinh nghiệm bản thân, muốn chia sẻ cho cộng đồng. Trong đó, ai ai cũng khẳng định, các biện pháp điều trị này an toàn và nhanh chóng khỏi bệnh. Lên Facebook, có cảm giác như “nhà nhà làm bác sĩ, người người làm bác sĩ”. Điều đáng nói, nhiều bài đăng với biện pháp điều trị khác nhau. Bên cạnh những chia sẻ đúng với phác đồ điều trị giúp ích cho người bệnh thì cũng có không ít biện pháp rất phản khoa học. Nhiều người còn lợi dụng nhu cầu cần tư vấn biện pháp điều trị để đưa ra các hướng dẫn nhằm trục lợi bán hàng…
Cách đây không lâu, nhiều tài khoản Facebook đồng loạt chia sẻ biện pháp điều trị Covid-19 bằng… giun đất. Nhiều tài khoản là người nổi tiếng nên không ít bệnh nhân đã tin theo và chia sẻ rộng rái “bí kíp” chống Covid-19 này. Những người này cho rằng, chỉ cần ăn giun đất sống sẽ “bất tử”, khỏi Covid-19. Trong khi đó, cho đến nay chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định giun đất hay các chế phẩm giun đất có thể điều trị Covid-19, cũng chưa có chế phẩm điều trị hay hỗ trợ điều trị Covid-19 nào từ giun đất được Bộ Y tế công nhận, cấp phép.
Một bệnh nhân Covid-19 nặng ở Nghệ An đang được cứu chữa. Ảnh: T.H |
Chưa hết, nhiều tài khoản Facebook cũng chia sẻ cách điều trị Covid-19 bằng phương pháp dân gian như dùng gừng rồi dừa, cho đến lá đu đủ, lá ớt. Với đủ kiểu công thức pha chế khác nhau, từ nấu canh cho nến nướng, hầm, xông… Có người lại chia sẻ biện pháp khá kỳ cục, đó là làm nhuyễn tỏi, pha với nước sôi rồi người bệnh chỉ cần ghé mặt vào hít, virus sẽ tự diệt? Cũng có không ít người rất tích cực chia sẻ các biện pháp điều trị Covid-19, trong đó cố tình lồng ghép thêm vào một số thực phẩm chức năng tư vấn cho người bệnh, chỉ nhằm mục đích để bán hàng.
Không chỉ muôn kiểu điều trị bằng biện pháp dân gian, ngay cả khi thuốc điểu trị Covid-19 đã được cấp phép, bán ra thị trường thì cũng đã xảy ra tình trạng nhiễu loạn thông tin về cách sử dụng sao cho đúng. Nhiều người vì quá hoang mang, thậm chí mua thuốc về uống để phòng bệnh, dù bản thân cũng chưa mắc Covid-19. Không ít trường hợp, đổ xô đi mua thuốc về, triệu chứng một đằng, nhưng sử dụng thuốc lại một nẻo do không tìm hiểu kỹ phác đồ điều trị. Đó là chưa kể, trên thị trường xuất hiện hàng loạt loại thuốc được rao bán nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cấp phép.
Hiện nay, Nghệ An đang có gần 90.000 bệnh nhân Covid-19 đang phải điều trị tại nhà. Những ngày gần đây, số ca nhiễm đã vượt 10.000/ngày, khiến cho hệ thống y tế cơ sở làm việc quá tải. Chính vì thế, nhiều F0 đang điều trị tại nhà rất cần được tư vấn, nhưng khi điện thoại cho các trạm y tế đều nhận được rất ít sự hỗ trợ. Đó cũng là nguyên nhân khiến các bệnh nhân đành phải lần mò trên mạng xã hội, tìm cách chống chọi với Covid-19.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Là người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, bác sĩ Nguyễn Đức Phúc - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An khuyến cáo, các bệnh nhân đang điều trị tại nhà không nên tự ý làm theo những biện pháp điều trị này vì có nhiều rủi ro. Thay vào đó, cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế. Các biện pháp điều trị mà Bộ Y tế đã công bố. Về việc sử dụng thuốc, cũng phải theo chỉ định. Các F0 cần phải tỉnh táo, không được quá hoang mang, tiếp cận thông tin y tế một cách chính thống.
Mới đây, Bộ Y tế đã cấp phép sản xuất thuốc Molnupiravir cho ba doanh nghiệp dược. Ngay lập tức, nhiều người dân đã đổ xô đi mua loại thuốc này về sử dụng. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, giống như bất kỳ loại thuốc nào, thuốc kháng virus Covid-19 cũng có tác dụng phụ. Chính vì vậy, trước chỉ định biện pháp điều trị thì bác sĩ xem xét triệu chứng, nếu cần phải làm xét nghiệm PCR trước khi quyết định cho toa hay không. Có những trường hợp không nên uống thuốc kháng virus như bệnh nhân sức khỏe yếu, có bệnh nền. Có những trường hợp không cần thiết uống, nhất là đã tiêm đủ liều (kể cả liều tăng cường) và không có triệu chứng.
Thuốc điều trị Covid-19 cũng có nhiều tác dụng phụ, tiềm ẩn rủi ro. Ảnh: T.H |
Cũng theo khuyến cáo, thuốc kháng virus Molnupiravir là loại thuốc rất đặc biệt. Người bệnh uống thuốc này phải có đơn của bác sĩ. Nếu uống tùy tiện có thể gặp những tác dụng phụ không mong muốn, thậm chí gây nguy hiểm sức khỏe về sau. Điều kiện các nhà thuốc để bán thuốc này cho bệnh nhân F0 gồm: có đơn chỉ định của bác sĩ hoặc có chứng nhận điều trị tại nhà hoặc có đoạn video ghi lại quá trình lấy mẫu và cho kết quả dương tính. Trong đó, quan trọng nhất là phải có đơn thuốc của bác sĩ.
Về việc chẩn đoán và điều trị Covid-19, phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Người bệnh không có triệu chứng thì không cần uống thuốc. Với người bệnh từ 18 tuổi trở lên, mắc Covid-19 ở mức độ nhẹ đến trung bình và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển mới được dùng thuốc.
Cụ thể, người bệnh có các triệu chứng: SpO2 lớn hơn 96%, nhịp thở thấp hơn 20 lần/phút. Người có SpO2 94 - 96%, nhịp thở 20 - 25 lần/phút, tổn thương trên X-quang nhỏ hơn 50% hoặc người bệnh Covid-19 mức độ nhẹ có bệnh lý nền được coi như mức độ trung bình. Về thời điểm dùng thuốc, người bệnh dùng trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát các triệu chứng hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng không sử dụng quá 5 ngày liên tiếp. Khuyến cáo thuốc không sử dụng cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em dưới 18 tuổi…
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo người dân chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có chỉ định của bác sĩ, các giới hạn sử dụng và các cảnh báo, thận trọng của thuốc nêu trên. Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc thì cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn và xử trí kịp thời. Đặc biệt lưu ý người dân không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường; chỉ dùng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.
Lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An, nhận định, trong ít ngày tới, Nghệ An sẽ đạt đỉnh dịch, áp lực lên hệ thống y tế vì thế rất lớn. Hiện nay, các nhân viên y tế cơ sở gần như đã phải làm việc quá tải, ngành Y tế phải tăng cường lực lượng, thậm chí huy động cả sinh viên để hỗ trợ. Vì thế đã xảy ra trường hợp F0 gọi điện đến để được hỗ trợ nhưng không được đáp ứng. "Về biện pháp điều trị, người dân cần tiếp cận thông tin chính thống về tư vấn điều trị Covid-19. Không tự ý sử dụng thuốc nếu không được bác sĩ chỉ định", vị này nói.