Lúng túng trong hoạt động của các ban HĐND cấp xã

14/11/2016 10:34

(Baonghean) - Theo Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp xã thành lập ban Pháp chế và ban Kinh tế - Xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu, hoạt động của các ban này hiện nay còn bộc lộ những hạn chế.

Vừa làm, vừa học

Sau khi được thành lập, Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội của HĐND xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn khóa III, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã tiến hành thẩm tra các báo cáo, tờ trình, nghị quyết trình tại kỳ họp thứ 2, HĐND xã khóa III. Tháng 11/2016, Ban Pháp chế HĐND xã gồm có 5 thành viên, trong đó có 2 người có bằng chuyên môn ngành Luật cũng đã tiến hành giám sát hoạt động của bộ phận một cửa của xã về các nội dung chế độ trực bộ phận một cửa, đánh giá của người dân về thái độ, phong cách phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, thời gian thực hiện giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức và cá nhân.

Qua giám sát, Ban Pháp chế, HĐND xã có kết luận, đánh giá việc làm được và hạn chế của bộ phận một cửa của xã để từ đó chấn chỉnh hoạt động của bộ phận này. Tuy nhiên, theo ông Phạm Quốc Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, kiêm Trưởng ban Pháp chế HĐND xã thì hoạt động của ban pháp chế còn nhiều lúng túng, phải vừa học, vừa làm, từng bước học hỏi. Nhất là việc thẩm tra các văn bản quy phạm pháp luật rất khó khăn vì các thành viên trong ban thiếu chuyên môn, vừa không có kinh nghiệm, cách thức tiến hành giám sát.

Các thành viên Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội, HĐND xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) giám sát việc triển khai xây dựng nông thôn mới.
Các thành viên Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội, HĐND xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) giám sát việc triển khai xây dựng nông thôn mới.

Bà Nguyễn Thị Thảo - Phó Chủ tịch HĐND xã Nam Thái cho biết: “Chúng tôi thấy khó khăn ngay từ việc dự thảo quy chế hoạt động, xây dựng kế hoạch, đề cương giám sát hàng năm của các ban. Luật không có hướng dẫn cụ thể nào nên rất khó cho cơ sở trong quá trình thực hiện. Một số quy định về trình tự, thủ tục giám sát còn chưa rõ ràng, cụ thể và chưa bảo đảm tính thống nhất. Chúng tôi kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể hoạt động của các ban của HĐND cấp xã”.

Tương tự là tại huyện Hưng Nguyên, việc thành lập các ban Pháp chế và Kinh tế - Xã hội theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, hoạt động của các ban này chưa được nhiều và hiệu quả chưa cao. Bên cạnh các nguyên nhân như: Ủy viên các ban thiếu kinh nghiệm, năng lực trong thẩm tra, giám sát thì việc hầu hết các thành viên kiêm nhiệm công tác nên khó có điều kiện để thực hiện công tác HĐND một cách chuyên sâu. Đơn cử như Ban Pháp chế của HĐND xã Hưng Đạo có 5 thành viên thì trưởng ban do Thường trực Đảng ủy đảm trách, phó ban do Phó chủ tịch MTTQ xã đảm trách; còn 3 ủy viên thì cũng có 2 người kiêm nhiệm, chỉ có 1 người là bộ đội về hưu.

Đoàn Giám sát của Thường trực HĐND tỉnh kiểm tra việc giải quyết kiến nghị của cử tri xã Đặng Sơn.
Đoàn Giám sát của Thường trực HĐND tỉnh kiểm tra việc giải quyết kiến nghị của cử tri xã Đặng Sơn.

Thời gian qua, Ban Pháp chế, HĐND xã Hưng Đạo đã tiến hành giám sát hai nội dung liên quan đến thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và hoạt động của các ban công an, quân sự xã. Tuy nhiên, theo bà Lưu Thị Dung – Thường trực Đảng ủy xã kiêm trưởng Ban Pháp chế xã Hưng Đạo chia sẻ: “Tôi vừa đảm nhận công tác Thường trực Đảng ủy kiêm Trưởng ban pháp chế, Chủ nhiệm UBKT, Trưởng khối Dân vận nên đối với bản thân gặp nhiều khó khăn. Ngoài kinh nghiệm chưa nhiều thì do kiêm nhiệm nhiều việc nên thời gian tập trung hoạt động cho ban thực sự chưa được xứng đáng. Bản thân phải thực sự nỗ lực, cố gắng để sắp xếp thời gian, công việc cho hoạt động của ban”.

Bà Nguyễn Thị Tú Lệ - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) kiến nghị: Bên cạnh những khó khăn về kinh nghiệm, chuyên môn, cơ chế hoạt động chuyên trách thì các thành viên các ban này chưa có phụ cấp thường xuyên nên cũng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động. Do đó, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền có chính sách để có phụ cấp, hỗ trợ cho các thành viên ban.

Cần cầm tay, chỉ việc

Chất lượng hoạt động của các ban Pháp chế và Kinh tế - Xã hội thực sự là băn khoăn và trăn trở hiện nay của những người công tác ở cơ quan dân cử này. Tại huyện Nam Đàn, bà Trần Thị Hiên - Phó Chủ tịch HĐND huyện đánh giá: Thực trạng hoạt động của các ban của HĐND cấp xã còn hạn chế, hiệu quả chưa rõ nét. Do đó, mặc dù đặc thù HĐND các cấp hoạt động độc lập nhưng HĐND huyện Nam Đàn tổ chức xếp loại cơ sở cuối năm để đánh giá thi đua, tạo động lực phấn đấu cho cơ sở. Đầu tháng 12/2016, HĐND huyện sẽ tổ chức giao ban với HĐND các xã trên địa bàn.

“Lần này sẽ mời các chủ tịch HĐND xã (trước đây chỉ mời Phó chủ tịch) để nắm tình hình thông tin cơ sở, nghe khó khăn vướng mắc khi thực hiện Luật Chính quyền địa phương ở cơ sở, nhất là hoạt động của các ban của HĐND xã để có giải pháp hỗ trợ, giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn; đưa hoạt động của các ban HĐND cấp xã đi vào hoạt động có nề nếp hơn, nhất là nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra và giám sát của các ban này dần dần đi vào quy củ và có chất lượng. Đồng thời thông qua đó, để HĐND huyện lựa chọn nội dung chất vấn tại kỳ họp cuối năm có chất lượng, trọng tâm, trọng điểm”, bà Hiên cho biết.

Ông Trần Đình Toàn - Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc
Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm việc tại cơ sở.

Còn tại huyện Hưng Nguyên, trước thực trạng được đánh giá là hoạt động của các ban còn “bỡ ngỡ” sau khi thành lập, địa phương này đã tổ chức tập huấn cho tất cả HĐND các xã, thị trấn; bên cạnh đó còn mời HĐND tỉnh về tập huấn cho trưởng, phó các ban của HĐND cấp xã; gửi quy trình hướng dẫn thẩm tra, giám sát để áp dụng vào thực tế. “Chúng tôi sẽ tăng cường tổ chức tập huấn cho các thành viên của các ban này, trong đó định hướng sẽ đi theo tập huấn chuyên đề cụ thể. Bên cạnh đó, huyện cũng đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục triển khai các chương trình tập huấn để trang bị thêm kiến thức, nâng cao chất lượng hoạt động của các ban này ở HĐND cấp xã" - Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Phó Chủ tịch HĐND huyện Hưng Nguyên cho biết.

Bà Thái Thị An Chung - Phó Trưởng ban Pháp chế, HĐND tỉnh cho biết: Thực trạng chung các ban của HĐND xã hoạt động kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách, không qua đào tạo bồi dưỡng, nhất là hoạt động của Ban pháp chế rất lúng túng, chưa hình dung được công việc mình làm. Để hỗ trợ hoạt động của HĐND cấp xã, HĐND tỉnh tiếp tục phối hợp với Thường trực HĐND các huyện tổ chức các đợt tập huấn, lớp đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ nhất là chức năng, nhiệm vụ của các ban của HĐND xã trong thực hiện nhiệm vụ thẩm tra và giám sát đi vào nề nếp, có hiệu quả.

Nhóm PV

TIN LIÊN QUAN

Lúng túng trong hoạt động của các ban HĐND cấp xã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO