Mất hàng chục triệu đồng vì tin lời mua bán hàng qua mạng xã hội

Hoài Thu 05/03/2022 10:58

(Baonghean.vn) - Liên lạc qua mạng xã hội, nghe lời dụ dỗ mua bán hàng online, chị T.L.A và N.T.H mất trắng hơn 70 triệu đồng.

Những lời kêu cứu muộn màng

Ngày 28/2/2022, trong tâm trạng buồn rầu vì bị mất gần 70 triệu đồng, chị T.L.A trú ở thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong làm đơn trình báo lên cơ quan công an về việc bản thân chị bị các đối tượng liên lạc qua mạng xã hội lừa gạt tiền. Trong đơn kêu cứu, chị T.L.A trình bày về việc thông qua tài khoản Facebook, một đối tượng không quen biết liên hệ với chị, giới thiệu tên là P.G.H mời tham gia chương trình “Cộng tác viên bán hàng nhận hoa hồng”.

Cụ thể, đối tượng P.G.H đã ngon ngọt mời chào chị T.L.A với nội dung “chỉ cần 200 ngàn đồng”, với một vài thao tác đơn giản thì sẽ nhận được tiền hoa hồng cao hơn nhiều lần tiền đầu tư ban đầu. Đối tượng hướng dẫn chị T.L.A lập 1 tài khoản trên trang bán hàng qua đường link đối tượng cung cấp để mua các đơn hàng rao bán trên trang đó. Mỗi đơn hàng chị T.L.A đặt mua thành công sẽ được hoàn trả tiền gốc kèm theo 30.000 - 100.000 đồng tiền “hoa hồng” tùy số tiền chị đặt hàng.

Đơn trình báo của nạn nhân bị lừa tiền qua mạng xã hội. Ảnh: P.V
Đơn trình báo của nạn nhân bị lừa tiền qua mạng xã hội. Ảnh: P.V

Đối tượng còn nhấn mạnh rằng “nếu tiền mua hàng càng cao thì tiền hoa hồng sẽ càng cao, đơn hàng 20 - 30 triệu đồng sẽ nhận được 200.000 đến 1 triệu đồng tiền hoa hồng”. Chị T.L.A đặt đơn hàng đầu tiên và chuyển tiền qua tài khoản thì các đối tượng vẫn trả lại tiền gốc và tiền hoa hồng cao.

Song những lần sau đó, sau khi chị A. đã chuyển tiền thì tài khoản rút về bị khóa. Để rút được tiền về, bọn chúng yêu cầu chị A. phải mua thêm nhiều đơn hàng khác, rồi lấy lý do quá giờ giao dịch, hoặc chưa đạt các mức độ giải ngân và phải đặt thêm đơn hàng mới có thể rút tiền về. Cứ như vậy, chị T.L.A đã chuyển nhiều lần tiền cho các tài khoản mà đối tượng lừa đảo cung cấp.

Trong đơn kêu cứu gửi lực lượng chức năng, chị A. trình bày: “Nhẹ dạ cả tin, ban đầu với 200.000 đồng tôi nghĩ là không nhiều, nhưng sau đó càng tham gia thì càng phải nộp thêm nhiều tiền. Đối tượng đã dùng nhiều lời lẽ và khuyên tôi nên đi cầm cố đồ, vay mượn để tiếp tục thì mới lấy lại được số tiền trước đó tôi đã nộp bằng cách chuyển tiền qua tài khoản cho đồng bọn của chúng. Vì lỡ dại không biết làm sao, mong muốn lấy lại tiền đã nộp nên tôi cố đi vay mượn, cầm cố tài sản và đã chuyển hơn 60 triệu đồng cho bọn chúng. Đến lúc không còn xoay xở được tiền để tiếp tục tham gia thì tôi mới hỏi ý kiến người nhà, được khuyên ngăn tôi mới tỉnh ngộ”.

Các đối tượng luên lạc quảng cáo bán hành online để lừa gạt tiền. Ảnh: P.V
Các đối tượng liên lạc quảng cáo bán hàng online để lừa gạt tiền của chị N.T.H. Ảnh: P.V

Cũng cuối tháng 2/2022, thông qua đường dây nóng của Báo Nghệ An, chị N.T.H trú ở thị trấn Đô Lương trình bày việc bản thân bị một đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 10 triệu đồng. Cụ thể, thông qua mạng xã hội Facebook bán hàng online, chị N.T.H đặt mua 2 chiếc máy ghi âm và định vị điện thoại với tổng giá trị 10 triệu đồng. Với những lời lẽ quảng cáo về tính ưu việt của các loại máy công nghệ cao, đối tượng yêu cầu chị N.T.H chuyển tiền trước mới giao hàng. Chị N.T.H trình bày: “Đối tượng có cung cấp số điện thoại và tài khoản Zalo có tên “Hà Nội” để liên lạc, hướng dẫn. Vì đang cần mua các loại máy nên tôi đã chuyển khoản trước cho đối tượng qua số tài khoản mang tên P.M.H mà hắn ta cung cấp. Sau khi chuyển khoản, hắn hứa hẹn sẽ gửi máy cho tôi. Nhưng sau vài ngày vẫn không nhận được hàng, tôi nhắn tin qua Zalo để hỏi thì đối tượng không trả lời. Tôi gọi điện thoại theo số trước đó đã trao đổi thì số máy đã bị khóa, lúc đó tôi mới biết mình bị lừa thì đã tiền mất tật mang”.

Nâng cao hiểu biết để tránh bị lừa gạt

Qua công tác điều tra, xử lý của lực lượng công an cho thấy, nạn nhân mà các đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội nhắm đến là những người nhẹ dạ cả tin, những người không có việc làm, hoặc người có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập. Các đối tượng này thường đăng tải thông tin quảng cáo tìm cộng tác viên bán hàng online trên mạng xã hội, yêu cầu cộng tác viên phải thanh toán đơn hàng trước cho công ty sau đó sẽ nhận lại được tiền gốc cộng thêm chiết khấu như trường hợp xảy ra với chị T.L.A.

Thông tin về loại tội phạm lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh cho biết, năm 2021 đơn vị đã đấu tranh làm rõ 08 vụ, 22 đối tượng liên quan đến các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube…

Bởi vậy, khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm Công an tỉnh còn khuyến cáo, các đối tượng còn lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo bằng nhiều thủ đoạn khác như giả mạo thư điện tử chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng có đính kèm file tài liệu gắn mã độc để lấy cắp thông tin cá nhân. Nội dung thư yêu cầu bị hại tải tệp tin đính kèm hoặc các liên kết chúng cung cấp để xem nội dung chi tiết. Khi bị hại mở tệp tin, truy cập vào các liên kết hoặc tải ứng dụng theo đường link, virus hoặc các mã độc sẽ ngay lập tức được tải tự động và cài đặt trên thiết bị cá nhân của bị hại và đánh cắp thông tin và rút tiền trong tài khoản.

Lực lượng công an cảnh báo, khuyến cáo nhiều lần các thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội. Ảnh minh họa
Các đối tượng còn mở các trang cá nhân bán hàng online để rao bán các mặt hàng, yêu cầu người mua hàng chuyển khoản trước tiền đặt cọc. Sau khi nhận được tiền thì đối tượng không giao hàng, hoặc giao hàng giả, sau đó khóa trang mạng, bỏ số liên lạc để xóa bỏ dấu vết và chiếm đoạt số tiền đã chuyển để mua hàng của nạn nhân.

Để chủ động phòng tránh các hoạt động lừa đảo qua không gian mạng, Cơ quan Công an đề nghị người dân không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, nhà ở... cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch. Người dân khi mua hàng qua mạng cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, thanh toán minh bạch và cẩn trọng khi chuyển tiền trước. Thận trọng khi nhận các thư điện tử. Không nhấp vào liên kết hoặc mở tệp đính kèm trong thư điện tử mà không muốn nhận hoặc đến từ người gửi không xác định. Không chuyển khoản cho người không quen biết. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Mới nhất

x
Mất hàng chục triệu đồng vì tin lời mua bán hàng qua mạng xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO