Mở hội miền Tây
(Baonghean) - “Ai có về miền Tây hôm nay/ Như lạc vào miền xanh huyền thoại/ Lấp lánh sao trời niềm vui mở hội/ Bài nhuôn nào ta hát để tặng nhau…”. Đêm 25/1, có biết bao lời nhuôn, lời suối, tiếng khèn thiết tha gửi trao như thế đã được cất lên từ đêm hội Sắc xuân miền Tây Nghệ An. Giữa cái lạnh cắt da của mùa đông sơn cước, hàng ngàn người đã đổ về Sân vận động Thị xã Thái Hòa để hòa mình vào hội xuân lớn nhất trong năm.
Theo thông báo của Ban Tổ chức, đúng 17h, hội xuân mới bắt đầu nhưng từ rất sớm, từng dòng người đã nô nức tiến về Sân vận động Thị xã Thái Hòa. Khác với sự vắng vẻ thường ngày, sân vận động hôm nay rộn rã và náo nhiệt với tiếng cười, tiếng nói chuyện râm ran của biết bao người con xứ Nghệ đến từ cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Phải khéo len lỏi lắm mới tìm được một điểm cao để phóng tầm mắt ra toàn cảnh, thì chao ôi là rực rỡ đủ các sắc phục dân tộc và rộn ràng các loại nhạc cụ đặc trưng vùng miền. Có sắc áo chẽn trắng thanh thoát của những người con gái Thái, có màu thổ cẩm nồng nàn của đồng bào dân tộc Mông, và những thiếu nữ dân tộc Thổ mang trên đầu chiếc khăn vuông trắng đặc trưng, ngại ngùng đứng nép sát bên nhau, thầm thì kháo chuyện hội vui, mắt môi ánh hồng lên niềm háo hức khó giấu.
Thị xã Thái Hòa đêm nay rực rỡ ánh đèn và dường như ấm áp hơn bởi cái không khí đêm hội đã lan tỏa khắp phố phường. Càng sát giờ khai hội, con đường dẫn vào sân vận động càng trở nên chật chội hơn. Dù đã được lường trước, các phương tiện cơ giới đều bị hạn chế đi lại nhưng vẫn khó có thể di chuyển được trong biển người mênh mông. Ai cũng muốn “dắm” sẵn cho mình vị trí tốt nhất để xem hội, vì “nghe nói hội này lớn lắm, nhiều tiết mục múa hát đặc sắc lắm, có cả trình diễn sắc phục đồng bào các dân tộc nữa mà!”- ai đó đứng cạnh bên “bật mí” cho nhau trước giờ G.
Nếu khéo để ý một chút thì sẽ không quá khó khăn để có thể tham gia vào hầu hết các trò vui của đêm hội. Đúng 17h, các hoạt động trò chơi dân gian bắt đầu được khởi động. Hãy để đôi chân hồn nhiên lạc bước theo tiếng cười giòn vang của những nam thanh, nữ tú ở một góc sân vận động, sẽ thấy mình đang đứng trước dãy cọc đu tiên. Trong âm vang của nhiều ca khúc về miền Tây tuyệt sắc, những chàng trai, cô gái được ghép thành từng đôi, thẹn thùng đứng trên bàn đu tiên, hòa hợp trong nhịp điệu đất trời giao thoa. Trò chơi đu tiên là trò chơi dân gian có mặt trong cuộc vui của nhiều cộng đồng dân tộc và trong đêm hội này, khoảng cách dân tộc và vùng miền dường như đã được xóa nhòa.
Chàng trai người dân tộc Thái chìa đôi bàn tay rắn rỏi, nghiêng mình đón lấy thiếu nữ đồng bào dân tộc Thổ đứng lên bàn đu tiên, còn ở cột bên kia, là cặp đôi trai Mông, gái Thái đang rì rầm trò chuyện. Lý Văn Sử là một chàng trai như thế. Sử đến từ Tri Lễ, Quế Phong. Cùng với 5 người bạn khác của mình, Sử phải bắt chuyến xe khách từ sáng sớm để xuống Thị xã Thái Hòa dự hội. Hỏi sao phải xuống sớm thế, có mệt không thì Sử cười rạng ngời bên người bạn gái mới quen: “Phải đi sớm để chơi hội cho thoải mái chứ. Mùa này, lúa đã về nhà, trâu bò no bụng rồi, người được rảnh để đi chơi Tết thôi.” Còn cô bạn mới của Sử là Lương Thị Bình, tỏ ra e thẹn khi được hỏi đến: “Mình người ở thị xã này thôi. Mình đi cùng mấy chị em trong gia đình, đang đứng xem hội thì anh Sử mời chơi trò đu tiên. Ngày hội mà, phải nhiệt tình mới vui chứ!”
Nói đoạn, đôi bạn lại náo nức kéo tay nhau đi xem hội ở góc khác sân vận động. Bên này là nhảy sạp, là khắc luống, là ném còn… Không khí xem ra náo nhiệt chẳng kém trò đu tiên. Người chơi nhảy lên khi ném được còn cao và trúng điểm, người cổ vũ thì chốc chốc lại ồ à lên tiếc rẻ, lao xao “bày mưu” ném còn ăn điểm hơn đội bạn. Dạo hết một vòng sân vận động, góc nào cũng rộn ràng không khí hội hè và ồn ã những thanh âm, chẳng mấy chốc đã đến 20 giờ 30 phút, tiếng loa thông báo giờ khai hội chính thức vang lên. Mọi cuộc vui tạm dừng lại, hàng ngàn ánh mắt say hội hướng lên sân khấu chính.
Ánh sáng lấp lánh muôn màu từ dàn đèn công suất lớn được điều chỉnh hết cỡ, tỏa chiếu lên sân khấu vẻ lung linh và thu hút lạ kỳ. Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ tỉnh, đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiến lên sân khấu phát biểu khai mạc đêm hội Sắc xuân miền Tây Nghệ An năm 2014. Đồng chí nhấn mạnh, đêm hội là dịp để thắt chặt tình đoàn kết keo sơn giữa cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An; đồng thời, thông qua đêm hội, nét văn hóa giàu bản sắc của các dân tộc được thể hiện, bảo tồn, gìn giữ và phát triển. Đêm hội còn mang ý nghĩa quảng bá, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với miền Tây Nghệ An - vùng đất có vẻ đẹp thiên nhiên mỹ lệ, giàu truyền thống, đậm đà bản sắc, con người hiếu khách và nhiệt thành.
Trong ánh mắt hồi hộp chờ khai hội của hàng ngàn người dân, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh những tiếng trống đầu tiên báo hiệu thời khắc mở hội. Tiếng trống vang to, ngân xa như vỡ òa cảm xúc của ngần ấy con người. Sắc xuân miền Tây Nghệ An đã lan tỏa trong không gian, biển người vỗ tay reo mừng phấn khởi, có nhóm bạn trẻ ôm choàng lấy vai nhau trong niềm vui xuân. Và đêm hội đã không phụ lòng mong mỏi, hàng loạt tiết mục văn nghệ của các đoàn diễn viên chuyên và không chuyên đã liên tiếp được diễn ra. Sân khấu chính sáng bừng lên trong ánh mắt say sưa.
Đoàn nghệ thuật xóm U, xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Đàn) để lại nhiều ấn tượng trong lòng công chúng hơn cả. 16 diễn viên, trong đó lớn tuổi nhất là trưởng đoàn Vũ Thị Thanh, năm nay đã chẵn bát tuần, còn lại đều là những người cũng đã đáng tuổi làm ông, làm bà trong gia đình, thế nhưng, khi bước lên sân khấu, họ vẫn đam mê và nhiệt huyết, vẫn “lửa” không thua kém bất kỳ đoàn diễn nào. Đôi tay cầm dùi trống đánh liên hồi kỳ trận, nhịp trống giục giã, rộn ràng hòa điệu với tiếng cồng chiêng và những điệu múa lễ hội mang tiết tấu nhanh, mạnh đã cuốn hút tất cả mọi khán giả. Vẫn chưa kịp ráo mồ hôi sau tiết mục biểu diễn, trưởng đoàn Vũ Thị Thanh cười tươi trả lời: “Đồng bào dân tộc Thổ chúng tôi có nét đặc sắc nhất về cồng chiêng, nên đây là dịp hiếm có để thể hiện. Dù trong đoàn ai cũng tuổi cao nhưng sức cống hiến cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thì vẫn còn. Mong rằng qua các hoạt động này, con cháu lớp trẻ sẽ tìm hiểu về văn hóa dân tộc mình nhiều hơn.”
Màn múa hát bên chum rượu cần của người Thái. |
Ngay sau các tiết mục biểu diễn văn nghệ là màn biểu diễn nghệ thuật và trình diễn trang phục ngày xuân của đồng bào các dân tộc miền Tây Nghệ An. Đây là tiết mục được nhiều người chờ đợi nhất, bởi hình ảnh các nam thanh, nữ tú trong sắc phục truyền thống luôn mang lại ấn tượng thị giác đẹp và cuốn hút. Mỗi cộng đồng dân tộc có nhạc điệu riêng của mình. Trong tiếng khèn Mông rạo rực thiết tha, những diễn viên không chuyên đến từ huyện Quế Phong đã khoác lên mình những chiếc váy thổ cẩm rực rỡ nhất, là sản phẩm được thêu thủ công bằng bàn tay khéo léo và cần mẫn của người phụ nữ trong gia đình. Đơn vị huyện Quỳ Châu lại góp phần làm đẹp đêm hội bằng bước đi thướt tha của người thiếu nữ dân tộc Thái trong bộ áo chẽn trắng, váy thêu mặt trời đỏ thắm.
Và còn cộng đồng dân tộc Thổ, Khơ mú… cũng nhiệt tình trong không khí rạo rực hội xuân. Có tìm vào sau cánh gà sân khấu mới thấy hết được sự tận tâm của những diễn viên chuyên và không chuyên cho những màn trình diễn. Mải mê nhẩm lại lời ca khúc cho thật nhuyễn, chỉnh lại cho nhau chiếc khăn đội đầu cho thật đẹp, đôi bạn diễn Vi Thị Thìn và Vi Thị Linh đến từ đơn vị huyện Quỳ Châu nhỏ nhẹ tâm sự: “Khi được biết mình có tên trong danh sách đi dự hội xuân, chúng em rất vui. Đây là hoạt động ý nghĩa nhân dịp năm mới sắp đến, hy vọng, sang năm và các năm sau nữa, hội xuân miền Tây vẫn được tổ chức để chúng em có cơ hội được giao lưu, gặp gỡ nhiều bạn bè, hiểu thêm về bản sắc các vùng miền khác nhau.”
Điểm khác biệt đặc sắc nhất đêm hội có lẽ là nghi lễ cầu mùa, cầu mưa thuận gió hòa của cộng đồng dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An. Chỉ trong khoảng 15 phút, sân khấu rực rỡ đèn hoa đã được hóa thành không khí trang nghiêm, long trọng. Những diễn viên quần chúng đến từ đơn vị huyện Quỳ Hợp, cũng chính là những đồng bào dân tộc Thái tái hiện lại không gian văn hóa tâm linh thành kính của mình. Trong tiếng cồng chiêng ngân vang, những bài văn vần giản dị mà thiêng liêng được cất lên, cả đêm hội bỗng dưng lặng phắc. Là đồng bào dân tộc, ai cũng hiểu được tầm quan trọng của nghi lễ cầu mùa với đời sống sinh hoạt, sản xuất hàng ngày. Đời sống còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thế nên nghi lễ cầu mùa, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa đã đi sâu vào tiềm thức mỗi người. Đêm hội đã dẫn dắt tâm trạng mọi người đến mọi cung bậc cảm xúc.
Thế nhưng, dù hội có vui đến mấy cũng đến giờ vãn cuộc. Lúc này, sân khấu chính đã nhường vị trí thu hút nhất xuống phía dưới - nơi hàng ngàn người dân đang nô nức với đêm lửa trại và uống rượu cần. Rượu cần có mặt trong hầu hết mọi niềm vui, nỗi buồn của đồng bào các dân tộc. Rượu cần đón xuân lại càng đặc biệt hơn, vì gắn liền với những hy vọng và mong chờ vào một năm mới bội thu. Trong ánh lửa bập bùng, có những ánh mắt chứa đầy tâm tình được gửi trao. Men rượu cần nồng say như điểm chốt cuối cùng của hội xuân nhiều cảm xúc. Người dự hội còn quyến luyến ở lại sát nửa đêm. Thoáng nhìn thấy có những bàn tay đã gửi trao nhau, những nụ cười thẹn thùng hẹn mùa hội sau… Đêm hội Sắc xuân miền Tây Nghệ An năm 2014 đã kết thúc trong hân hoan và những điều hẹn ước!
Phương Chi - Hữu Quân