'Mỗi gia đình phải tìm thấy chất keo gắn kết'

Thanh Nga 28/06/2020 08:25

(Baonghean.vn) - Gia đình là nơi chúng ta được sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của người thân. Bất kỳ ai cũng đều mong muốn gia đình mình luôn được ấm no, hạnh phúc. Nhân kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam (28/6), Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với bà Lê Thị Hương Giang - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh.

P.V: Được biết, chủ đề Ngày Gia đình năm nay là “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”. Vậy theo chị để xây dựng được một gia đình có được sự có được nét đẹp đó cần những yếu tố gì?

Bà Lê Thị Hương Giang: Trước hết chúng ta ai cũng hiểu rằng muốn có hạnh phúc gia đình, trước hết phải có được sự yêu thương tôn trọng lẫn nhau của các thành viên trong gia đình. Vậy điều quan trọng nhất chính là phải gìn giữ được lối ứng xử tốt đẹp trong gia đình vì đó là tiền đề của hạnh phúc. Hạnh phúc của một gia đình chỉ đạt được khi các thành viên trong gia đình đó đều cảm thấy được tôn trọng, yên vui

Vậy ứng xử tốt đẹp trong một gia đình chúng ta ai cũng hiểu rằng, đó là bố mẹ, ông bà cần lắng nghe tôn trọng con cái, chồng cần thấu hiểu tôn trọng, chia sẻ với vợ; ngược lại con cháu cần lễ phép, ngoan ngoãn với ông bà, bố mẹ. Nhưng cụ thể trong từng gia đình lại có phần khác nhau có thể gia đình này chọn lối ứng xử truyền thống, nhưng gia đình kia chọn lối ứng xử hiện đại hơn, con cái có quyền được phản biện khi chúng cho rằng ý kiến của ông bà, cha mẹ chưa phù hợp, và ông bà cha mẹ cần lắng nghe....Nhưng, nhìn chung mỗi gia đình đều phải đạt được sự tôn trọng, yêu thương thông qua những ứng xử, cư xử hàng ngày với mỗi thành viên trong gia đình thì mới đạt được sự yên vui, đầm ấm.

Bà Lê Thị Hương Giang (giữa) thăm mô hình
Bà Lê Thị Hương Giang (giữa) hướng dẫn phương thức tuyên truyền ở cơ sở. Ảnh: NVCC

Tôi tâm đắc nhất với một ý tứ trong bài báo mà tôi vừa đọc: “Những gia đình hạnh phúc đều giống nhau". Bài viết này đề cập đến ba đặc điểm giống nhau của mọi gia đình hạnh phúc đó là: Mẹ được chiều chuộng; cha được tôn trọng và con được tiếp nhận. Theo tôi đó cũng chính là những yếu tố cấu thành một gia đình hạnh phúc.

PV: "Gia đình hạnh phúc" là cụm từ mang nghĩa rộng nhưng xét một cách cụ thể và dễ hiểu nhất thì một gia đình hạnh phúc là một tổ ấm không có biến cố, luôn đoàn kết thương yêu, cùng chung sức đồng lòng dựng xây những giá trị tốt đẹp. Chị có thể thông tin thêm về quan điểm của mình xung quanh vấn đề này?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Bà Lê Thị Hương Giang: Như tôi đã nói, một gia đình có được hạnh phúc khi người phụ nữ cảm thấy họ được chiều chuộng. Vậy, vì sao ở mọi gia đình hạnh phúc, người mẹ thường được chiều chuộng? Người mẹ được đề cập ở đây chính là người phụ nữ trong gia đình. Với phụ nữ, dù ở bất cứ thời đại nào, dù họ là ai, thành đạt hay không thành đạt, cao sang hay nghèo hèn... thì điều khiến họ hạnh phúc nhất không phải là tiền bạc mà là sự yêu thương chở che của người bạn đời, của những thành viên khác trong gia đình. Khi được chiều chuộng, như một thứ bản năng, phụ nữ luôn có cảm giác rằng mình được yêu thương. Và điều đó khiến họ vô cùng hạnh phúc. Ở những gia đình mà người phụ nữ hạnh phúc, con cái thường cũng rất hạnh phúc vui vẻ. Một đứa trẻ vui vẻ hạnh phúc thì đó chính là nền tảng tuyệt vời cho sự phát triển cả về thể lực cũng như tâm trí. Có sự giáo dục nào tuyệt vời hơn thế?

Còn đối với đàn ông dù họ có là ai, giữ địa vị cao sang hay không giữ địa vị gì thì trước người bạn đời của mình, họ luôn phải thấy mình được tôn trọng và chắc chắn rằng khi được tôn trọng thì họ mới cảm thấy hạnh phúc.

Đối với con trẻ, chúng chỉ cảm thấy được an vui khi được tiếp nhận đầy đủ tình yêu thương của cha mẹ ông bà, được bày tỏ cảm xúc, ý kiến, quan điểm của mình và được các thành viên trong gia đình và cha mẹ tiếp nhận đầy đủ nhất.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Và để có đượ̣c các điều kiện trên thì cần nhất vẫn là sự gắn kết chặt chẽ tự nhiên của mỗi thành viên với gia đình mình. Bất kể ai dù ở thời khắc đau khổ hay sung sướng người đầu tiên họ nghĩ đến là gia đình, cha mẹ ông bà, anh chị em mình. Vì thế, nền tảng một gia đình bình an, hạnh phúc quyết định đến sự thành, bại của mỗi cá nhân, sự phồn thịnh của xã hội.

PV: Thế nhưng, để có được điều tưởng chừng khá đơn giản đó, không phải gia đình nào muốn cũng đều có thể dựng xây được. Nhiều gia đình tưởng chừng rất hạnh phúc đầm ấm nhưng bên trong không hẳn là vậy. Vậy có phải họ thiếu một sự cảm thông, thiếu một sự cố gắng?

Phụ nữ nông thôn vùng miền núi cần có nghề cầm tay để tạo ra giá trị vật chất. Ảnh: NVCC
Phụ nữ nông thôn vùng miền núi cần có nghề cầm tay để tạo ra giá trị vật chất. Ảnh: NVCC

Bà Lê Thị Hương Giang: Có thể nói bất cứ một gia đình hạnh phúc nào đều có bàn tay vun đắp của người phụ nữ, và một người phụ nữ họ chỉ chủ động, nỗ lực, hy sinh để vun đắp cho gia đình khi họ được yêu thương. Và một người phụ nữ được yêu thương họ sẽ được hạnh phúc, hạnh phúc của người phụ nữ cũng sẽ làm tỏa rạng một ngôi nhà hạnh phúc. Vì thế điều tiên quyết để có được gia đình hạnh phúc thì người phụ nữ chính là người xây ngọn lửa ấm, ngược lại đàn ông phải là người tạo nên được sự tỏa rạng đó bằng cách mang đến sự vững chãi, tin yêu trong một gia đình. Hoặc cả hai phải cùng tìm được quan điểm chung để cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, từ đó mới gắn kết, sẻ chia. Hạnh phúc sẽ luôn ở bên ta dù không có được ngôi nhà đẹp, xe sang nhưng lại có được những điều giản đơn như vợ chồng cùng san sẻ việc nhà, vợ nói chồng nghe, và ngược lại chồng nói vợ tôn trọng, hưởng ứng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trên thực tế, nhiều gia đình tiếng là có điều kiện kinh tế, là vợ đẹp con ngoan nhưng lại không có được niềm vui, không có tiếng cười, cũng không có sự cảm thông chia sẻ. Vậy có thể nói, gia đình đó có bình an và hạnh phúc được không? Không thể!

Vì thế, hạnh phúc chỉ có được khi mỗi thành viên trong gia đình từng ngày, từng ngày cảm nhận được sự đồng lòng chung sức của mỗi người còn lại vì mình, và ngược lại mình vì mọi người. Nói vậy là bởi, trong xã hội hiện đại việc chăm chút để có được một gia đình hạnh phúc không đơn thuần người phụ nữ chỉ có cơm ngon canh ngọt, nuôi dạy con cái học giỏi ngoan ngoãn mà họ còn phải đồng hành cùng chồng trong phát triển kinh tế gia đình. Ngược lại, người đàn ông không chỉ bôn ba ngoài xã hội, xông pha “chiến trường” làm kinh tế mà còn phải cùng vợ chăm lo việc nội trợ. Sự tương trợ đó sẽ là chất keo trong gia đình, giúp mỗi thành viên tự cảm nhận được sự cần thiết của mình với những người còn lại. Tôi nghĩ rằng câu nói: “Đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm” đúng nhưng chưa đủ, bởi bây giờ phụ nữ cũng xây nhà và đàn ông cũng phải xây tổ ấm thì gia đình mới ấm no và bình an.

PV: Vậy để người phụ nữ hiện đại ngày nay đáp ứng được những chu toàn trong việc xã hội nhưng lại vẫn giữ lửa trong gia đình thì cần sự chung sức như thế nào của gia đình, chồng con?

Bà Lê Thị Hương Giang: Trong chương trình hoạt động của Hội, chúng tôi luôn đề cao việc phụ nữ phải tự mình xác định được vai trò, vị thế, nhiệm vụ của mình trong gia đình cũng như cộng đồng mình sinh sống. Vì thế, người phụ nữ trước hết phải tự cân bằng giữa gia đình và công việc xã hội. Chúng ta cũng không nên nặng nề quá với yêu cầu hoàn thiện “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” để rồi tự mình gồng gánh quá nhiều trách nhiệm. Vì phụ nữ vốn sức khỏe yếu, bản thân lại phải đảm trách thiên chức làm mẹ làm vợ, nên không thể vừa giỏi cái này đồng thời lại “siêu phàm” cái kia, thế nên chúng ta phải xác định cho rõ mình đang làm gì tốt nhất cho gia đình và chính bản thân mình, thế là mình đã biết cách tự làm cho mình hạnh phúc.

Hơn nữa nếu muốn có một gia đình hạnh phúc không chỉ người phụ nữ là người đảm trách xây tổ ấm, mà phần lớn cũng phụ thuộc vào người chồng. Khi chồng con hỗ trợ cho vợ và mẹ thì người phụ nữ sẽ hoàn tất được cả hai nhiệm vụ giỏi việc nước và đảm việc nhà.

Người chồng ngoài lo toan kinh tế gia đình nhưng đồng thời cũng phải gánh thêm phần việc nhà như bếp núc chợ búa, đón con cho vợ. Nếu đàn ông mặc định chuyện cơm nước nhà cửa đối nội đối ngoại là chuyện của vợ thì người vợ sẽ quá tải, sinh ra tâm lý buồn bực, và cơm chẳng lành canh chẳng ngọt là câu chuyện dễ xảy ra. Lâu dần sẽ trở thành một nếp văn hóa không hay trong ngôi nhà của họ. Vì vậy chính phụ nữ cần phải điều chỉnh những ông chồng gia trưởng của mình để họ có được sự lắng nghe thấu hiểu, sự chia sẻ trong tất cả các nhiệm vụ của vợ, dù trong nhà hay ngoài xã hội

PV: Để "Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình" như chủ đề của năm do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phát động, các cấp ngành liên quan, các tổ chức chính trị xã hội cần có phương án tuyên truyền như thế nào để mỗi cụm dân cư, một thành viên trong các tổ chức đều có thể thẩm thấu được điều này?

Bà Lê Thị Hương Giang: Trước hết, để cho tất cả mọi người, mọi tổ chức cá nhân hướng về chủ đề đó và nâng nhận thức cho mỗi thành viên cá nhân trong gia đình trong mỗi tổ chức, các đơn vị địa phương cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền về Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; phát huy, nhân rộng các mô hình xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ và hạnh phúc; chú trọng phòng, chống bạo lực gia đình, nhằm đạt được chỉ tiêu có trên 95% hộ gia đình được tiếp cận thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình.

Mô hình phát triển kinh tế từ nuôi tằng cao sản của phụ nữ Nam Đàn. Ảnh: NVCC
Mô hình phát triển kinh tế từ nuôi tằm cao sản của phụ nữ Nam Đàn. Ảnh: NVCC

Ngoài ra, các đơn vị trong tỉnh còn tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo, nói chuyện chuyên đề; các hoạt động giao lưu, hội thi tìm hiểu kiến thức về gia đình, văn hóa ứng xử trong gia đình. Và phải quan tâm tới công tác biểu dương, tôn vinh, khen thưởng điển hình để nêu gương, tạo sự lan tỏa. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là xây dựng những mô hình gia đình hạnh phúc ấm no, lan tỏa các CLB gia đình hạnh phúc trong cộng đồng dân cư để đẩy lùi nạn bạo hành gia đình đồng thời giúp các hội viên, thành viên thấm nhuần các kỹ năng cũng như thay đổi nhận thức hướng đến hoàn thiện bản thân; thay đổi thói quen, lối ứng xử chưa phù hợp nhằm mang đến những yêu thương, hạnh phúc cho các thành viên trong gia đình mình. Điều quan trọng nhất trong các mô hình gia đình hạnh phúc là tỷ lệ các thành viên tham gia phải đồng đều cả nam và nữ, như thế sự tương tác, thấu hiểu và hiệu quả tuyên truyền mới đạt được cao nhất.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Mới nhất

x
'Mỗi gia đình phải tìm thấy chất keo gắn kết'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO