Mỹ trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga; Matxcơva tuyên bố sẽ áp dụng quy tắc “có đi có lại”

Thái Bình 27/03/2018 06:06

(Baonghean.vn) - Mỹ và 17 nước trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao Nga sau vụ đầu độc; Hạ viện Mỹ điều tra tham vọng quân sự của Trung Quốc ở châu Phi; Cháy Trung tâm thương mại Nga 64 người thiệt mạng;... là những tin tức quốc tế nổi bật 24h qua.

1. Mỹ và 17 nước trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao Nga sau vụ đầu độc

    14 nước EU đồng loạt trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Ảnh: Sputnik.
    Mỹ và 17 nước đồng loạt trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Ảnh: Sputnik.

    Theo AFP, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 26/3 quyết định trục xuất 60 nhà ngoại giao và yêu cầu Nga đóng cửa lãnh sự quán của mình tại Seattle.

    Trong số này có 12 người đăng ký là nhân viên tình báo ở Phái đoàn Nga tại New York. Những viên chức này có 7 ngày để rời nước Mỹ. Đây là hành động cứng rắn nhất của chính quyền Trump, vốn thường bị chỉ trích là không đủ quyết liệt với Tổng thống Putin của Nga.

    17 nước khác, trong đó có Canada, Ukraine và Albania và các nước EU, đồng loạt trong ngày trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Các nước đều tuyên bố trục xuất để thể hiện sự đoàn kết với nước Anh trong vụ cựu điệp viên bị đầu độc.

    Số lượng nhà ngoại giao bị trục xuất lớn hơn nhiều so với các dự đoán trước đó. Việc 18 nước cùng hành động một lúc cũng là cú sốc đối với Moscow.

    2. Hạ viện Mỹ điều tra tham vọng quân sự của Trung Quốc ở châu Phi

    Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ Devin Nunes. Ảnh: Reuters
    Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ Devin Nunes. Ảnh: Reuters

    Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ Devin Nunes tuyên bố, ủy ban của ông sẽ điều tra những nỗ lực thâu tóm ảnh hưởng quân sự và kinh tế của Trung Quốc ở châu Phi.

    Phát biểu trên chương trình truyền hình "Sunday Morning Futures with Maria Bartiromo", ông Nunes, nghị sĩ đảng Cộng hòa cho biết việc đầu tư của Trung Quốc vào các nước châu Phi sẽ cho phép Bắc Kinh tăng cường khả năng kiểm soát thương mại thế giới.

    Ông Nunes trích dẫn việc Trung Quốc khánh thành một căn cứ quân sự ở Djibouti, trong Vùng Sừng châu Phi và lối vào Biển Đỏ như một ví dụ điển hình cho tham vọng nói trên của chính quyền Bắc Kinh.

    "Chúng tôi tin, họ đang tìm cách đầu tư vào các cảng và cơ sở hạ tầng ở khắp nơi trên thế giới. Động thái không chỉ phục vụ các khả năng quân sự mà còn kiểm soát cả chính phủ những quốc gia này", ông Nunes nói.

    3. Cháy Trung tâm thương mại Nga 64 người thiệt mạng

    Cháy Trung tâm thương mại ở Nga: 53 người thiệt mạng, 4 người bị bắt
    Cháy Trung tâm thương mại ở Nga: 53 người thiệt mạng, 4 người bị bắt

    Bộ đặc trách ứng phó với các tình huống khẩn cấp ở Nga cho biết một trận hỏa hoạn tại một trung tâm mua sắm ở thành phố Kemerovo thuộc tỉnh Siberia đã giết chết 64 người.

    Đám cháy khởi sự hôm Chủ nhật tại trung tâm mua sắm Winter Cherry, cao 4 tầng, tại Kemerovo. Nhân viên cứu hỏa chỉ dập tắt được đám cháy vào sáng sớm hôm nay (Thứ Hai 26/3/2018). Ngoài số người tử vong, đám cháy còn gây thương tích cho hàng chục người.

    Rất nhiều nạn nhân là trẻ em. Trước đây trong ngày, tin AP cho biết có ít nhất 3 trẻ em và một phụ nữ, nhưng số tử vong có thể thay đổi.

    4. Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran ấn định ngày hội đàm về vấn đề Syria

    Cuộc gặp ba bên do Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chủ trì. (Nguồn: AFP/Getty Images)
    Cuộc gặp ba bên do Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chủ trì. (Nguồn: AFP/Getty Images)

    Theo China.org.cn, các tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran sẽ tham gia một hội nghị thượng đỉnh ba bên về vấn đề Syria ở thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 4/4.

    Cuộc gặp ba bên này sẽ do Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chủ trì và sẽ là hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai như vậy sau cuộc gặp trước đó diễn ra hồi tháng 11/2017 tại khu nghỉ dưỡng Sochi của Nga bên bờ Biển Đen.

    Tham dự cuộc họp còn có Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani trong bối cảnh ba nhà lãnh đạo mong muốn tận dụng những nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 7 năm ở Syria.

    Quyết định trên được đưa ra sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chiếm giữ một pháo đài của nước này ở phía Bắc Syria trong khi Ankara đe dọa mở rộng chiến dịch quy mô lớn xa hơn về phía Đông.

    5. Nga lấy làm tiếc về việc phương Tây trục xuất các nhà ngoại giao Nga


    Người phát ngôn Điện Kremlin của Nga Dmitry Peskov. Ảnh: TTXVN
    Người phát ngôn Điện Kremlin của Nga Dmitry Peskov. Ảnh: TTXVN

    Reuters đưa tin, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 26/3 cho biết Nga lấy làm tiếc về quyết định của các chính phủ phương Tây trục xuất các nhà ngoại giao Nga, liên quan tới vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal tại thành phố Salisbury của Anh.
    Phát biểu trước báo giới, ông Dmitry Peskov nói rằng phản ứng của Moskva sẽ dựa trên nguyên tắc có đi có lại và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về cách thức phản ứng của Moskva trước những hành động trục xuất nói trên.

    Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga đã cáo buộc các chính phủ phương Tây mù quáng theo chân Anh đối đầu với Moskva, và nhấn mạnh đó là một sai lầm.

    Cùng chung động thái với Mỹ, ngày 26/3, ít nhất 14 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đồng loạt thông báo trục xuất các nhà ngoại giao Nga vì vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal cùng con gái bị đầu độc tại thành phố Salisbury, Anh./.

    6. Trung Quốc cáo buộc Mỹ ‘kiêu ngạo’ ở Liên Hợp quốc

    Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Daily Express
    Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Daily Express

    Trung Quốc cáo buộc Mỹ ‘kiêu ngạo’ hôm thứ Hai (26/3) sau khi phái đoàn của Mỹ bác bỏ một Nghị quyết tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc do Bắc Kinh đưa ra, theo Reuters.

    Hoa Kỳ bỏ phiếu “không” duy nhất tại cuộc họp của Hội đồng tại Geneva, một nhà ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng các quan chức Trung Quốc rõ ràng có ý định của “tôn vinh vị thế của họ bằng cách đưa thêm những suy nghĩ của mình vào trong từ điển của tổ chức Nhân quyền Quốc tế”.

    Trung Quốc đã đưa ra một nghị quyết tại Hội đồng kêu gọi sự “hợp tác cùng có lợi”, đây là lần thứ hai nước này đưa ra Nghị quyết trong gần 12 năm.

    7. Nhật Bản tặng Philippines máy bay giám sát Biển Đông

    Ba chiếc máy bay Beechcraft TC90 của Bộ Quốc phòng Nhật Bản (JMOD) dự lễ chuyển giao máy bay tới Hải quân Philippines tại trụ sở của Không quân Hải quân ở Núi Sangley, thành phố Cavite, Philippines ngày 26/3/2018. (Reuters
    Ba chiếc máy bay Beechcraft TC90 của Bộ Quốc phòng Nhật Bản (JMOD) dự lễ chuyển giao máy bay tới Hải quân Philippines tại trụ sở của Không quân Hải quân ở Núi Sangley, thành phố Cavite, Philippines ngày 26/3/2018. Ảnh: Reuters

    Các quan chức quốc phòng Philippines cho hay, cuộc tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh trên Biển Đông vẫn là một thách thức an ninh mặc dù có sự cải thiện trong quan hệ song phương, ông cho biết hôm thứ Hai khi ông nhận 3 máy bay giám sát hàng hải từ Nhật Bản, theo Reuters.

    Ông Delfin Lorenzana, trong một bài phát biểu tại một căn cứ hải quân phía nam thủ đô Manila, cho biết ba chiếc máy bay TC90 do Nhật Bản hiến tặng cho Philippines sẽ giúp tăng khả năng thu thập thông tin trên Biển Đông.

    “Chúng ta phải thừa nhận rằng vẫn còn nhiều việc phải làm để tăng cường các khả năng quân sự của chúng ta để đáp ứng một số thách thức dai dẳng về an ninh trên biển”, ông Lorenzana nói và xác định các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước khác đối với khu vực giàu tài nguyên trên Biển Đông.

    Theo Tổng hợp
    Copy Link

    Mới nhất

    x
    Mỹ trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga; Matxcơva tuyên bố sẽ áp dụng quy tắc “có đi có lại”
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO