Nâng tầm Di tích lịch sử văn hóa quốc gia
(Baonghean.vn) Vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An công bố Quy hoạch chi tiết Khu Bảo tồn di chỉ khảo cổ học Làng Vạc gắn với du lịch sinh thái. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn Khu di chỉ khảo cổ học cấp Quốc gia cũng như phát triển kinh tế, xã hội của Thị xã Thái Hòa. Nhân dịp diễn ra Lễ hội Làng Vạc lần thứ 13 (từ 7 - 9 tháng Hai âm lịch), Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn ông Đinh Văn Thị - Phó Chủ tịch UBND Thị xã, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội xung quanh vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết vai trò của Lễ hội Làng Vạc trong đời sống tâm linh của đồng bào các dân tộc trên đất Phủ Quỳ?
Ông Đinh Văn Thị: Lễ hội Làng Vạc được tổ chức bắt đầu từ năm 1999 khi di chỉ Làng Vạc được công nhận và cấp bằng di chỉ khảo cổ học cấp Quốc gia. Đến nay, qua 12 lần tổ chức, lễ hội ngày càng thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham gia.
Đền thờ Làng Vạc hiện thờ 18 vị Vua Hùng, Quốc mẫu, Bà Chúa Kho, Cao Sơn, Cao Các; mẫu đệ nhị thượng ngàn... cùng nhiều vị thần khác;đã thực sự trở thành điểm hoạt động tín ngưỡng lành mạnh trên địa bàn.
Rước vạc đồng trong Lễ hội Làng Vạc. Ảnh: Sỹ Minh
Tổ chức lễ hội hàng năm là dịp để người dân tỏ lòng thành kính hướng về cội nguồn tiên tổ, tạo môi trường và điều kiện phục vụ hoạt động tâm linh, tín ngưỡng của bà con gần xa. Qua đó, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý "uống nước nhớ nguồn", lòng biết ơn sâu sắc của người dân đối với những người có công khai sơn mở cõi; đồng thời là dịp để đồng bào các dân tộc trên đất Phủ Quỳ hội tụ, thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng.
P.V: UBND tỉnh vừa có quyết định công bố Quy hoạch chi tiết Khu Bảo tồn di chỉ khảo cổ học Làng Vạc gắn với du lịch sinh thái, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Ông Đinh Văn Thị:Ngày 16/2/2012, UBND Thị xã Thái Hòa đã tổ chức lễ công bố Quy hoạch chi tiết Khu Bảo tồn di chỉ khảo cổ gắn liền với du lịch sinh thái Làng Vạc thuộc xã Nghĩa Hòa. Theo Quyết định số24/QĐ. UBND-CN về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu Bảo tồn di chỉ khảo cổ học gắn với du lịch sinh thái Làng Vạc, chủ đầu tư là UBND Thị xã, đơn vị tư vấn là Công ty CP Tư vấn quy hoạch thiết kế xây dựng Nghệ An. Theo đó, Làng Vạc sẽ trở thành khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia; Khu Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi kết hợp với nghiên cứu, tìm hiểu bản sắc, phong tục tập quán, lễ hội của các dân tộc trong vùng và các di tích lịch sử văn hóa của địa phương đã được xếp hạng, và là một trong những điểm du lịch quan trọng trong hệ thống phát triển du lịch của tỉnh.
Đông đảo người dân đến với Lễ hội Làng Vạc. Ảnh S.M
Theo công bố quy hoạch, Khu Bảo tồn di chỉ khảo cổ học Làng Vạc có tổng diện tích 155,94ha, chia thành 6 khu chức năng chính: Khu khảo cổ, đình Làng Vạc, cây xanh cảnh quan (bao gồm các hạng mục: Khu trưng bày hiện vật ngoài trời; đình Làng Vạc; sân lễ hội; đường dạo; đài phun nước; hồ nước; khu cây xanh); khu hành chính, dịch vụ du lịch (bao gồm các hạng mục: nhà đón tiếp và điều hành, hướng dẫn tham quan, học tập trong di tích; trung tâm nghiên cứu, khai quật khảo cổ; công trình dịch vụ; khu nhà Việt cổ; các chòi nghỉ...); khu nghỉ dưỡng với các biệt thự, nhà nghỉ và các công trình phụ trợ; khu ở cải tạo, xen dắm với hình thức nhà vườn, nhà liền kề; khu dự phòng phát triển với các công trình công cộng, dịch vụ thương mại; khu cây xanh bảo vệ kết hợp trồng rừng...
P.V: Ông có thể cho biết về công tác tổ chức để Lễ hội Làng Vạc lần thứ 13 diễn ra tốt đẹp, để lại ấn tượng trong lòng du khách?
Ông Đinh Văn Thị:Thị xã đã ban hành kế hoạch tổ chức Lễ hội Làng Vạc năm 2012, thành lập ban tổ chức lễ hội, các tiểu ban và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ban ngành, đoàn thể; ban hành điều lệ, thể lệ thi đấu thể thao, giao lưu văn hóa, văn nghệ trong lễ hội; xây dựng kịch bản chi tiết cho phần Lễ và phần Hội đảm bảo tính trang nghiêm, phát huy giá trị truyền thống của đồng bào các dân tộc trên đất Phủ Quỳ.
Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra các hoạt động văn hóa và các dịch vụ văn hóa trước, trong và sau lễ hội; kiểm tra công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn; nghiêm cấm mọi trò chơi cờ bạc trá hình. Đặc biệt, chỉ đạo UBND xã Nghĩa Hòa mở đợt vận động bà con trong xã cung tiến các cổ vật được tìm thấy để trưng bày tại Lễ hội Làng Vạc; triển khai các dịch vụ phục vụ du khách.
P.V:Xin cảm ơn ông!
Thanh Phúc (Thực hiện)