NATO mâu thuẫn nội bộ vì cuộc chiến ở Ukraine

Kiều Anh 18/05/2022 06:13

Trong những tuần qua, cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến các nước thành viên NATO xích lại gần nhau, đặc biệt là Mỹ, Anh, Pháp và Đức nhằm chống lại Nga. Tuy nhiên, cũng chính cuộc chiến này đang khoét sâu những rạn nứt trong liên minh.

Với NATO, ban đầu cuộc xung đột ở Ukraine là lúc để các thành viên trong liên minh đoàn kết lại với nhau, hàn gắn những rạn nứt. Tuy nhiên, hiện nay, cuộc xung đột này liệu có phải cơ hội để tăng cường sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương hay chỉ càng khoét sâu nhưng chia rẽ giữa các bên?

Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: TRT World

Những lập trường khác biệt

Các đồng minh phương Tây đã có sự chia rẽ về mục đích cuộc chiến ở Ukraine. Theo đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Italy Mario Draghi dường như có lập trường khác so với các quan chức Mỹ và Anh.

Phát biểu tại Washington, Thủ tướng Italy Draghi cho rằng các nhà lãnh đạo phương Tây nên hướng tới "khả năng đạt được lệnh ngừng bắn và khởi động lại những cuộc đàm phán đáng tin cậy. Ở Italy và châu Âu, mọi người đều muốn chấm dứt tình trạng bạo lực này”.

"Đó cũng là mục tiêu của chúng tôi", ông Macron cũng đưa ra nhận định tương tự trong cuộc họp báo với Thủ tướng Đức, cho rằng cách duy nhất để đạt được hòa bình là "Nga và Ukraine tham gia đàm phán". Tổng thống Pháp cũng nhấn mạnh các nhà lãnh đạo phương Tây nên "hỗ trợ Ukraine đàm phán theo những điều khoản họ quyết định", trong khi ông Draghi và ông Scholz nhấn mạnh sẽ không được có bất kỳ điều khoản áp đặt nào với người dân Ukraine.

Trong khi đó, với sự hỗ trợ các vũ khí tầm xa và hạng nặng của phương Tây, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho rằng: "Hồi kết cho cuộc chiến ở Ukraine là giải phóng những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Nga sẽ phải chi trả cho mọi thứ, trong đó có những thiệt hại với đất nước chúng tôi".

Và mục tiêu rộng hơn của Ukraine, nhằm giành lại Crimea cũng như các khu vực mà những nước Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk tuyên bố là lãnh thổ của họ. Điều này dường như đang nhận được sự ủng hộ từ Anh và Mỹ - những quốc gia đang mở rộng mục tiêu của cuộc chiến.

Mặc dù Nhà Trắng rút lại những nhận định của Tổng thống Biden hồi tháng 4, ám chỉ việc thay đổi chế độ ở Nga, nhưng không lâu sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đi xa hơn những tuyên bố trước đó.

"Chúng tôi muốn chứng kiến Nga suy yếu tới mức mà nước này không thể tiến hành những việc như tấn công Ukraine", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho hay.

Ông cũng khẳng định: "Chúng tôi tin rằng chúng ta có thể giành chiến thắng - họ (Ukraine) có thể chiến thắng nếu họ nhận được vũ khí và sự ủng hộ phù hợp”.

Ngoại trưởng Anh Liz Truss và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cũng lên tiếng ủng hộ Ukraine và nói về việc đẩy Nga khỏi Crimea cũng như Donbass.

Trong khi các nhà lãnh đạo Tây Âu muốn chiến tranh nhanh chóng kết thúc và mọi thứ "quay trở lại bình thường" sớm nhất có thể thì các nhà lãnh đạo Ukraine, Anh và Mỹ lại tính tới khả năng cuộc xung đột sẽ kéo dài với sự can thiệp lớn hơn của phương Tây cùng với các vũ khí tiên tiến.

"Không có gì là không thể nhưng tôi không thấy triển vọng chúng ta có thể lại bình thường hóa quan hệ với Nga hiện nay", Thủ tướng Anh Boris Johnson nhận định.

Một số bên lo ngại Nga chỉ đề nghị giảm leo thang và đàm phán để chia rẽ các đồng minh phương Tây nhưng rõ ràng, ngay cả khi không có động thái gì, chia rẽ vốn dĩ đã luôn tồn tại giữa các nước thành viên NATO.

Lợi ích quốc gia trước tiên hay NATO trước tiên?

Những lợi ích riêng biệt của từng nước thành viên NATOlà điều ngày càng thấy rõ trong cuộc xung đột ở Ukraine, đặc biệt là Đức.

Mặc dù đưa ra những tuyên bố mang tính bước ngoặt trong chính sách đối ngoại như dừng dự án Dòng chảy phương Bắc 2, tăng ngân sách quốc phòng và cam kết dừng nhập khẩu năng lượng Nga, nhưng Berlin vẫn phụ thuộc vào Moscow về dầu mỏ và khí đốt.

Từ lập trường của Mỹ, việc Đức phụ thuộc vào năng lượng Nga sẽ luôn khiến Berlin "nương tay" với Moscow. Những lo ngại này của Mỹ dựa trên 3 cơ sở. Thứ nhất, có thể thấy rõ, sự phụ thuộc của Đức vào dầu mỏ và khí đốt Nga sẽ làm tăng tầm ảnh hưởng của Moscow trong khu vực và gây bất lợi cho mối quan hệ giữa Đức và Mỹ.

Thứ hai, mối quan hệ ngày càng cải thiện giữa Đức và Nga trên lĩnh vực năng lượng sẽ đe dọa sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương. Thứ ba, sự do dự của Đức và Pháp trước các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga và sự ngần ngại của họ trong việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine có thể khoét sâu những chia rẽ lợi ích trong NATO.

Kịch bản tồi tệ nhất cho Đức và Pháp là cuộc chiến ở Ukraine sẽ kéo dài, giữa bối cảnh Mỹ và Anh đưa ra những tuyên bố khiêu khích nhằm chống lại Tổng thống Putin và cung cấp thêm vũ khí hạng nặng cũng như máy bay không người lái cho Ukraine.

Một cuộc chiến như vậy có nguy cơ vượt ra ngoài các biên giới và đe dọa đến châu Âu nhiều hơn là Mỹ khi mục tiêu của Washington được cho là khiến Nga "bận rộn" ở Ukraine để không thể gia tăng ảnh hưởng quân sự tại những khu vực khác như Syria, Đông Địa Trung Hải và Libya.

Phát biểu trong một cuộc họp báo chung với Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola ở Berlin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết các nước châu Âu nên thận trọng đánh giá về các biện pháp trừng phạt Nga.

Thủ tướng Scholz cảnh báo rằng, "các lệnh trừng phạt cần phải gây ảnh hưởng đến kẻ gây hấn nhưng cùng lúc đó, chúng ta nên đảm bảo rằng chúng chỉ có tác động tối thiểu đến nền kinh tế của mình và chúng ta nên duy trì điều đó". Ông cũng nhận định, cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine có thể làm suy yếu nền kinh tế và an ninh châu Âu.

Rõ ràng, khác với Anh và Mỹ, Đức và Pháp đối mặt với những lựa chọn khó khăn hơn. Trong khi hai nước này ủng hộ chính sách cung cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Ukraine với "tốc độ kỷ lục" và áp lệnh trừng phạt lên Nga vì cuộc chiến ở Ukraine thì Đức và Pháp vẫn muốn tiếp tục duy trì quan hệ với Nga trên lĩnh vực năng lượng và ưu tiên các lợi ích kinh tế.

Những lập trường khác nhau ở Đức, Mỹ, Anh và Pháp về các mục tiêu của Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine liên tục thay đổi và cuộc xung đột ở Ukraine có thể được coi như phép thử cho sự đoàn kết của NATO.

NATO hiện đang đối mặt với những thách thức to lớn bởi những khác biệt về vấn đề quan hệ an ninh và ngoại giao của các nước thành viên cũng như những vấn đề nội tại ở mỗi quốc gia. Suy cho cùng, mỗi quốc gia đều muốn nêu cao một nguyên tắc đơn giản: Đó là an toàn cần phải được đặt lên trước./.

Theo vov.vn
Copy Link
Mới nhất
x
NATO mâu thuẫn nội bộ vì cuộc chiến ở Ukraine
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO