Nga dồn sức chiếm Bakhmut trước khi Ukraine nhận xe tăng phương Tây

Theo Thanh Tâm (vnexpress.net)

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Nga tăng sức ép tấn công Bakhmut để chiếm thành phố này trước khi Ukraine nhận hàng chục xe tăng hiện đại của phương Tây nhằm củng cố phòng tuyến.

Lực lượng Nga những ngày qua tiến sâu hơn vào thành phố Bakhmut, miền Đông Ukraine, chiếm dần từng ngôi nhà, góc phố, với quyết tâm kiểm soát mục tiêu này càng sớm càng tốt. Trong khi đó, quân đội Ukraine đang lùi dần về khu vực cao hơn ở phía tây thành phố, quyết tâm bảo vệ Bakhmut và chờ đợi thêm động lực từ nguồn vũ khí hạng nặng viện trợ của phương Tây.

Các chỉ huy quân đội Ukraine nói rằng, Bakhmut có rất ít giá trị về mặt chiến lược, nhưng nó mang ý nghĩa biểu tượng rất lớn, khi Nga tìm cách mở rộng kiểm soát ở vùng Donbass.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng gọi thành phố là "pháo đài Bakhmut", tuyên bố sẽ khiến quân Nga thất bại tại đây. "Nga càng thua nhiều trong cuộc chiến ở Donbass, khả năng chiến thắng của họ trong toàn chiến dịch càng thấp", ông Zelensky nói hôm 26/1. "Chúng tôi biết người Nga đang có kế hoạch gì. Chúng tôi sẽ chống lại nó".

Xe tăng của lực lượng Ukraine khai hỏa vào vị trí quân Nga gần Bakhmut, miền Đông Ukraine. Ảnh: AFP

Xe tăng của lực lượng Ukraine khai hỏa vào vị trí quân Nga gần Bakhmut, miền Đông Ukraine. Ảnh: AFP

Bakhmut đang trở thành mục tiêu lớn nhất của Nga sau gần một năm chiến sự. Moskva đã tung vào chiến trường Bakhmut lực lượng "lính đánh thuê" Wagner và gần đây triển khai thêm lực lượng quân dự bị được huy động từ đợt động viên hồi năm ngoái.

Theo giới quan sát, Nga đang dồn sức để đạt được đột phá tại Bakhmut, trước khi những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực của phương Tây được chuyển đến Ukraine và giúp Kiev củng cố năng lực phòng ngự cũng như phản công.

Mỹ và Đức tuần này thông báo cung cấp xe tăng Abrams và Leopard cho Ukraine. Nhiều nước khác như Canada, Ba Lan hay Na Uy cũng có những động thái tương tự.

Một binh sĩ Ukraine thuộc đơn vị vận hành xe tăng T-72 thời Liên Xô ở Bakhmut cho biết, họ rất cần những chiếc xe tăng hạng nặng đó. "Lực lượng Nga đã kiểm soát rất nhiều vị trí, nên cuộc chiến ngày càng khó khăn. Chúng tôi có thể giữ thành phố, nhưng chỉ khi có sự giúp đỡ", anh nói.

Trung úy Oleksandr Matviyenko, chỉ huy đơn vị vận hành máy bay trinh sát không người lái của Ukraine ở Bakhmut, nói rằng kể từ khi Nga huy động khoảng 300.000 quân dự bị, họ có nguồn nhân lực dường như vô tận để tung vào chiến trường.

"Chúng tôi đẩy lùi một nhóm tiến công, nhưng sau đó hết đợt này đến đợt khác tràn đến", Matviyenko nói.

Trung úy Matviyenko cho hay lực lượng Ukraine có thể giữ vững phòng tuyến ở Bakhmut, miễn là tuyến tiếp tế từ phía Tây của họ được đảm bảo. Ông nói những cây cầu và con đường tiếp tế từ Chasiv Yar tới Bakhmut đến nay chưa bị hỏa lực Nga bắn phá.

Nga đã chiếm thành phố Klishchiivka ở phía Nam và Soledar ở phía Bắc, nhằm tạo gọng kìm bao vây Bakhmut từ ba hướng. Giao tranh ngày càng diễn ra gần trung tâm thành phố, nơi liên tục hứng chịu rocket, đạn pháo Nga tập kích hàng ngày.

Trung tâm Bakhmut giờ như thành phố ma. Những chiếc xe dã chiến chở quân là loại phương tiện duy nhất xuất hiện trên các con đường. Một bệnh viện nhi ở phía Tây thành phố đã biến thành nơi điều trị cho các binh sĩ, từ những người bị chấn động vì sóng xung kích của đạn pháo, cho đến những thương binh nặng.

Một nhân viên bệnh viện cho biết hồi đầu tuần, anh chỉ được ngủ hai tiếng mỗi ngày và sắp không thể chịu nổi. Hai ngày sau, Nga pháo kích bệnh viện, buộc các bác sĩ và bệnh nhân phải sơ tán lần thứ hai trong vòng một tháng.

Lực lượng Nga phóng rocket ở Ukraine trong hình ảnh được Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 27/1. Ảnh: Zuma Press

Lực lượng Nga phóng rocket ở Ukraine trong hình ảnh được Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 27/1. Ảnh: Zuma Press

Ở phía Nam, quân đội Ukraine cho biết họ đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga vào Vuhledar và một số ngôi làng khác. Serhiy Cherevatiy, phát ngôn viên của quân khu miền Đông Ukraine, nói rằng những cuộc giao tranh khốc liệt đã xảy ra ở Vuhledar, nhưng quân Nga không thể chọc thủng phòng tuyến của Ukraine.

Chỉ trong ngày 25/1, Nga đã tiến hành 148 đợt tấn công dọc tiền tuyến Zaporizhzhia ở miền Nam bằng xe tăng, rocket và pháo binh, theo chính quyền quân sự khu vực. Bộ Quốc phòng Nga cũng nói rằng họ đã thực hiện nhiều cuộc tấn công ở cả Zaporizhzhia và Vuhledar.

"Tình hình ở tiền tuyến, đặc biệt vùng Donetsk, rất căng thẳng", ông Zelensky nói ngày 27/1. "Đối thủ không chỉ tấn công các vị trí của chúng tôi, họ còn cố tình phá hủy các thành phố và làng mạc xung quanh bằng pháo binh, tên lửa. Quân Nga không thiếu phương tiện hủy diệt. Chỉ có thể ngăn chặn họ bằng vũ lực".

Để đối phó, các đồng minh của Kiev đang gấp rút tập hợp xe tăng Leopard 2 từ hàng loạt nước châu Âu, sau khi Đức và Mỹ cam kết gửi xe tăng cho Ukraine. Đợt chuyển giao đầu tiên dự kiến tới Ukraine trong vòng ba tháng tới.

Tổng thống Zelensky đã thúc giục các nước phương Tây đẩy nhanh tốc độ gửi xe tăng và huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng chúng trong bối cảnh Nga đang giành lại thế chủ động trên chiến trường. Trong khi đó, giới chức Nga tuyên bố những chiếc xe tăng này sẽ "không thể thay đổi cục diện chiến trường" và chỉ khiến cuộc chiến thêm leo thang.

Vị trí thành phố Bakhmut ở vùng Donbass. Đồ họa: RYV

Vị trí thành phố Bakhmut ở vùng Donbass. Đồ họa: RYV

Stefano Sannino, Tổng Thư ký Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu của EU, tuyên bố quyết định chuyển xe tăng của Mỹ và Đức chỉ nhằm giúp Ukraine tự vệ trước sức ép của Nga, thay vì biến họ thành bên tấn công.

Ed Arnold, nhà nghiên cứu tại Viện các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh, cho rằng Nga đang tập trung nguồn lực cả về con người lẫn khí tài để đạt được bước tiến lớn ở Bakhmut, trước khi vấp phải rào cản từ những chiếc xe tăng hiện đại của phương Tây. Tuy nhiên, tính toán này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

"Nếu nỗ lực tấn công này thất bại, nó sẽ khiến hoạt động phòng thủ của Nga trở nên khó khăn hơn nhiều và họ sẽ dễ bị thất thế nếu Ukraine phản công", Arnold nhận định.

tin mới

Tướng Đức: Phương Tây không có vũ khí thần kỳ để thay đổi cục diện chiến trường Ukraine

Tướng Đức: Phương Tây không có vũ khí thần kỳ để thay đổi cục diện chiến trường Ukraine

(Baonghean.vn) - Cựu Tổng thanh tra Bundeswehr (Quân đội Đức), cựu Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO Harald Kujat cho rằng, không có loại vũ khí thần kỳ nào của phương Tây, kể cả tên lửa hành trình Taurus, có thể ngăn cản Nga đạt được các mục tiêu hoạt động đặc biệt của mình.

Thời gian cạn dần với Ukraine và đồng minh phương Tây

Thời gian cạn dần với Ukraine và đồng minh phương Tây

(Baonghean.vn) - Sau khi nắm quyền kiểm soát Avdeevka, quân đội Nga đang tiến về các khu vực khác của mặt trận. Nếu không có sự giúp đỡ của phương Tây, Lực lượng vũ trang Ukraine không còn gì để bấu víu, còn Washington vẫn “đủng đỉnh” trong việc viện trợ cho Kiev.

Thủ tướng Hungary cảnh báo tấn công Brussels nếu phải bảo vệ tự do và chủ quyền

Thủ tướng Hungary cảnh báo tấn công Brussels nếu phải bảo vệ tự do và chủ quyền

(Baonghean.vn) - Thủ tướng Hungary Viktor Orban cảnh báo sẽ tấn công, "chiếm đóng" Brussels, bởi những thay đổi chính sách của Liên minh châu Âu; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa và lịch sử của đất nước trước sự tác động mạnh mẽ từ các thế lực bên ngoài.

EU cảnh báo Mỹ về ý nghĩa chiến thắng của Nga ở Ukraine

EU cảnh báo Mỹ về ý nghĩa chiến thắng của Nga ở Ukraine

(Baonghean.vn) - Việc Ukraine thua Nga sẽ làm tổn hại đến uy tín của Washington với tư cách là bên cung cấp an ninh, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell cảnh báo trong chuyến thăm Mỹ. Ông nói thêm rằng Kiev rất nóng lòng chờ đến cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ.

Nga tước đi 'cây gậy và củ cà rốt’ của Mỹ, gây dựng thế giới đa cực

Nga tước đi 'cây gậy và củ cà rốt’ của Mỹ, gây dựng thế giới đa cực

(Baonghean.vn) - Nhiều khả năng ông Putin sẽ tiếp tục đứng trên vũ đài chính trị Nga ở cương vị tối cao. Điều này cũng đồng nghĩa với thực tế của quá trình hình thành thế giới đa cực mà ông Putin đã và đang xây dựng. Ở đó không có quân đội Mỹ và “quyền bá chủ” của đồng đô la. 

Vì sao Đức muốn hòa bình với Nga?

Vì sao Đức muốn hòa bình với Nga?

(Baonghean.vn) - Đức có đủ khả năng tài chính để viện trợ cho Kiev, nhưng Berlin không muốn. Giới quan sát lý giải, đó xuất phát từ nỗi sợ sâu xa trước Nga, đặc biệt là ký ức về Hồng quân Liên Xô tiến vào Berlin năm 1945. Hơn nữa, Thủ tướng Đức mong muốn là ‘thủ tướng hòa bình’.