Ngày 2/9/1945 đã tạo nên phong trào giải phóng thuộc địa trên toàn thế giới
(Baonghean.vn) - Ý nghĩa lịch sử to lớn của sự kiện 2/9/1945 đã tạo đà cho hàng loạt các dân tộc thuộc địa trên thế giới đứng lên giành chính quyền.
Cách đây 72 năm, ngày 2 tháng 9 năm 1945 - tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam).
Kể từ đây, lịch sử dân tộc ta đã bước sang một trang mới. Những người con Việt Nam lần đầu tiên được ngẩng đầu, tự hào với thế giới vì mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập. Và sự kiện lịch sử trọng đại này như phát súng đầu tiên giúp các quốc gia dân tộc thuộc địa vùng lên đấu tranh để giành lại chính quyền.
1. Ý nghĩa lịch sử to lớn
Đúng 2 giờ chiều ngày 2/9/1945, trước sự chứng kiến của khoảng 50 vạn nhân dân Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trên lễ đài, tuyên bố khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) với cả thế giới.
Có thể nói, sự kiện trọng đại này là kết quả tất yếu sau khi chúng ta giành được thắng lợi trong cuộc Cách mạng tháng Tám. Cách mạng tháng Tám đã phá tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp hơn 80 năm và ách thống trị của phát xít Nhật gần 5 năm, lật nhào ngai vàng phong kiến ngự trị ngót chục thế kỷ ở nước ta, lập nên nhà nước do nhân dân lao động làm chủ.
Đông đảo nhân dân tập trung tại Quảng trường Ba Đình. |
Bên cạnh đó, thắng lợi của cuộc cách mạng này còn đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng Việt Nam, mở đầu kỷ nguyên mới của dân tộc: kỷ nguyên độc lập, tự do; kỷ nguyên nhân dân lao động nắm chính quyền, làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh dân tộc; kỷ nguyên giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội.
Lớn hơn cả, thắng lợi của cuộc cách mạng đã góp phần vào chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới II, không những chọc thủng khâu yếu nhất trong hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc mà còn cổ vũ mạnh mẽ đến dân tộc thuộc địa đấu tranh tự giải phóng.
2. Các dân tộc thuộc địa đứng lên giành chính quyền
Cách mạng tháng Tám đã làm bùng nổ “phong trào” giành độc lập tại rất nhiều nước thuộc địa ở châu Phi và châu Á. Có thể kể đến một số nước như Indonesia, Philippines, Ai Cập... đã vùng lên đấu tranh để giành lấy chính quyền. |
Sau khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh ngày 23/8/1945, nhân dân Lào đã nổi dậy thành lập chính quyền cách mạng ở nhiều nơi. Ngày 12/10/1945, nhân dân thủ đô Viêng Chăn khởi nghĩa giành chính quyền, Chính phủ Lào ra mắt quốc dân và trịnh trọng tuyên bố trước thế giới nền độc lập của Lào. |
Vào ngày 4/7/1946, đại diện Mỹ và Cộng hòa Philippines đã ký kết với nhau một bản Hiệp ước quan hệ giữa hai chính phủ, qua đó công nhận Philippines là một quốc gia độc lập. |
Sau khi giành được quyền độc lập từ thực dân Anh vào tháng 10/1952, người dân Ai Cập đã nhanh chóng bắt tay vào công cuộc xây dựng nước nhà. |
Cách mạng Cuba (1953–1959) là một cuộc nổi dậy vũ trang do Phong trào 26/7 của Fidel Castro và các đồng minh tiến hành nhằm chống lại chế độ độc tài quân sự Batista do Mỹ thiết lập đầu năm 1952. Cách mạng bắt đầu vào tháng 7/1953, cuối cùng lật đổ Batista vào ngày 1/1/1959, lập nên chính phủ xã hội chủ nghĩa cách mạng. |
Thái Bình
(Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN |
---|