Ngày trở về trong nước mắt của người phụ nữ bị lừa bán qua Trung Quốc

10/12/2017 22:10

(Baonghean.vn) - Sau 7 năm bị lừa bán làm vợ một người đàn ông lớn tuổi ở Trung Quốc, chị Lới trở về khi nhà cửa đã không còn, 4 người con cũng mất liên lạc.

Ngày 10/12, căn nhà tuềnh toàng của ông Lê Đình Đàn (54 tuổi, xã Đức Sơn, Anh Sơn) chật kín hàng xóm, người thân đến hỏi chuyện. Một ngày trước, em gái ông Đàn - chị Lê Thị Lới (38 tuổi), được ân nhân đưa về tận quê sau khi chuộc ra từ một đồn cảnh sát ở Trung Quốc.

Trở về quê sau 7 năm mất tích, căn nhà cũ đã được người mẹ bán trước khi bà qua đời 3 năm trước, chị Lới phải tá túc nhà của người anh trai đầu. “Bố mẹ đã mất hết. Nhà cửa thì không còn, chắc cô ấy sẽ ở lại nhà tôi luôn” - bà Đinh Thị Bình (53 tuổi), chị dâu cả của Lới nói.

Chị Lới trở về sau 7 năm mất tích. Ảnh. Tiến Hùng.
Chị Lới trở về sau 7 năm mất tích. Ảnh: Tiến Hùng

Về làm dâu tại đây đã được hơn 30 năm, bà Bình kể, trước đây Lới vốn là một thiếu nữ xinh đẹp. Tuy nhiên, khi đến tuổi yêu đương, trải qua một cú sốc tình cảm, Lới dần có những biểu hiện bất thường, không được nhanh nhẹn như người khác. Năm 27 tuổi, Lới mang bầu. Gặng hỏi mãi nhưng cũng chẳng ai biết được chủ nhân của cái thai. Khi bé gái ra đời, để mưu sinh, Lới thường phải mang theo con ra thị trấn Anh Sơn làm thuê.

“Hàng ngày, hai mẹ con cứ quanh quẩn ở chợ thị trấn. Ai thuê gì thì làm nấy, có thể là dọn dẹp nhà cửa hoặc rửa chén bát. Làm xong họ cho bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu, đủ hai mẹ con sống qua ngày” - bà Bình kể.

Một ngày cuối năm 2010, khi đang giúp việc cho một gia đình ở thị trấn Anh Sơn, Lới được một người phụ nữ tên Thanh rủ qua Trung Quốc chơi. Chẳng tốn một giây suy nghĩ, Lới lập tức gật đầu. Mặc dù trước đó, chủ nhà dặn dò “không được phép ai rủ đi đâu cũng đi” vì biết bệnh tình của chị.

“Họ đưa hai mẹ con tôi lên xe khách. Đi cùng còn có em trai của chị Thanh tên là Sơn và mẹ ruột của chị này. Họ đều quê ở thị trấn này nên trước đó đã quen biết” - Lới cố nhớ lại diễn biến của ngày cuối cùng còn ở quê nhà, trước khi bị lừa bán qua Trung Quốc.

Chị Lới bên cạnh người đàn ông chuộc mình ra khỏi đồn cảnh sát. Ảnh. Tiến Hùng.
Chị Lới bên cạnh người đàn ông chuộc mình ra khỏi đồn cảnh sát. Ảnh: Tiến Hùng

Theo chị Lới, sau 2 ngày đi đường, 5 người họ mới qua được Trung Quốc. “Chị Thanh này lấy chồng Trung Quốc nên tôi được đưa về nhà họ ăn uống. Ở đó được ít ngày thì họ tách hai mẹ con tôi ra” - chị Lới kể.

Kể từ ngày đó, hai mẹ con chị vẫn chưa một lần được gặp lại. Chị sau đó bị bán cho một người đàn ông Trung Quốc đã ngoài 50 tuổi nhưng vẫn chưa lấy được vợ. Còn con gái chị lúc đó mới 5 tuổi, chẳng biết bị đưa đi đâu.

“Ông ấy già lắm rồi, tên là A Ân, sống với mẹ già đã hơn 90 tuổi” - Lới kể về người chồng của mình. Chị nói rằng, quãng thời gian này, chị như một “nô lệ tình dục”. Suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà, với nhiệm vụ duy nhất là sinh đẻ.

Vì không giao tiếp nhiều với bên ngoài, tiếng Trung Quốc của chị Lới chỉ vỏn vẹn được vài câu thoại phổ biến, thậm chí không đủ để hai vợ chồng biết hết về nhau. Chị chẳng biết chồng mình làm nghề gì, chỉ biết rằng, ông ta vẫn thường hay đến nhà dân xung quanh để khám bệnh. “Hình như ông ấy là bác sĩ hay y tá của xóm” - Lới nói. Chị cũng không biết được địa chỉ cụ thể của gia đình nhà chồng.

Anh Hưng nói rằng, vẫn còn nhiều phụ nữ Việt Nam có hoàn cảnh tương tự chị Lới ở Trung Quốc. Ảnh. Tiến Hùng.
Anh Hưng nói rằng, vẫn còn nhiều phụ nữ Việt Nam có hoàn cảnh tương tự chị Lới ở Trung Quốc. Ảnh: Tiến Hùng

Làm vợ trong ngôi nhà đó suốt 7 năm, có thêm 3 người con với A Ân, tuy nhiên mỗi lần hiếm hoi được phép ra khỏi nhà để đi mua sắm, Lới luôn có người theo kèm vì sợ chị bỏ trốn. Vài tháng trước, nhà chức trách địa phương tổ chức hàng loạt đợt truy quét những người cư trú bất hợp pháp, chị Lới là một trong những bị bắt giữ vì không có giấy tờ. Chị sau đó bị chuyển đến một đồn cảnh sát gần Cửa khẩu Tân Thanh để giam giữ.

Ngày 6/12, anh Nguyễn Văn Hưng (40 tuổi, quê ở xã Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Phúc) trong một lần tới cửa khẩu này để đóng visa thì nghe được câu chuyện về những phụ nữ Việt Nam bị giam giữ. Anh Hưng là thợ xây dựng, làm việc tại Trung Quốc đã hơn 24 năm. Cứ nửa tháng, anh lại phải tới cửa khẩu để làm lại visa.

“Một người quen của tôi ở đó nói có nhiều phụ nữ Việt Nam đang bị giam giữ ở đồn cảnh sát nên nhờ tôi vào xem có phải đồng hương không. Nếu phải thì nhờ liên lạc người thân qua chuộc về” - anh Hưng kể.

Theo anh Hưng, trong đồn lúc đó ngoài chị Lới còn có 2 người phụ nữ quê ở tỉnh Hưng Yên. Một trong hai người đang mang bầu sắp sinh.

“Để chuộc một người ra tốn mất 1.800 tệ, tương đương hơn 6 triệu đồng. Lúc đó tôi chỉ mang trong người được 2.000 tệ nên không đủ để chuộc cả ba ra ngoài mà chỉ chuộc được Lới. Lúc rời khỏi phòng giam, hai phụ nữ còn lại khóc lóc van xin khiến mình không cầm lòng được. Tôi cố chụp ảnh họ đăng lên mạng xã hội để người thân họ biết qua chuộc nhưng cảnh sát Trung Quốc không cho. Trong khi, thời gian hỏi han cũng chỉ được ít phút, không kịp hỏi địa chỉ cụ thể” - anh Hưng kể.

Chị Lới hiện tá túc tại nhà anh trai cả. Ảnh. Tiến Hùng.
Chị Lới hiện tá túc tại nhà anh trai cả. Ảnh: Tiến Hùng

Ra khỏi nhà giam, anh Hưng chụp ảnh chị Lới kèm theo địa chỉ lên Facebook để tìm người thân giúp chị. Sau khi trình bày hoàn cảnh với lực lượng chức năng ở Cửa khẩu Tân Thanh, anh Hưng dẫn chị Lới về nhà mình ở Vĩnh Phúc để chăm sóc. Vài ngày sau, anh nhận được điện thoại của anh trai chị Lới. Sau khi đối chứng qua điện thoại, anh đồng ý “tháp tùng” người phụ nữ này về tận quê nhà Nghệ An.

Anh Hưng cho hay, lúc gặp chị Lới ở phòng giam, chị chỉ có một bộ đồ mặc trên người đã bốc mùi hôi thối. Cảnh sát nói rằng, chị bị giam ở đây đã hai tháng rưỡi. Trong túi chị lúc này chỉ có 2 chiếc bánh mì và một tấm hình chụp ba đứa trẻ mà theo chị Lới, đó là con của chị với A Ân.

“Phía sau bức ảnh có ghi tên tiệm chụp ảnh. Tiệm này tôi biết, nó nằm ở trung tâm huyện Đại Tân (tỉnh Quảng Tây). Tôi cũng từng thuê nhà gần đó” - anh Hưng nói và nhận định, gia đình A Ân có thể sống xung quanh khu vực này.

Cũng theo anh Hưng, tiền chuộc và chi phí để đưa chị Lới về tốn 12 triệu đồng, tuy nhiên khi gia đình ngỏ ý muốn trả lại, anh chỉ nhận 2 triệu đồng vì cho rằng “đó cũng chỉ là làm phúc”. Hàng chục năm làm việc ở Trung Quốc, anh Hưng nói rằng có rất nhiều phụ nữ Việt Nam có hoàn cảnh như Lới. Nhiều trường hợp còn bị tiêm thuốc lú, không còn được minh mẫn.

“Ở những vùng quê Trung Quốc rất nghèo, nếu không có nhiều tiền họ không lấy được vợ. Vì vậy mà có những phụ nữ Việt Nam bị bán vào những gia đình mà phải làm vợ cho rất nhiều người” - anh Hưng nói.

“Sau khi Lới mất tích, cả gia đình đã đi khắp nơi tìm kiếm. Chỉ cần nghe một tin tức nào có chút liên quan, anh em trong nhà cũng đều vượt hàng trăm cây số để tìm nhưng kết quả vẫn không thấy. Cũng may mắn gặp được anh Hưng, đúng là ân nhân” - chị dâu Lới nức nở.

Ông Nguyễn Văn Thuận - Chủ tịch UBND xã Đức Sơn cho biết, ngày 9/12, anh Hưng cũng đã dẫn chị Lới và gia đình lên UBND xã để trình báo toàn bộ sự việc.

Trong khi đó, về việc chị Lới bị lừa bán sáng Trung Quốc, nhà chức trách cho hay, sẽ làm rõ vụ việc sau khi nhận được đơn tố cáo của gia đình.

Tiến Hùng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Ngày trở về trong nước mắt của người phụ nữ bị lừa bán qua Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO