Nghệ An ban hành kế hoạch về quản lý và phát triển bền vững đô thị
(Baonghean.vn) - UBND tỉnh Nghệ An vừa Ban hành Kế hoạch 360/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.
Nâng chất lượng đô thị hoá
Kế hoạch nhằm mục tiêu đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững, có kiến trúc hiện đại, xanh, giàu bản sắc văn hóa xứ Nghệ; hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực, thông minh kết nối với hệ thống đô thị trong khu vực và Quốc gia. Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị phát triển nhanh và bền vững; nâng cao chất lượng sống, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho dân cư đô thị.
Một góc phía Nam thành phố Vinh. Ảnh tư liệu: Lâm Tùng |
Theo đó, các chỉ tiêu cụ thể, gồm: Tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh đến năm 2025 đạt 36% trở lên, đến năm 2030 đạt 43-45%; số lượng đô thị toàn tỉnh đến năm 2025 khoảng 27 đô thị, đến năm 2030 khoảng 30-35 đô thị. Đến năm 2025, 100% các đô thị có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị được phê duyệt; 100% đô thị từ loại IV trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị; Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đến năm 2025 đạt tối thiểu 28+34m2, đến năm 2030 đạt tối thiểu 32+35m2; Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đến năm 2025 đạt khoảng 10+15m2 (trong đó đất cây xanh công cộng đạt 4m2), đến năm 2030 đạt khoảng 12m2 (trong đó đất cây xanh công cộng đạt 5m2); Đến năm 2030, xây dựng thành phố Hoàng Mai, thành phố Thái Hòa, thị xã Diễn Châu và thị xã Đô Lương trở thành đô thị thông minh, kết nối với mạng lưới đô thị thông minh của khu vực và quốc gia…
Tầm nhìn đến năm 2045: Tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh thuộc nhóm trung bình cao của cả nước. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường; có kiến trúc giàu bản sắc, xanh, hiện đại. Xây dựng thành công được ít nhất 02 đô thị hàng đầu cả nước, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị của tỉnh, khu vực và quốc gia. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỉ trọng lớn.
Xây dựng chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị
Theo Kế hoạch 360/KH-UBND, UBND tỉnh cũng quy hoạch phát triển đô thị toàn tỉnh đến năm 2030 cho từng giai đoạn: Giai đoạn 2022 – 2025, giai đoạn 2026 – 2030.
Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị trên địa bàn tỉnh; Xây dựng và ban hành cơ chế đặc thù để thúc đẩy sự phát triển của các đô thị có tính động lực vùng, trọng điểm kinh tế. Hỗ trợ các địa phương thực hiện nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư đối với khu đô thị mới, các khu chức năng để thúc đẩy nhanh quá trình thu hồi đất, bàn giao đất triển khai dự án đầu tư, phát triển. Xây dựng cơ chế, chính sách kêu gọi nhà đầu tư đầu tư chiến lược về phát triển đô thị bền vững, đô thị xanh, đô thị thông minh.
Phối cảnh quy hoạch đại lộ Vinh - Cửa Lò. |
Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển các khu công nghiệp, đô thị dịch vụ gắn với vùng định hướng phát triển đô thị trên toàn tỉnh. Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tháo gỡ những “điểm nghẽn” cho hoạt động thu hút đầu tư phát triển, quản lý đất đai, đầu tư, quy hoạch, phát triển đô thị, kiến trúc, xây dựng bảo đảm tính minh bạch, thống nhất, từng bước loại bỏ các mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc về pháp lý trong quá trình tổ chức thực hiện. Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển đô thị bền vững, phù hợp cho địa bàn vùng đồi núi phía Tây, vùng có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh, vùng có nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên cần bảo tồn, gìn giữ.
Giải pháp về nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới như: Tập trung xây dựng các vùng đô thị, hành lang đô thị, dải đô thị ven biển trên cơ sở xác định rõ vai trò, chức năng của từng đô thị, nhất là các đô thị động lực của từng vùng và cả tỉnh, đô thị kết nối các tỉnh lân cận. Xác định phát triển đô thị là hạt nhân phát triển kinh tế - xã hội cấp vùng, tăng mật độ đô thị tại các vùng đồng bằng. Phát triển chuỗi các đô thị biển gắn với thực hiện Chiến lược kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh; quy hoạch các khu đô thị ven biển trên các địa bàn có nền móng vững chắc và cao độ ổn định, thuận tiện giao thông và cung cấp nước ngọt trong tương lai; kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc lấn biển để phát triển đô thị. Đầu tư nâng cao khả năng chống chịu thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu của các đô thị ven biển và các vùng sinh thái dễ bị tổn thương.
Dự án Hào thành cổ Vinh được hoàn thành do tài trợ của Ngân hàng WB. Ảnh Thu Huyền |
Xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển đô thị Vinh, thị xã Hoàng Mai, thị xã Thái Hòa và các đô thị trung tâm vùng trở thành các đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị. Sử dụng các công cụ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các công cụ thị trường khác để điều tiết, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng dân số đô thị, nhất là tại các đô thị lớn của tỉnh. Quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại các trung tâm đô thị lớn, nhất là khu vực trung tâm. Ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ (loại V) và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn. Đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản, du lịch, đô thị gắn với những địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch.
Xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, chương trình về phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và nâng cấp đô thị; xây dựng và phát triển các đô thị thông minh; xây dựng nông thôn mới phù hợp với định hướng đô thị hoá. Phát triển các mô hình đô thị mới phù hợp với thực tiễn, chú trọng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD). Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí xác định và phát triển các khu đô thị có vị trí, chức năng đặc thù nổi trội về phát triển khoa học công nghệ, kinh tế công nghiệp, cảng, sân bay... và ban hành các chính sách phát triển riêng phù hợp. Rà soát và triển khai đồng bộ các chương trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị.
Thị xã Hoàng Mai. Ảnh tư liệu: Tuấn Anh |
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị; Phát triển kinh tế khu vực đô thị; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị, trong đó, thu hút các dự án tạo động lực để huy động vốn đầu tư, huy động nguồn lực cho vùng Vinh, Hoàng Mai, Thái Hòa, Diễn Châu, Đô Lương. Rà soát, xác định tỷ lệ nguồn thu giữ lại hợp lý hơn đối với các đô thị chủ đạo để bảo đảm phát huy vai trò của các đô thị động lực trên địa bàn tỉnh, có cơ chế tạo nguồn thu, phân cấp ngân sách để lại cho các đô thị có kế hoạch nâng loại đô thị.
Để thực hiện quy hoạch đô thị, UBND tỉnh cũng yêu cầu sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cải cách thủ tục hành chính. Rà soát điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Vinh; quy hoạch các đô thị Hoàng Mai, Thái Hòa theo hướng mở rộng đô thị; hoàn thành việc lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Diễn Châu, Đô Lương, Con Cuông theo hướng hình thành đô thị động lực làm cơ sở cho công tác quản lý, đầu tư phát triển. Đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc các đô thị động lực…