Nghệ An: Chiết khấu quá thấp, một số doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu xin đóng cửa

Văn Trường 03/02/2023 09:10

(Baonghean.vn) - Thời gian vừa qua, kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Nghệ An gặp nhiều khó khăn. Nguồn cung khan hiếm, đặc biệt là do chiết khấu quá thấp, kinh doanh bán lẻ xăng dầu thua lỗ kéo dài khiến nhiều cơ sở phải gồng mình cầm cự.

Cửa hàng xăng dầu lương thực Yên Thành khối II, thị trấn Yên Thành vừa xin ngành chức năng dừng hoạt động, đã được Sở Công Thương thực hiện thu hồi giấy phép kinh doanh. Ảnh: Văn Trường

Như mới đây, Cửa hàng xăng dầu lương thực Yên Thành khối II, thị trấn Yên Thành đã xin dừng hoạt động. Qua tìm hiểu được biết, do quá khó khăn, mới đây, cửa hàng này đã xin ngành chức năng được ngừng hoạt động từ ngày 10/1/2023 và hiện cửa hàng này đã được Sở Công Thương thực hiện thu hồi giấy phép kinh doanh.

Anh Nguyễn Văn Hoành, chủ Cửa hàng xăng dầu xã Phúc Thành, huyện Yên Thành chia sẻ: Trước đây, chúng tôi kinh doanh 2 cửa hàng xăng dầu, tuy nhiên năm qua càng bán càng lỗ, chiết khấu chỉ được từ 200-400 đồng/lít xăng, chưa tính các khoản hao hụt, chi phí thuê mặt bằng, chi phí vận chuyển, thuê nhân viên, mỗi lít xăng bán ra không đủ chi nên từ tháng 5/2022, chúng tôi xin ngừng hoạt động cửa hàng xăng dầu tại xã Văn Thành.

Theo báo cáo của phòng Công Thương huyện Yên Thành, toàn huyện Yên Thành có 50 cây xăng dầu. Từ năm 2022 đến nay, có 6 cây xăng dầu xin dừng hoạt động do làm ăn thua lỗ đã được Sở Công Thương thu hồi giấy phép kinh doanh.

Trước thực trạng trên, UBND huyện Yên Thành đang phối hợp với ngành liên quan kiểm tra rà soát các cây xăng, dầu tháo gỡ khó khăn vướng mắc, để đảm bảo cung ứng kịp thời xăng dầu cho nhân dân.

Cửa hàng xăng dầu tại xã Hoa Thành, Yên Thành đang phục vụ khách hàng. Ảnh: Văn Trường

Tại địa bàn huyện Đô Lương, nhiều cửa hàng xăng dầu đang phải gồng mình cầm cự. Chủ một cây xăng dầu ở thị trấn Đô Lương chia sẻ thêm: Mức chiết khấu của cửa hàng chỉ có 200 đồng/lít xăng là quá thấp, mỗi ngày chúng tôi bán được 600-800 lít xăng, dầu, trong khi phải thuê 3 lao động, thuê mặt bằng, tính ra lỗ trên 10 triệu đồng/tháng. Sắp tới, chúng tôi phải cho nghỉ thêm 2 lao động vì không đủ chi phí, hiện nay cầm cự được ngày nào hay ngày đó.

Một chủ cây xăng dầu ở huyện Đô Lương tâm sự thêm: Điều bất cập là trong kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp bán lẻ không có quyền đòi hỏi mức chiết khấu, đầu mối cho bao nhiêu thì biết bấy nhiêu.

Đại diện phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đô Lương cho biết thêm: Địa bàn huyện Đô Lương hiện có 30 cây xăng dầu, tất cả đang hoạt động. Do chiết khấu thấp nên nhiều cửa hàng xăng dầu bán lẻ đang phải hoạt động càng thêm chồng chất khó khăn.

Ngành chức năng của huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các cây xăng dầu lẻ, đảm bảo cung ứng cho nhân dân. Trường hợp cửa hàng tạm ngừng hoạt động phải có lý do chính đáng, phải báo cáo bằng văn bản về Sở Công Thương Nghệ An nêu rõ lý do ngừng bán và chỉ được ngừng bán khi có văn bản chấp thuận của Sở Công Thương.

Một số chủ cây xăng dầu ở huyện Quỳnh Lưu chia sẻ thêm: Để thành lập một cửa hàng bán lẻ xăng dầu, phải lo nhiều thủ tục, xin chủ trương đầu tư, quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất, giấy phép xây dựng, giấy phép đấu nối, giấy phép phòng cháy, chữa cháy, giấy phép môi trường, giấy chứng nhận kiểm định thiết bị đo lường, giấy đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu...

Chưa kể là phải đầu tư hạ tầng như cửa hàng như xe bồn chở xăng dầu, bể chứa, nhà cửa... hàng tỷ đồng. Vì vậy, dù càng bán càng lỗ, chúng tôi vẫn phải hoạt động, nếu đóng cửa thì chúng tôi không biết trả tiền vay ngân hàng ra sao.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, địa bàn tỉnh Nghệ An có 681 cây xăng dầu hiện đang hoạt động bình thường, từ năm 2021 đến nay có trên 20 cây xăng dầu đã dừng hoạt động nguyên nhân là do làm ăn thua lỗ.

Sở Công Thương hiện nay đang tiếp tục chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu trên địa bàn chủ động cân đối nguồn cung sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu nhằm đảm bảo duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục, cung cấp đầy đủ xăng dầu cho các thương nhân nhượng quyền thương mại, tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu, đảm bảo không để thiếu hụt, thường xuyên kiểm tra, giám sát, chỉ đạo nắm bắt tình.

Rà soát, tổng hợp các vấn đề vướng mắc phát sinh về nguồn cung xăng dầu, quản lý, điều hành hoạt động xăng dầu; báo cáo, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phương án chỉ đạo, điều hành hợp lý, kịp thời.

Một cửa hàng xăng dầu thị trấn Đô Lương đang hoạt động. Ảnh: Văn Trường

Sở tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh và lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn để làm rõ nguyên nhân các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động, kiên quyết xử lý theo quy định; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh xăng dầu.

Theo các nhà chuyên môn, xăng dầu là mặt hàng chịu sự quản lý của Nhà nước và phải đảm bảo mục tiêu hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Để tránh tình trạng đứt gãy nguồn cung xăng dầu, các cơ quan quản lý cần linh hoạt hơn trong điều hành cũng như có quy định về mức chiết khấu cố định cho các doanh nghiệp bán lẻ như đang áp dụng mức lợi nhuận định mức với doanh nghiệp đầu mối hiện nay. Phải để các doanh nghiệp bán lẻ có lợi nhuận thì họ mới có sức tham gia điều tiết thị trường.

Nghệ An đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu

09/11/2022

Nghệ An: Bảo đảm không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu

14/11/2022

Mới nhất

x
Nghệ An: Chiết khấu quá thấp, một số doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu xin đóng cửa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO