Nghệ An có hơn 250ha khoai tây được liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm
(Baonghean.vn) - Vụ đông 2022, trên địa bàn Nghệ An có hơn 250ha khoai tây được liên kết với doanh nghiệp để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với mức giá ổn định 7.700 đồng/kg.
2ha khoai tây liên kết sản xuất trên địa bàn huyện Tân Kỳ đã đến kỳ thu hoạch. Ảnh: Xuân Hoàng |
Vụ đông vừa qua, huyện Tân Kỳ liên kết với doanh nghiệp để trồng 2 ha khoai tây tại xóm Hồng Sơn, xã Nghĩa Hợp. Ông Nguyễn Xuân Lương – cán bộ địa chính, nông nghiệp xã Nghĩa Hợp cho biết: Giá thu mua đã được phía doanh nghiệp cam kết ban đầu là 7.700 đồng/kg. Trước khi trồng, phía doanh nghiệp cho bà con nông dân ứng trước 100% giống và phân bón, nên bà con yên tâm sản xuất.
“Hiện tại khoai tây đã đến kỳ thu hoạch, qua đánh giá cho thấy năng suất đạt khoảng 18 – 19 tấn/ha. Dự kiến phía doanh nghiệp sẽ tiến hành thu hoạch vào cuối tháng 2. Với năng suất như vậy, trừ chi phí phân bón, giống, công chăm sóc… mỗi ha khoai tây vụ đông cũng đem lại cho người nông dân trên 50 triệu đồng tiền lãi.
Theo đánh giá của phía doanh nghiệp, với số lượng củ/gốc như thế này, năng suất đạt trên 18 tấn/ha. Ảnh: Xuân Hoàng |
Ông Lê Viết Quý – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ cho biết, mô hình liên kết sản xuất 2 ha khoai tây là lần đầu thực hiện trên địa bàn huyện Tân Kỳ. Mặc dù thời tiết đầu vụ không mấy thuận lợi, năng suất như vậy là đạt yêu cầu, so với các loại cây trồng vụ đông khác, khoai tây có thu nhập cao nhất, đây là điều kiện để địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình liên kết trong các vụ đông tới.
Huyện Diễn Châu là địa phương có diện tích khoai tây vụ đông nhiều nhất tỉnh, với khoảng 120ha. Ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Diễn Châu khẳng định, khoai tây vụ đông ở Diễn Châu có thể đạt năng suất trên 20 tấn/ha. Toàn bộ hơn 120ha khoai tây được trồng tại các xã: Diễn Phong, Diễn Thành, Diễn Trung... đều liên kết sản xuất với doanh nghiệp nên toàn bộ sản phẩm đều được phía doanh nghiệp thu mua với giá 7.700 đồng/kg. Do hầu hết phần lớn diện tích khoai tây vụ đông bị hư hỏng do mưa lụt, phải trồng lại, nên dự kiến sẽ thu hoạch vào tháng 3.
"Ngay từ khi cấp giống đến quá trình chăm sóc, đều có cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp trực tiếp hướng dẫn, theo dõi và phòng trừ sâu bệnh, nên bà con nông dân yên tâm", ông Lê Thế Hiếu cho biết.
Doanh nghiệp thu mua khoai tây vụ đông trên địa bàn Nghệ An. Ảnh tư liệu |
Theo số liệu của chi cục Trồng trọt và BVTV, trong vụ đông vừa qua kế hoạch của tỉnh là liên kết sản xuất 500 ha khoai tây, nhưng trên thực tế chỉ liên kết được khoảng 250 ha. Toàn bộ diện tích khoai tây vụ đông trên địa bàn tỉnh đều có sự liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Doanh nghiệp liên kết là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm ORION.
Liên kết để sản xuất bền vững, đó là yêu cầu tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa. Nông dân đến với doanh nghiệp để tìm chỗ dựa cho sản phẩm của mình; doanh nghiệp trong thời đại cạnh tranh khốc liệt cũng muốn tìm kiếm vùng nguyên liệu có khối lượng lớn, ổn định và đảm bảo chất lượng. Đây là lý do để đôi bên gặp gỡ nhau.
Do vậy, việc chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh chủ động liên kết với doanh nghiệp để sản xuất vụ đông là rất cần thiết, ngoài lợi ích hai bên nhận được, xây dựng mối liên kết này về bản chất là xây dựng kênh tiêu thụ mới trong chuỗi giá trị thông qua loại bỏ bớt tác nhân trung gian giữa người sản xuất và doanh nghiệp./.