Nghệ An đang bước vào "Cuộc cách mạng mới " về kinh tế
(Baonghean) - Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.
Phóng viên: Thưa đồng chí Phó Thủ tướng, là người luôn quan tâm đến Nghệ An - quê hương Bác Hồ, đồng chí đánh giá như thế nào về những kết quả đã đạt được của Nghệ An trong nhiệm kỳ qua, đặc biệt là sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về Nghệ An?
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc: Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam, là một Việt Nam thu nhỏ, là quê hương cách mạng, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có truyền thống lịch sử vẻ vang. Con người Nghệ An cần cù, hiếu học, trách nhiệm, tình cảm và kiên trung. Trong nhiệm kỳ qua, Nghệ An đã đoàn kết, thống nhất, vươn lên mạnh mẽ. Những năm gần đây Nghệ An có sức bật mới, sức sống mới. Nội bộ Nghệ An đoàn kết, cán bộ, đảng viên trên dưới một lòng, có sức lan tỏa đến nhân dân.
Nghệ An có tốc độ phát triển tốt, toàn diện, năng động với những kết quả quan trọng. Không chỉ giữ được phong trào phát triển mà Nghệ An đã nâng tầm ở các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng. Đặc biệt, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, tỉnh đã đạt được những kết quả đáng mừng. Lĩnh vực kinh tế - xã hội đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, chất lượng tăng trưởng tốt; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch đúng hướng; hệ thống kết cấu hạ tầng được xây dựng đồng bộ; diện mạo đô thị Vinh và các thị xã, thị trấn ngày càng hoàn chỉnh.
Nhiều mô hình tốt trong phát triển nông nghiệp, trang trại, kinh tế hộ, ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp xuất hiện, hoạt động hiệu quả và được nhân rộng. Tỉnh bước đầu xây dựng được khu nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái. Nghệ An có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, nhất là vùng miền Tây có những chuyển biến tốt. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm nhanh, trong điều kiện có trên 1 triệu dân vùng miền núi phía Tây là người dântộc thiểu số, thì đây là một nỗ lực lớn của tỉnh.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư duyệt Đại hội Đảng bộ Nghệ An. |
Tỉnh cũng đã quy hoạch lâu dài các khu kinh tế lớn ở phía Đông, vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ... Các khu này được đầu tư bài bản và nhanh chóng thu hút những dự án lớn vào đầu tư, mở ra những triển vọng mới cho việc phát triển kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, những công trình hạ tầng quan trọng liên tục được xây dựng, khánh thành đang trở thành những điều kiện tốt để Nghệ An có sự phát triển lâu dài.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt kết quả tích cực. Ít có tỉnh nào mà 90% học sinh tốt nghiệp phổ thông có thể vào được các trường đại học, cao đẳng, trường nghề. Đây chính là thế mạnh, là nguồn nhân lực lâu dài để Nghệ An phát triển. Bên cạnh đó, Nghệ An cũng có sự chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực, tăng cường cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng.
Nghệ An có khu vực miền Tây rộng lớn, diện tích gấp 3 lần tỉnh Bắc Cạn với trên 1 triệu dân ở miền núi nhưng tỉnh đang đi đúng hướng, có thể xem là đang thực hiện cuộc cách mạng trong xây dựng nông thôn mới và đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Đây là bước đi đúng hướng và bền vững của Nghệ An trong công cuộc thoát nghèo.
Tôi đánh giá, Nghệ An đạt được những bước tiến quan trọng, toàn diện trong nhiệm kỳ qua và đặc biệt là sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Xét về tổng quát, các chỉ tiêu giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, kinh tế, thương mại thì Nghệ An đã bước đầu trở thành một trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực Bắc Trung bộ như mục tiêu đề ra.
Phóng viên: Đồng chí có nhận định gì về những khó khăn, thách thức mà Nghệ An đang gặp phải trong quá trình phát triển hiện nay?
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc: Có thể thấy rằng, Nghệ An đang gặp không ít khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển.
Thứ nhất, thách thức trực tiếp của Nghệ An chính là quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Đây được xem như là một cơn lốc tràn qua, kéo theo rất nhiều vấn đề Nghệ An cần phải giải quyết. Khi đất nước ta tham gia các hiệp định thương mại lớn, hình thành cộng đồng ASEAN thì công tác quản lý nhà nước, sự phát triển của doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng đầu ra sản phẩm là những thách thức không nhỏ của Nghệ An.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhà máy dệt may Nam Đàn Hanosimex4. |
Thứ hai, tỷ lệ dư thừa lao động nông nghiệp của Nghệ An rất lớn, chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn miền núi còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa. Trong khi đó, khu vực đô thị công nghiệp thu hút lao động còn kém.
Thứ ba, phân hóa và chênh lệch kinh tế giữa nông thôn, thành thị, miền núi, đồng bằng và giữa các dân tộc còn cao, tỉnh cần phải tập trung giải quyết bằng những giải pháp quyết liệt và cụ thể.
Thứ tư, tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra trong quá trình phát triển công nghiệp, dịch vụ, làng nghề ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân cũng như những tác động không nhỏ của biến đổi khí hậu là những thách thức lớn cho tỉnh. Nằm ở khúc ruột miền Trung, Nghệ An thường xuyên phải hứng chịu những đợt thiên tai, hạn hán, lũ lụt, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, với những định hướng, mục tiêu và những chương trình mà Nghệ An đặt ra trong nhiệm kỳ tới, chắc chắn những thách thức này sẽ được khắc phục để Nghệ An có những bước phát triển mới.
Phóng viên: Thưa đồng chí, Nghệ An phải làm gì trong thời gian tới để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020), cũng như sớm đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đề ra?
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc: Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đưa Nghệ An trở thành trung tâm phát triển của khu vực Bắc Trung bộ và cơ bản thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020. Chính vì thế, các chỉ tiêu như y tế, giáo dục, thu nhập bình quân đầu người cũng như các chỉ số về hạ tầng cũng phải đặt ra tốt hơn.
Trong nhiệm kỳ mới, Nghệ An đã xác định 5 mũi đột phá, đưa ra 8 nhóm giải pháp chủ yếu, 10 chương trình cụ thể để phát triển một cách toàn diện và xác định được 3 vùng kinh tế trọng điểm để phát triển thành các cực tăng trưởng. Đó là Vinh - TX. Cửa Lò - các huyện Đông Nam gắn với vùng Nam Nghệ An, Bắc Hà Tĩnh; TX. Hoàng Mai - Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An; Tân Kỳ - Đô Lương - Nghĩa Đàn - Thái Hòa - Quỳ Hợp gắn với miền Tây Nghệ An...
Tôi đánh giá cao những chủ trương, giải pháp trên và mong muốn rằng, Nghệ An sẽ biến những lợi thế so sánh của mình để bứt phá. Lợi thế “tĩnh” của Nghệ An là điều kiện tự nhiên, rừng, biển, tài nguyên thiên nhiên phong phú. Bên cạnh đó, tỉnh cần phải phát huy những lợi thế mới, là những lợi thế “động” khác như môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ địa phương để thu hút mạnh mẽ các nguồn đầu tư, tăng cường thu hút nhân tài, biến khó khăn thành cơ hội mới có thể phát triển được.
Tôi nghĩ rằng, hiện nay Nghệ An đang có “cuộc cách mạng mới” trên lĩnh vực kinh tế và tỉnh phải xây dựng một chương trình lớn để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp ở địa phương, doanh nghiệp nông nghiệp, bởi số lượng doanh nghiệp mạnh ở địa phương còn ít. Ngoài ra, tỉnh cũng cần giảm nghèo bền vững, giảm nghèo đa chiều, cần nhân rộng mô hình phát triển kinh tế; phát triển kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh, xây dựng biên giới vững chắc, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện.
Trong thời gian tới, khai thác hiệu quả Cửa khẩu Thanh Thủy nhằm mở rộng tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, tăng cường kết nối Nghệ An với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông ở các vùng, miền để tạo những bước tiến vững chắc cho Nghệ An “cất cánh”.
Với những điều kiện và quyết tâm lớn hiện nay, với những thành quả quan trọng vừa qua và với sự đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tin rằng Nghệ An sẽ tiếp tục có những bước tiến mới, xứng đáng với truyền thống quê hương, với niềm tin yêu của nhân dân cả nước.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Thủ tướng !
Nguyên Khoa
TIN LIÊN QUAN |
---|