Nghệ An: Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý
(Baonghean.vn) - Sau đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên, phù hợp với tiêu chuẩn chức danh, khung năng lực vị trí việc làm, nhất là khả năng xử lý các vấn đề khó, phức tạp, mới phát sinh...
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò quan trọng của cán bộ trong thực hiện công việc cách mạng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Xác định rõ “cái gốc của mọi công việc” nên ngày 30/5/2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2012 - 2020”.
Trường Chính trị tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Nghệ An, tháng 3/2021 Ảnh tư liệu: Thanh Lê |
Sau 5 năm thực hiện Đề án, đã có 160 đồng chí được đào tạo tiến sĩ; 935 đồng chí được đào tạo thạc sỹ và nhiều cán bộ, công chức, viên chức tự học đại học văn bằng 2 để bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ. Có 14.772 đồng chí được đào tạo trung cấp lý luận chính trị; 2.161 đồng chí được đào tạo cao cấp lý luận chính trị. Có 31.252 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp tham gia các lớp bồi dưỡng của Trung ương và tỉnh. Có 5.933 đồng chí được bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên (vượt 85,41% kế hoạch); 699 đồng chí được bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính (vượt 29,44% kế hoạch); 74 đồng chí được bồi dưỡng ngạch chuyên viên cao cấp. Có 8.619 lượt cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng quốc phòng, an ninh đối tượng 1, 2, 3 (vượt 20,65% kế hoạch). Có 3.877 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp tham gia các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới.
Nội dung, phương pháp, chất lượng, đào tạo, bồi dưỡng ngày càng có nhiều đổi mới theo hướng gắn lý luận với thực tiễn, phát huy tính tích cực, chủ động của người học. Đội ngũ giảng viên, giảng viên kiêm chức, cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo được chuẩn hóa, từng bước đáp ứng yêu cầu dạy và học trong thời kỳ mới.
Các đại biểu dự lễ Khai giảng lớp Cao cấp lý luận chính trị khóa 2020 - 2022 tại Nghệ An. Ảnh tư liệu: Mai Hoa |
Sau đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên, phù hợp với tiêu chuẩn chức danh, khung năng lực vị trí việc làm, nhất là khả năng xử lý các vấn đề khó, phức tạp, mới phát sinh, đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương, cơ quan, đơn vị góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Ngoài ra, công tác bồi dưỡng phẩm chất đạo đức đã giúp cho cán bộ lãnh đạo, quản lý nâng cao bản lĩnh, trách nhiệm, ý thức tốt việc nêu gương, hạn chế những tiêu cực, sai phạm xẩy ra trong thực tiễn công tác.
Quá trình thực hiện Đề án còn bộc lộ một số hạn chế, đó là: Công tác dự báo nhu cầu và việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm của một số đơn vị, chưa sát thực tiễn, chưa gắn với quy hoạch và kế hoạch sử dụng cán bộ. Nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng có đổi mới nhưng chậm, còn có sự trùng lặp, dàn trải giữa các chương trình; việc phân loại kiến thức, cập nhật, kiến thức mới theo cơ chế bắt buộc kỹ năng cho từng nhóm đối tượng chưa tốt. Chế độ hỗ trợ cho người học, nhất là đối với viên chức, cán bộ vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn. Giảng viên của một số cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cấp huyện chưa có nghiệp vụ sư phạm theo quy định. Cơ sở vật chất mặc dù được quan tâm đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, sửa chữa nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Việc ứng dụng công nghệ thông tin của một số đơn vị còn hạn chế, thiếu đồng bộ; kỹ năng áp dụng, tác nghiệp còn yếu.
Nguyên nhân cơ bản của các hạn chế nêu trên đó là: Một số cấp ủy, chính quyền, đơn vị thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; xem nhẹ việc khảo sát, nắm bắt nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, công chức, viên chức; chưa nắm chắc yêu cầu tiêu chuẩn chức danh, khung năng lực, vị trí việc làm để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp; chưa phát huy tốt vai trò kiểm tra, giám sát đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ còn tâm lý ngại học lý luận chính trị tập trung, lười học ngoại ngữ.
Để công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian tới đạt kết quả tốt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ mang tính chiến lược, bền vững đó là: Đẩy mạnh việc thực hiện Kế hoạch số 225-KH/TU, ngày 30/01/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Nghệ An năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ công chức, viên chức, giai đoạn 2019 - 2030 của Chính phủ; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có chất lượng cao, số lượng, cơ cấu hợp lý. Bám sát quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý được phê duyệt, nhu cầu và tình hình thực tiễn để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm. Từng bước bảo đảm cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng theo hướng đạt chuẩn; tập trung xây dựng Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư.
PGS. TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trao bằng tốt nghiệp cho các học viên lớp cao cấp lý luận chính trị. Ảnh tư liệu: Thành Duy |
Xây dựng đội ngũ giảng viên, giảng viên kiêm chức đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Đổi mới nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng chú trọng về kỹ năng quản lý, điều hành, kỹ năng công tác, gắn với bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý sau đào tạo, bồi dưỡng. Tăng cường đánh giá, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm. Động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; đồng thời xem xét, có hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng giao trách nhiệm cho từng cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị cụ thể hóa việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo phương châm “cụ thể, tiết kiệm, hiệu quả, thiết thực”. Tin tưởng rằng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thời gian tới sẽ đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2025 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.