Nghệ An: Đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại
(Baonghean.vn) - Sáng 4/10, đồng chí Lê Xuân Đại – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh chủ trì cuộc họp để nghe và cho ý kiến về Dự thảo “Đề án phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 – 2020”.
Tham dự có đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Báo cáo của Sở Công thương cho thấy, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh thời gian qua được tập trung phát triển và đạt được những kết quả quan trọng; góp phần nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa liên tục trong trong nhiều năm (từ trên 16 nghìn tỷ đồng năm 2010 lên 48 nghìn tỷ đồng năm 2015).
Sự phát triển hạ tầng thương mại đã thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong và ngoài tỉnh. Phương thức hoạt động công nghệ quản lý và điều hành kinh doanh của các loại hình hạ tầng thương mại ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.
» Quy hoạch các dự án công nghiệp - thương mại dọc đường Hồ Chí Minh
Bà Võ Thị An - Phó Giám đốc Sở Công thương báo cáo dự thảo đề án "Phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 -2020". |
Cụ thể, mạng lưới chợ được nâng cấp cải tạo và xây mới, hiện có 397 chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa. Với hệ thống 42 siêu thị và 4 trung tâm thương mại đã góp phần hình thành cấu trúc không gian đô thị hiện đại. Nguồn cung hàng hóa cho mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại được cải thiện cả về quy mô, cơ cấu và chủng loại, chất lượng. Đã có những nhà phân phối ngoài nước vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại góp phần chuẩn hóa các tiêu chuẩn về hình thức và nội dung tổ chức hoạt động kinh doanh.
Hệ thống kinh doanh xăng dầu, các cơ sở chiết nạp phần lớn được đầu tư theo tiêu chuẩn và hoạt động có hiệu quả. Hệ thống cửa hàng tổng hợp, chuyên doanh, tự chọn đã hình thành, phát triển khá nhanh, phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao …
Bên cạnh đó, các sàn giao dịch thương mại điện tử cũng đã góp phần cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh quảng bá, tìm hiểu khách hàng, mở rộng thị trường; từ đó tăng đáng kể doanh thu và số lượng sản phẩm được tiêu thụ.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Lê Xuân Đại đề nghị Sở Công thương cần làm rõ thực trạng và giải pháp phát triển từng loại hạ tầng thương mại. |
Tuy nhiên, nhìn chung hạ tầng thương mại quy mô vẫn còn hạn chế, kinh doanh truyền thống và lạc hậu, chợ tạm, chợ cóc tồn tại khá nhiều. Các loại hình kinh doanh hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại còn ít và đa phần không đạt tiêu chuẩn; chưa hình thành được một số loại hình buôn bán hiện đại. Cơ sở vật chất kỹ thuật một số cơ sở trong hệ thống hạ tầng thương mại chưa đáp ứng yêu cầu. Phân bố hệ thống hạ tầng thương mại còn chưa hợp lý và hài hòa, mới chỉ tập trung phát triển tại khu vực thành thị …
Định hướng phát triển hạ tầng thương mại Nghệ An thời gian tới, theo hướng đa dạng các loại hình, kết cấu hạ tầng thương mại, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống và thương mại hiện đại; phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn. Cụ thể, tập trung vào các giải pháp: về quy hoạch, cơ chế chính sách, thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển thương nhân tham gia vào hệ thống hạ tầng thương mại; đổi mới nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hạ tầng thương mại …
Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh phát triển đã góp phần cải thiện về quy mô, cơ cấu và chủng loại, chất lượng hàng hóa. |
Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành đã tập trung góp ý các nội dung của dự thảo đề án như: Điều chỉnh quy hoạch điểm kinh doanh xăng dầu để phù hợp đấu nối với các đường quốc lộ, rà soát để có quy hoạch hệ thống chợ hợp lý hơn; đánh giá hạ tầng và định hướng phát triển thương mại điện tử; xem xét lại nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn đến năm 2020; đánh giá về công tác chuyển đổi mô hình phát triển chợ …
Toàn cảnh buổi làm việc |
Kết luận cuộc họp, đồng chí Lê Xuân Đại đề nghị: Sở Công thương cần đánh giá từng loại hạ tầng thương mại; tập trung cụ thể hơn về thực trạng, giải pháp hạ tầng thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. Cơ quan chủ trì đề án tiếp thu ý kiến của các sở, ngành để hoàn thiện các giải pháp phát triển hạ tầng thương mại từ nay đến năm 2020. Trong đó, cần lưu ý ưu tiên các nguồn lực đầu tư và tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng thương mại trong thời gian tới.
Đinh Nguyệt