Nghệ An: Người chăn nuôi mỏi mòn chờ tiền hỗ trợ tiêu hủy gia súc do dịch bệnh

Phú Hương 06/04/2023 13:45

(Baonghean.vn) - Đã bước sang năm thứ ba sau khi đàn gia súc bị tiêu huỷ do dịch bệnh, nhưng các hộ chăn nuôi vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ. Không chỉ gây khó khăn cho công tác tái đàn, mà bất cập này còn có thể ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh đàn gia súc.

"Cắm" bìa đất vay vốn tái đàn

Là hộ gia đình cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, với hy vọng cải thiện điều kiện kinh tế gia đình, anh Trần Khánh Ân, xóm 7, xã Diễn Liên (Diễn Châu) đã vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội theo chính sách hỗ trợ hộ nghèo, để làm chuồng và mua 1 con bò về nuôi. Tuy nhiên, đến tháng 3/2021, do dịch bệnh viêm da nổi cục, con bò đang mang thai đã bị buộc phải tiêu huỷ. Một năm sau, nóng ruột khi chuồng để trống, anh “cắn răng” cắm bìa mảnh đất đang ở, vay thêm ngân hàng 40 triệu đồng mua bò về nuôi.

"Số tiền 30 triệu đồng mua bò đợt trước, sau khi bò bị tiêu huỷ, đã được ngân hàng khoanh nợ lại, nhưng hàng tháng gia đình tôi vẫn phải trả nợ số tiền vay ngân hàng để tái đàn, rất khó khăn", anh Ân chia sẻ.

Chỉ tính riêng trong 2 năm 2021 và 2022, do bệnh dịch tả lợn châu Phi, trên địa bàn xã Diễn Liên đã phải tiêu huỷ 229 con lợn, tổng trọng lượng 7.662 kg.

Anh Trần Khánh Ân, xóm 7 xã Diễn Liên, Diễn Châu thế chấp bìa đất để vay ngân hàng, mua bò tái đàn. Ảnh: Phú Hương

Tháng 9/2021, đàn lợn 16 con với tổng trọng lượng gần 1,1 tấn của gia đình ông Đinh Văn Đồng ở xã Diễn Thái cũng buộc phải tiêu hủy do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đầu tư hệ thống chuồng trại khang trang từ đầu năm 2019, nhưng chỉ sau 8 lứa lợn, ông đã đành bỏ trống chuồng, mặc dù ngay sau khi đàn lợn bị tiêu hủy, gia đình ông đã tiến hành khử trùng tiêu độc và có thể tái đàn.

“Lúc phát hiện bị bệnh, đàn lợn đã xuất chuồng, hầu hết chưa có biểu hiện gì, nhưng tôi không bán chạy mà chấp hành nghiêm túc chủ trương tiêu huỷ để phòng, chống dịch bệnh. Thế nhưng, mấy năm rồi chưa thấy tiền hỗ trợ đâu, giống thì đắt nên đành để chuồng không”, ông Đồng chán nản.

Đến nay, khu chuồng trại của gia đình ông Đinh Văn Đồng, xã Diễn Thái, Diễn Châu vẫn đang để trống. Ảnh: Phú Hương

Năm 2021, trên địa bàn xã Diễn Thái xảy ra 2 đợt dịch tả lợn châu Phi, tổng trọng lượng đàn lợn bị tiêu huỷ là 3.500 kg; năm 2022 dịch bệnh tiếp tục xảy ra ở 1 hộ gia đình với 2 con lợn nái bị tiêu huỷ.

Bà Nguyễn Thị Châu, cán bộ công chức nông nghiệp xã cho biết: Vài năm gần đây, đàn vật nuôi trên địa bàn giảm mạnh. Tổng đàn lợn của xã trước đây là trên 2.000 con, nhưng hiện chỉ còn khoảng 600 con, chủ yếu ở các gia trại lớn.

Tương tự, năm 2021, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã làm “trắng” chuồng lợn của gia đình ông Lại Như Hoa, xóm Ngọc Thành, xã Hùng Thành, Yên Thành.

“Làm nông chỉ đủ ăn, còn chăn nuôi là nghề phụ nhưng đem lại nguồn thu nhập chính, mọi công việc trong gia đình hầu như chỉ nhìn vào đó”, ông Hoa chia sẻ.

Bởi vậy, sau khi đàn lợn bị tiêu hủy, gia đình ông đã phải vay mượn vốn để tái đàn. Tuy nhiên, do thiếu vốn, gia đình chỉ mua được 2 con lợn mẹ, và đến tận năm nay ông mới mua thêm 3 con lợn giống nuôi lấy thịt.

Ảnh hưởng tái đàn và công tác phòng, chống dịch

Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện Yên Thành xảy ra một số ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu bò và dịch tả lợn châu Phi trên lợn; số gia súc bị tiêu huỷ đã được thống kê, nhưng tiền hỗ trợ sau hơn 2,5 năm vẫn chưa có.

Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Khi dịch bệnh xảy ra, phương án hỗ trợ đã được phê duyệt, huyện thường trích nguồn ngân sách dự phòng để cho “ứng” trước, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất.

Sau khi đàn lợn bị tiêu huỷ do dịch bệnh, ông Lại Như Hoa, xóm Ngọc Thành, xã Hùng Thành, Yên Thành đã phải vay mượn để tái đàn. Ảnh: Phú Hương

“Tuy nhiên, nguồn dự phòng thường không đủ đáp ứng và phải ưu tiên phục vụ sự việc đột xuất như thiên tai hạn hán, bão lụt. Những năm qua, Yên Thành cũng đã trích ngân sách hỗ trợ trước cho bà con nhưng những năm dịch bệnh xảy ra nhiều thì đành bất lực”, ông Nguyễn Văn Dương cho hay.

Trong hai năm 2021 và 2022, Nghệ An có 31.000 con lợn và 2.400 con trâu bò bị tiêu hủy vì bệnh viêm da nổi cục và dịch tả lợn châu Phi. Thiệt hại lớn, nhưng từ năm 2021 đến nay, chủ trương hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có gia súc bị bệnh phải tiêu hủy vẫn chưa được thực hiện.

Theo ông Ngô Đức Quỳnh - Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, ngoài khó khăn trong đầu tư tái đàn, nhất là với các trang trại có số lượng chăn nuôi lớn, chính sách thực hiện chậm còn ảnh hưởng tư tưởng người dân trong phòng, chống dịch bệnh. Người chăn nuôi sẽ dễ giấu dịch, bán chạy để có nguồn tiền đầu tư tái đàn, làm mầm bệnh phát tán trên diện rộng, khó khăn trong phòng, chống dịch cũng như mất an toàn thực phẩm với người tiêu dùng. Nguồn hỗ trợ không kịp thời cũng dẫn đến ý nghĩa, hiệu quả của chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất sau dịch bệnh bị hạn chế.

Mới nhất
x
Nghệ An: Người chăn nuôi mỏi mòn chờ tiền hỗ trợ tiêu hủy gia súc do dịch bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO