Nghệ An ra công điện khẩn phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
(Baonghean.vn) - Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện đang có bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) chưa qua 21 ngày tại 692 hộ ở 83 xóm thuộc 6 huyện. UBND tỉnh đã ban hành Công điện khẩn số 48/CĐ-UBND ngày 3/12/2020 về việc tập trung chỉ đạo phòng, chống DTLCP.
Công điện nêu rõ các nguyên nhân dịch bệnh: (1) Mầm bệnh đang lưu hành rộng rãi trong đàn vật nuôi, mưa lũ làm phát tán mầm bệnh từ hố chôn xác chết động vật, chất thải các khu chăn nuôi; (2) Người chăn nuôi chủ quan tăng đàn, tái đàn nhưng không áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, chưa chủ động tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn vật nuôi; (3) Hoạt động giết mổ, buôn bán, vận chuyển nhỏ lẻ khó kiểm soát; (4) Nhiều địa phương lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh; (5) Công tác giám sát dịch bệnh không kịp thời; (6) Người chăn nuôi giấu dịch, bán chạy lợn bệnh... Do đó, nguy cơ dịch bệnh bùng phát ra diện rộng trong thời gian tới rất cao, đặc biệt các tháng cuối năm 2020, dịp tết nguyên đán và đầu năm 2021.
Tiêu hủy lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi tại xã Diễn Liên (Diễn Châu). Ảnh tư liệu Xuân Hoàng |
1. UBND các huyện, thành phố, thị xã
- Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp - PTNT và của UBND tỉnh (Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 19/3/2019, Quyết định số 3385 ngày 01/10/2020, Công điện khẩn số 10/CĐ-UBND ngày 14/4/2020, Công điện khẩn số 33/CĐUBND ngày 24/9/2020, Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 18/3/2020 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và bệnh DTLCP...).
- Thành lập các đoàn công tác do lãnh đạo UBND huyện, thành phố, thị xã làm trưởng đoàn kiểm tra công tác chống dịch tại các xã đang có bệnh DTLCP. Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp/Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cử các tổ cán bộ kỹ thuật trực tiếp các xã có bệnh DTLCP chưa qua 21 ngày để phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, kiểm soát ngăn chặn dịch bệnh tái phát, lây lan ra diện rộng. Công bố dịch khi có chiều hướng lây lan nhanh ra diện rộng theo Điều 26, Luật Thú y.
- Huy động tối đa các nguồn lực tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh DTLCP, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời điểm hiện nay và thời gian tới. Chủ động giám sát, lấy mẫu gửi xét nghiệm để phát hiện sớm dịch bệnh.
- Tổ chức triển khai tốt tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng theo Kế hoạch số 3760/KH-SNN-CNTY ngày 09/11/2020 của Sở Nông nghiệp - PTNT về việc triển khai khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh động vật sau mưa lũ đợt 4 năm 2020 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để người dân nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện tốt “6 không” trong phòng chống bệnh DTLCP: Không giấu dịch; Không mua bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ tiêu thụ thịt lợn bệnh, thịt lợn chết; Không vứt xác lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn thừa chưa xử lý cho lợn ăn; Không sử dụng nước sông, ao hồ, kênh mương chưa qua xử lý để tắm cho lợn, vệ sinh chuồng trại, cho lợn uống.
- Thành lập đoàn công tác lưu động liên ngành kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật cấp huyện để kiểm tra các tụ điểm kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
- Bố trí kinh phí để triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đạt hiệu quả.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn:
+ Chủ động triển khai giám sát để phát hiện sớm lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP. Tổ chức tiêu hủy lợn bệnh đúng quy trình. Tuyệt đối không để người chăn nuôi tự tiêu hủy làm lây lan dịch bệnh. Rải vôi bột, tiêu độc các ô chuồng có lợn bệnh đã tiêu hủy. Quản lý tốt công tác kiểm soát giết mổ, việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra vào vùng dịch. Xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường.
+ Yêu cầu các trang trại, hộ chăn nuôi lợn: Tự giác kê khai hoạt động chăn nuôi của cơ sở theo quy định tại Luật Chăn nuôi, Thông tư số 23/2014/TTBNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ Nông nghiệp - PTNT hướng dẫn một số điều của Luật chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi để giám sát, quản lý. Những tổ chức, cá nhân chăn nuôi tự ý tái đàn khi chưa được sự cho phép của chính quyền địa phương, không kê khai hoạt động chăn nuôi; không chấp hành tiêm phòng các bệnh bắt buộc cho vật nuôi theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TTBNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp - PTNT quy định phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn, không thực hiện phòng dịch chủ động theo hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn, khi dịch xảy ra buộc tiêu hủy sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước
+ Hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh phòng bệnh, chủ động mua vôi bột, hóa chất khử trùng tiêu độc lối đi, chuồng trại, làm hố sát trùng trước cửa chuồng nuôi; hạn chế tối đa người và khách ra vào khu vực chuông nuôi; có giải pháp ngăn ngừa chuột, côn trùng, chim... xâm nhập vào khu vực chăn nuôi, trang bị quần áo, ủng riêng khi vào chuồng trại;
+ Tổ chức tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm vụ Thu năm 2020 đảm bảo đạt 100% diện tiêm.
Huyện Quế Phong chỉ đạo các xã có dịch thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi, trong đó có lập chốt kiểm soát dịch. Ảnh: Xuân Hoàng |
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo:
- Đoàn công tác thành lập tại Quyết định 729/QĐ-SNN.CNTY ngày 25/9/2020 của Sở Nông nghiệp và PTNT) khẩn trương tổ chức kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại cơ sở, đặc biệt các huyện đang có dịch chưa qua 21 ngày.
- Tổ công tác lưu động liên ngành (thành lập tại Quyết định 125/QĐSNN.QLKTKHCN ngày 04/3/2019 của Sở Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật phòng chống DTLCP trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y:
+ Cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp các địa phương đang xảy ra bệnh DTLCP chưa qua 21 ngày, phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
+ Chuẩn bị đầy đủ vật tư, bảo hộ lao động, hóa chất, để phục vụ công tác chống dịch kịp thời, hiệu quả.
3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống bệnh DTLCP theo quy định.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn vị trí chôn lấp, kỹ thuật để kiểm soát, xử lý môi trường khi tiêu hủy lợn, sản phẩm lợn; hướng dẫn các biện pháp xử lý môi trường, nước thải, chất thải của các cơ sở giết mổ, các điểm tắm lợn,...
5. Công an tỉnh, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường: Chỉ đạo các lực lượng, đơn vị trực thuộc phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cùng các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ và xử lý nghiêm các tổchức, cá nhân buôn bán, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
6. Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An: Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch, các yếu tố nguy cơ, các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để người dân không hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho đàn vật nuôi hiệu quả.
7. Các sở, ban, ngành liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành, thị triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ để phòng chống có hiệu quả bệnh DTLCP.
Lực lượng chức năng kiểm tra, tuyên truyền các tiểu thương ở các chợ về kinh doanh thịt lợn an toàn trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi bùng phát phức tạp. Ảnh tư liệu: Thanh Phúc |
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành cấp tỉnh có liên quan triển khai thực hiện nghiêm Công điện này./.