Nghệ An sẽ có thêm nhiều cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Xuân Hoàng 26/05/2020 12:59

(Baonghean.vn) - Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung tại Hội thảo khoa học "Cơ sở lý luận và thực tiến trong việc xác định cây, con chủ lực của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030".

Sáng 26/5, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc xác định cây, con chủ lực của tỉnh Nghệ An.

Tham dự hội thảo có các đồng chí Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt; Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và một số cán bộ các cục, vụ, viện thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; các đồng chí: Nguyễn Thế Trung - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Hồ Xuân Hùng - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và PTNT Việt Nam.

Các đồng chí: Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đồng chủ trì hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Lâm Tùng

Cơ hội khai thác tiềm năng

Khai mạc hội thảo, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ, trong giai đoạn từ 2014 - 2020, trong điều kiện nhiều khó khăn, nhưng UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo ngành nông nghiệp và các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện Đề án phát triển cây, con chủ lực và đã đạt được những kết quả nổi bật.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành giai đoạn 2014-2019 đạt 4,8%; Cơ cấu kinh tế nội ngành tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, sản lượng lương thực cây có hạt trên 1,2 triệu tấn, hoàn thành mục tiêu đề án đề ra.

Tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tạo mọi điều kiện thuận lợi và môi trường thông thoáng để khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Các đồng chí chủ trì hội thảo. Ảnh: Lâm Tùng

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Tuy nhiên, Nghệ An còn gặp nhiều khó khăn, bất cập trong thực hiện các cây, con chủ lực. Dự kiến 10/21 chỉ tiêu của đề án không đạt hoặc khó đạt mục tiêu đề ra: Sản lượng lạc, chanh leo, chè búp tươi, cao su mủ khô, dược liệu, tổng đàn hươu, tổng đàn bò, bê sữa và sản lượng sữa tươi, thịt lợn và sản lượng tôm.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khai mạc hội thảo. Ảnh: Lâm Tùng

Vì thế, UBND tỉnh tổ chức “Hội thảo khoa học cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc xác định cây, con chủ lực của tỉnh Nghệ An” để được nghe các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách gợi mở, định hướng trong giai đoạn tới. Qua đó, đánh thức tiềm năng, khai thác tối đa lợi thế về đất đai, các giống cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh, xác định rõ các sản phẩm chủ lực của nông nghiệp tỉnh Nghệ An. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm này gắn liền với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tạo giá trị gia tăng cao, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.

Gợi mở mang tính chiến lược

Hội thảo đã được nghe 10 tham luận của các chuyên gia, phân tích, định hướng lựa chọn các các cây, con chủ lực, đồng thời đề ra những giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung, trong đó có cây, con chủ lực.

Nhiều tham luận có tính gợi mở mang tính chiến lược cao.

Ông Hồ Xuân Hùng thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Lâm Tùng

Ông Hồ Xuân Hùng – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và PTNT Việt Nam nhất trí đưa cây lấy gỗ, cây dược liệu vào cây trồng chủ lực. Đối với chăn nuôi, cần chọn con trâu, bò thịt và bò sữa; bên cạnh đó còn có lợn và gia cầm, thủy sản...

"Thật may mắn là Nghệ An đã đi trước về khâu giống và công nghệ, có sự dẫn dắt của các doanh nghiệp. Vì vậy, Nghệ An kiên trì chính sách thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, cần rà soát lại chính sách tổ chức tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực không chỉ ở khâu chế biến, bảo quản mà ngay cả khâu xây dựng thương hiệu, xúc tiến, quảng bá sản phẩm" - ông Hùng cho biết.

Ông Nguyễn Thế Trung - Ủy viên Hội đồng lý luận TW, nguyên Phó ban Dân vận Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho rằng: Nghệ An cần rà soát quy hoạch quỹ đất lâu dài cho từng cây, con, từng sản phẩm chính, mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả và diện tích đất đồi núi dốc để trồng cây nguyên liệu đã xác định. Tạo môi trường cho các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu và tổ chức thị trường trong, ngoài nước.

"Nghệ An cần lựa chọn 7 sản phẩm chủ lực: Nhóm cây ăn quả (dứa, cam, quýt), chè, cây dược liệu, bò sữa, thủy sản, nước mắm Vạn Phần, các sản phẩm chế biến từ gỗ" - ông Nguyễn Thế Trung đề xuất.

Thu hoạch tôm ở trại tôm của ông Đậu Ngọc Mỹ, xóm 4, xã Diễn Trung (Diễn Châu). Ảnh: Xuân Hoàng

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ ông Trần Quốc Thành cho rằng: Tiêu chí lựa chọn tập trung ưu tiên 2 vấn đề chính là: Lợi thế so sánh và cơ hội thị trường. Mỗi sản phẩm cần xác định rõ thị trường chiến lược để có giải pháp xúc tiến thương mại, chiến lược sản phẩm phù hợp. Ngành nông nghiệp cần phân tích chuỗi giá trị từng đối tượng sản phẩm để từ đó tham mưu xây dựng chiến lược tác động khoa học, kỹ thuật hay chính sách hỗ trợ… nhằm tập trung ưu tiên cho các sản phẩm chủ lực và hỗ trợ các doanh nghiệp nòng cốt đầu tư vào một số khâu của sản xuất sản phẩm chủ lực.

Kỹ sư Doãn Trí Tuệ - Hội Giống cây trồng Nghệ An, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật, Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất, giai đoạn tới Nghệ An chỉ nên lựa chọn và giữ lại 7 cây, 4 con chủ lực, gồm: lúa, ngô, lạc, mía, chè công nghiệp, cam và cây dược liệu. Về con, tập trung đầu tư phát triển trâu, bò (bao gồm cả bò sữa), lợn và gà, vịt.

Cải cách hành chính để thu hút doanh nghiệp

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Hội thảo khoa học cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc xác định cây, con chủ lực của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, có ý nghĩa quan trọng đối với Nghệ An.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lâm Tùng

Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Nghệ An tới đây sẽ cân nhắc việc xác định cây, con chủ lực phải đúng là sản phẩm hàng hóa mang tính thương mại, có tỷ trọng lớn. Nếu chọn được cây, con chủ lực sẽ tạo được hiệu ứng cao đối với lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó phải coi doanh nghiệp là động lực để phát triển, đồng thời phải sản xuất áp dụng công nghệ.

Thời gian tới, Nghệ An tiếp tục thảo luận, lắng nghe các ý kiến để lựa chọn các sản phẩm chủ lực thực sự hợp lý.

Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đó là làm tốt công tác quy hoạch lĩnh vực nông nghiệp trên từng không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh; Làm tốt công tác cải cách hành chính để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vào đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Đối với lĩnh vực đầu tư, tỉnh sẽ rà soát lại nguồn ngân sách, từ đó tạo cơ chế hỗ trợ; đồng thời phát triển nguồn nhân lực trong nông nghiệp.


Đại biểu tham quan một số sản phẩm nông nghiệp trưng bày tại hội thảo. Ảnh: Lâm Tùng

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung giao Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện một bước nữa để tham mưu UBND tỉnh xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đề án phát triển cây, con chủ lực của tỉnh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư khi cân đối ngân sách trong giai đoạn 2021 - 2025 để tham mưu UBND, HĐND tỉnh quan tâm ưu tiên cân đối ngân sách hỗ trợ đầu tư cho nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là phát triển các cây, con chủ lực.

Nghệ An sẽ có thêm nhiều cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO