Nghệ An: Tiêu hủy hàng trăm tấn lợn ở huyện Thanh Chương do dịch bệnh
(Baonghean.vn) - Huyện Thanh Chương là địa phương đang "nóng" nhất trên địa bàn Nghệ An về bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện nay. Hơn 143 tấn lợn hơi của huyện này đã phải tiêu hủy do nhiễm dịch.
Anh Nguyễn Văn Niệm ở xóm Lĩnh Trường, xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương) thường xuyên rắc vôi bột phòng dịch cho đàn lợn của gia đình mình. Ảnh: Xuân Hoàng |
Ngày nào cũng có lợn nhiễm dịch
Có mặt tại xã Thanh Lĩnh vào một ngày cuối tháng 3, khi sức "nóng" về bệnh dịch tả lợn châu Phi nơi đây ngày càng trầm trọng hơn. "Nóng" là bởi, hầu hết ngày nào đội tiêu hủy lợn của địa phương cũng phải vất vả khiêng lợn chết đi tiêu hủy. Có những gia đình tiêu hủy một lúc 8 con lợn thịt, thiệt hại hàng chục triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Dần - Chỉ huy trưởng Quân sự xã Thanh Lĩnh cho biết, là lực lượng nòng cốt của địa phương trong công tác tiêu hủy lợn dịch, do vậy sáng nào anh cũng phải bố trí lực lượng đi tiêu hủy lợn, không kể nắng hay mưa, vì nếu để lâu lợn sẽ bị thối và mầm dịch phát tán.
"Lợn trọng lượng nhỏ còn đỡ, hôm nào gặp những con lợn nái nặng 1 đến 2 tạ thì vô cùng vất vả, phải 4 - 6 người mới khiêng nổi lên xe" - anh Dần chia sẻ.
Đến thôn Lĩnh Trường, xã Thanh Lĩnh vào giờ ban trưa, mặc dù trời nắng nóng, nhưng nhiều hộ dân vẫn rắc vôi bột trước cổng nhà. Anh Nguyễn Văn Niệm cho hay, gia đình hiện đang nuôi 130 con lợn choai, khi trong xóm có lợn bị nhiễm dịch, anh đã chủ động mua cả tấn vôi bột về rắc khử trùng xung quanh chuồng trại và trước cổng nhà nhằm phòng người ra vào, mang mầm dịch về nhà mình.
Số lượng lợn phải tiêu hủy do nhiễm dịch trên địa bàn huyện Thanh Chương đang ngày càng nhiều hơn. Ảnh: Quang An |
"Đàn lợn là tài sản lớn của gia đình, do vậy khi dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát tại địa phương thì gia đình rất lo lắng. Không còn cách nào khác là mình bảo vệ lấy đàn lợn bằng cách thường xuyên rắc vôi bột, kết hợp phun hóa chất khử trùng. Nếu đàn lợn nhiễm dịch thì gia đình mất toi hàng chục triệu đồng".
Theo ông Nguyễn Trường Tam - Chủ tịch UBND xã Thanh Lĩnh cho biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát trên địa bàn huyện từ tháng 2 lại nay; riêng địa bàn xã, hiện đã lây lan ra 6/6 thôn của xã, hầu hết ngày nào cũng có người dân báo có lợn bị ốm chết. Tổng số lợn tiêu hủy đến hết ngày 30/3 trên 6 tấn. Do vậy, hiện nay địa phương xem công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi lên hàng đầu.
Ngoài lập 3 chốt kiểm soát dịch, còn có tổ kiểm soát lưu động, thường xuyên tuần tra ngăn chặn không cho người dân vận chuyển lợn ra vào địa bàn. Trong tháng 3 này, tổ tuần tra đã phát hiện 3 vụ vận chuyển lợn ra vào địa bàn có dịch, xã đã xử phạt hành chính 3,5 triệu đồng.
Tại xã Thanh Tùng, bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng tái phát trong những ngày cuối tháng 3. Ông Phan Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã lo lắng, trong khi điều kiện của xã còn khó khăn thì dịch lại tái phát. Tuy nhiên xã cũng bố trí lực lượng và nguồn lực để phục vụ công tác phòng chống dịch một cách khẩn trương nhất. "Người nông dân chăn nuôi lợn là một trong những nguồn thu nhập chính, do vậy nếu không bảo vệ được đàn lợn, nhiều gia đình sẽ phải tiêu hủy cả đàn lợn, thiệt hại hàng chục triệu đồng; tình hình kinh tế - xã hội của địa phương cũng ảnh hưởng" - ông Phan Văn Dũng lo lắng.
Nguyên nhân dịch tái bùng phát
Báo cáo của UBND huyện Thanh Chương cho thấy, từ ngày 01/1/2021, bệnh dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát trên địa bàn huyện, nhưng lây lan mạnh nhất kể từ tháng 2 lại nay. Tính đến ngày 30/3 bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 658 hộ, thuộc 84 thôn, bản của 32/38 xã, số lượng lợn bị chết tiêu hủy hơn 143 tấn.
Những con lợn nái nặng hàng tạ bị chết do nhiễm dịch trên địa bàn xã Thanh Lĩnh. Ảnh: Quang An |
Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Ngay sau khi bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát trên địa bàn huyện, UBND huyện đã kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch từ huyện đến xã. Theo đó phương châm "4 tại chỗ" đã được các xã triển khai.
Theo ông Thanh, nguyên nhân bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh trên địa bàn huyện là do trên địa bàn huyện chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, khó áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng dịch, an toàn sinh học trong chăn nuôi.
Sau tết Nguyên đán, người dân tái đàn lợn nhưng nhiều hộ không áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Công tác tiêu độc khử trùng chưa được quan tâm đúng mức. Công tác kiểm soát giết mổ không được quản lý chặt chẽ.Khi xảy ra dịch bệnh không khai báo với chính quyền địa phương cũng như cơ quan thú y để xử lý, gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch, làm thiệt hại kinh tế đến người chăn nuôi. Thời tiết diễn biến thất thường làm các nguồn nước, phân, chất thải phát tán ra môi trường, theo các kênh, mương, ao, hồ cũng là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh.
Từ khi dịch tái bùng phát đến nay, huyện đã đề nghị tỉnh cấp hàng nghìn lít hóa chất khử trùng, cấp phát cho các xã phun tiêu độc khử trùng. Các xã có dịch sử dụng ngân sách dự phòng để mua thêm vật tư, dụng cụ... để phục vụ công tác tiêu hủy lợn, phòng chống dịch. Người chăn nuôi chủ động mua vôi bột để rắc khu vực xung quanh chuồng trại, trước cổng nhà.
Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là ý thức của một bộ phận người dân trong công tác phòng dịch còn kém. Đó là qua lại trong vùng có dịch; có những trường hợp vứt xác lợn chết ra sông suối, từ đó mầm bệnh lây lan rộng.
Khó khăn chồng chất khó khăn khi các địa phương không còn đội ngũthú ycấp xã, nên công tác lấy mẫu xét nghiệm và chẩn đoán bệnh cho lợn ốm rất bất cập. Nhiều xã không thuê nổi người tiêm phòng vắc xin vụ xuân. Trong khi đó, lực lượng thú y cấp huyện mỏng, không thể đáp ứng nổi trong điều kiện bệnh dịch bùng phát mạnh trên địa bàn huyện như hiện nay. Đây là trở ngại lớn đối với các địa phương trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi hiện nay.
"Trong thời gian tới, thời tiết chuyển mùa; công tác tiêu độc khử trùng chưa thường xuyên; chăn nuôi ít áp dụng các biện pháp an toàn sinh học; bệnh lây lan qua rất nhiều con đường như thức ăn, nước uống, vận chuyển, giết mổ... Do đó, nguy cơ dịch có thể sẽ tiếp tục lây lan và bùng phát trên diện rộng trong thời gian tới là rất cao"
Huyện Thanh Chương có đàn lợn lớn nhất tỉnh, với khoảng 110 nghìn con. Do vậy, vấn đề "nóng' nhất hiện nay đối với địa phương là phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân, giảm chi phí ngân sách cho các địa phương.