Nghệ An: Xã cho thuê nhà văn hóa lấy tiền cho cán bộ... đi du lịch
(Baonghean) - Xã Nghĩa Mỹ cho một doanh nghiệp thuê nhà văn hóa suốt gần 1 năm nhưng không nộp số tiền hơn 100 triệu đồng thu được vào ngân sách mà chi vào mục đích riêng, trong đó có việc cho cán bộ đi du lịch.
Tháng 11/2016 và tháng 9/2017, xã Nghĩa Mỹ (thị xã Thái Hòa), đã ký 2 hợp đồng kinh tế với Công ty TNHH Hi-tex thuê nhà văn hóa đa chức năng của xã trong thời gian 11 tháng để làm địa điểm dạy nghề cho công nhân. Tổng số tiền thu được từ các hợp đồng này là 118 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền này xã đã không đưa vào sổ sách kế toán mà đưa vào sổ sách công đoàn xã theo chủ trương của Ban Thường vụ Đảng ủy xã Nghĩa Mỹ.
Việc cho doanh nghiệp thuê trụ sở là trái với quy định về Luật Quản lý tài sản. Trong khi đó, số tiền thu được từ việc cho thuê trụ sở cũng không được xã này đưa vào ngân sách mà còn lập hồ sơ khống để rút tiền tại Kho bạc Nhà nước.
Nhà văn hóa xã Nghĩa Mỹ được cho doanh nghiệp thuê suốt 11 tháng. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong tổng số 118 triệu đồng mà công ty này trả cho xã Nghĩa Mỹ, có 88 triệu đồng tiền mặt, 30 triệu đồng công ty này chuyển khoản vào Kho bạc Nhà nước. Để rút 30 triệu này, xã Nghĩa Mỹ đã lập hồ sơ, chứng từ khống với danh nghĩa “Đổ san lấp mặt bằng khuôn viên phía sau UBND xã Nghĩa Mỹ” nhưng thực tế không thi công. Cơ quan cung cấp hóa đơn là Công ty CP Tư vấn xây dựng Linh Quân.
Về số tiền 118 triệu đồng này, bà Cao Thị Hường - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mỹ thời điểm đó nói rằng, xã đã chi 40,5 triệu đồng cho cán bộ xã, xóm đi tham quan mô hình kinh tế; chi 30 triệu đồng cho cán bộ, đoàn viên công đoàn đi nghỉ tại thị xã Cửa Lò; 10 triệu chi cho đại hội công đoàn nhiệm kỳ 2017 - 2021 và 4,5 triệu đồng mua hóa đơn phục vụ việc lập khống hồ sơ để rút tiền tại kho bạc. Còn 33 triệu vẫn chưa sử dụng hết ở quỹ của công đoàn.
Một đoạn mương thuộc dự án trạm bơm. |
“Thời điểm đó tôi không nghĩ việc đó là sai. Lúc đầu doanh nghiệp bảo chỉ thuê vài tháng, tiền thuê cũng ít nên xã quyết định như vậy. Chúng tôi cũng chỉ muốn lấy số tiền đó để cho cán bộ đi du lịch, động viên anh em làm việc. Mà để đi du lịch cần có tiền mặt nên mới lập hồ sơ khống rút tiền. Tôi không hề tư túi một đồng nào”, bà Hường phân trần với phóng viên Báo Nghệ An. Hiện nay, bà đã nghỉ hưu được một tháng. “Bây giờ tôi chấp nhận bị kỷ luật”, bà nói thêm.
Hành vi của lãnh đạo xã Nghĩa Mỹ chỉ bị phát giác khi Chủ nhiệm hợp tác xã của xã này làm đơn tố cáo. Vào cuộc tìm hiểu, Thanh tra tỉnh Nghệ An đã kết luận, Thường vụ Đảng ủy xã Nghĩa Mỹ không đưa số tiền 118 triệu đồng vào ngân sách là trái với quy định của pháp luật. Còn việc Công ty CP Tư vấn và xây dựng Linh Quân (trụ sở tại xã Đông Hiếu, Thái Hòa) cung cấp hóa đơn không đúng thực tế cho xã Nghĩa Mỹ là vi phạm các quy định của pháp luật về thuế. Đến nay, UBND thị xã Thái Hòa đã ban hành quyết định thu hồi số tiền 67,5 triệu đồng đã chi sai về Ngân sách nhà nước.
Không chỉ có sai phạm liên quan đến cho thuê trụ sở trái quy định, trong thời gian bà Hường làm Chủ tịch UBND xã, xã Nghĩa Mỹ còn có nhiều việc bất minh khác.
Cụ thể, tháng 11/2013, UBND thị xã Thái Hòa phê duyệt báo cáo kỹ thuật của dự án Trạm bơm tưới tiêu Gò Đăng - Đồng Máy - Thịnh Mỹ ở xã Nghĩa Mỹ. Quy mô đầu tư của dự án này là 45 ha. Tuy nhiên, theo ông Đinh Bạt Thảo - cán bộ thẩm định của Phòng Kinh tế UBND thị xã Thái Hòa, khi lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, đơn vị tư vấn đã nâng lên 45 ha để xin vốn, trên thực tế diện tích tưới của dự án chỉ khoảng 15 - 17 ha. Tuy nhiên, mới đây UBND thị xã Thái Hòa đã xác minh, đo đạc thực tế của diện tích có thể tưới khi công trình hoàn thiện là 9,928 ha và công suất thực tế của máy bơm có lưu lượng tưới từ 10 - 15 ha. Như vậy, việc lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật về quy mô dự án tưới cho 45 ha là không có cơ sở, báo cáo về quy mô dự án là không đúng sự thật.
Quá trình thi công dự án này cũng còn tồn tại bất cập là đầu tuyến mương thấp hơn cuối tuyến mương 0,44m. Sau khi phát hiện, chủ đầu tư và đơn vị thi công đang phải khắc phục bằng cách xây gạch nâng độ cao hai bên thành mương đầu tuyến kênh chính. Đến nay, công trình vẫn đang thi công dở dang, chưa được tổng nghiệm thu A-B, chưa được quyết toán vốn hoàn thành nên công dân cho rằng, việc nâng khống diện tích tưới, để nâng giá trị công trình và rút tiền ngân sách là chưa có cơ sở.
Giải trình về vấn đề này, bà Cao Thị Hường cho rằng, do không có chuyên môn kỹ thuật về ngành điện và xây dựng nên xã thuê đơn vị tư vấn, thiết kế, đơn vị tư vấn giám sát và đơn vị chức năng thẩm định. Bà Hường cho rằng, bản thân không lợi dụng để chiếm đoạt số tiền nói trên vào mục đích cá nhân hay làm sai lệch các thông số của dự án để trục lợi tiền của Nhà nước. Mặc dù vậy, với những sai phạm nói trên, trách nhiệm thuộc về UBND xã Nghĩa Mỹ mà đứng đầu là Chủ tịch xã Cao Thị Hường và các cá nhân, tập thể liên quan, trong đó có Trưởng phòng Tài chính thị xã Thái Hòa và Chủ tịch UBND thị xã Thái Hòa trong giai đoạn này.
Trước những sai phạm này, UBND tỉnh Nghệ An đã giao thị xã Thái Hòa thu hồi số tiền còn lại về tài khoản tạm giữ của UBND thị xã để chờ xử lý các bước tiếp theo. Đối với trạm bơm, yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu khắc phục những tồn tại, bất cập, tổ chức nghiệm thu theo đúng khối lượng thực tế thi công. Tổ chức kiểm điểm, nghiêm túc với những khuyết điểm và có hình thức phù hợp với các cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm.
Ngoài ra, thị xã Thái Hòa cũng phải có hình thức xử lý kỷ luật đối với Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mỹ Cao Thị Hường và các cá nhân liên quan đối với những sai phạm nói trên. Ngoài ra, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế; đơn vị giám sát và thi công công trình trạm bơm Gò Găng - Đồng Máy -Thịnh Mỹ. Cục thuế Nghệ An cũng cần có biện pháp xem xét, xử lý Công ty CP Tư vấn và xây dựng Linh Quân về hành vi cung cấp hóa đơn không đúng thực tế cho UBND xã Nghĩa Mỹ.