Nghề trồng lá dong gói bánh 'lên ngôi' ở xã vùng Bắc Nghệ
(Baonghean.vn) - Giống cây lá dong vườn được người dân ở xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu bắt đầu trồng tự phát khá lâu, nhưng nay đã thành cây đưa lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân.
Lá dong được dùng gói bánh. Gia đình ông Nguyễn Bá Quỳnh ở xóm 2, xã Quỳnh Thạch là một trong số nhiều hộ trồng cây lá dong lâu năm ở xã Quỳnh Thạch. Ông Quỳnh cho biết: Dong là loại cây dễ tính, sống khỏe, mọc mang tính hoang dã và ưa bóng mát.
Vì vậy, ông thường chọn ở những nơi có tán mát che phủ trong vườn nhà và đào các rãnh thấp hơn so với mặt đất từ 30 - 40 cm để trồng dong. Qua đó, nhằm tạo độ ẩm thường xuyên trong đất, giúp cây sinh trưởng nhanh. Mỗi năm, ông chỉ cần bón phân đạm một lần là cây luôn luôn xanh tốt.
Lá dong được người dân Quỳnh Thạch tỉa bán quanh năm. |
Bên cạnh đó, cây lá dong có ưu điểm sạch sâu bệnh, phía dưới gốc không có cỏ dại mọc nên rất ít tốn công chăm sóc và chi phí đầu tư. Lá dong nhà có đặc tính xanh, dày, dẻo khi dùng để gói bánh không bị gãy, không rách, dễ gói.
Chính vì thế, lá dong của ông luôn chạy hàng, các thương lái tìm đến tận vườn thu mua bán cho các hộ làm các loại bánh. Với diện tích 300 m3 trồng dong nhưng cây cho gia đình ông thu hoạch lá quanh năm. Vào những ngày bình thường ông bán với giá 60 nghìn đồng/100 lá dong, còn vào dịp Tết thì 100 lá có giá lên đến 200 nghìn đồng.
Còn đối với chị Nguyễn Thị Nga ở xã Quỳnh Thạch chia sẻ: Với 250 m2 trồng lá dong nhưng luôn đủ để phục vụ nghề làm bánh gạo tẻ của gia đình và còn có bán ra thị trường. Những ngày thường trong năm có đơn đặt hàng thì chị cắt lá dong đủ gói từ 500 - 1.000 chiếc bánh lá. Để lá dong phát triển tốt, tươi xanh đáp ứng cho việc làm nghề thì chị thường xuyên tưới nước, giúp cây hấp thụ tốt chất dinh dưỡng trong đất. Đồng thời, dọn sạch những lá khô dưới gốc tạo độ thông thoáng giữa các cụm dong với nhau.
Các hộ trồng dong thường dọn những lá khô dưới gốc, tạo độ thông thoáng giữa các cụm với nhau. |
Hàng năm, đến tháng 8 âm lịch chị lại dừng việc cắt lá làm bánh để chăm sóc, bón phân lân cho lá to, dài nhằm phục vụ nhu cầu của người dân gói bánh chưng trong dịp Tết. Theo chị Nga, gói bánh bằng lá dong nhà thì bánh sẽ cho màu xanh tự nhiên rất đẹp mắt và có vị thơm hấp dẫn sau khi luộc chín. Chính vì vậy, lá dong này vào Tết thường đắt gấp nhiều lần so với lá dong rừng. Nhờ đó, cho gia đình chị thu nhập cao vào dịp Tết.
Phần lớn diện tích cây dong đều được người dân Quỳnh Thạch trồng dưới tán các loại cây xanh trong vườn nhà, nhằm hạn chế ánh nắng mặt trời làm cháy lá. Đây là cây ưa độ ẩm cao, đẻ nhánh khỏe, mỗi năm một cây có thể đẻ ra hàng chục nhánh, mỗi nhánh cho thu hoạch từ 5 - 6 tàu lá.
Đặc biệt, chỉ cần trồng một lần dong cho thu hoạch lá hàng chục năm. Đối với xã Quỳnh Thạch, việc trồng dong không chỉ bán ra thị trường mà còn đáp ứng tốt nhu cầu về lá để phục vụ nghề làm bánh lá truyền thống của địa phương. Hiện xã đang có kế hoạch xây dựng làng nghề làm bánh lá ở xóm 1 và 2. Do vậy, các cấp, các ngành tích cực khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích, đáp ứng nguồn nguyên liệu lá tại chỗ.
Phần lớn diện tích dong được người dân lựa chọn trồng dưới tán cây mát. |
Ông Trần Văn Cương - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thạch cho biết:Trước hết, UBND xã giao cho HTX quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, kể cả là khu vực trồng lá dong để phục vụ gói bánh và bán ra thị trường dịp Tết.
Cây dong được người dân trồng và tỉa bán quanh năm. Nếu như những năm trước đây, mỗi khi thu hoạch xong người dân Quỳnh Thạch phải mang đi chợ để tiêu thụ thì hiện nay do dong rừng khan hiếm, nhu cầu cao nên người dân địa phương lại có thu nhập tốt từ cây trồng này.
(Baonghean.vn) - Để khai thác có hiệu quả những tiềm năng thế mạnh của địa phương, vụ đông năm nay huyện Anh Sơn đã chỉ đạo đưa vào trồng thử nghiệm 23 ha giống khoai tây Marabel của Đức theo mô hình liên kết “4 nhà”.Anh Sơn xây dựng mô hình trồng khoai tây Đức