Nghĩa Đàn- Thái Hòa: Tập trung các biện pháp đối phó bệnh chân-tay-miệng
Đứng trước nguy cơ bệnh dịch chân-tay-miệng lây lan nhanh chóng, là các địa phương ở vị trí nhạy cảm, giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa - nơi căn bệnh này đang có diễn biến khó lường với một trường hợp trẻ được ghi nhận tử vong, hiện huyện Nghĩa Đàn và Thị xã Thái Hòa (Nghệ An) đang nỗ lực dồn sức cho công tác truyền thông và phòng chống dịch bệnh.
(Baonghean) - Đứng trước nguy cơ bệnh dịch chân-tay-miệng lây lan nhanh chóng, là các địa phương ở vị trí nhạy cảm, giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa - nơi căn bệnh này đang có diễn biến khó lường với một trường hợp trẻ được ghi nhận tử vong, hiện huyện Nghĩa Đàn và Thị xã Thái Hòa (Nghệ An) đang nỗ lực dồn sức cho công tác truyền thông và phòng chống dịch bệnh.
Đây cũng là 2 địa phương đứng đầu tỉnh Nghệ An về số lượng bệnh nhân mắc bệnh với 22 trường hợp (tính từ trường hợp mắc bệnh đầu tiên vào ngày 25/7) trên tổng số 13 xã ở Nghĩa Đàn và 18 trường hợp (tính từ trường hợp đầu tiên vào ngày 18/6) trên tổng số 5 xã phường ở Thị xã Thái Hòa.
Bệnh nhi bị chân tay miệng đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Khu vực Tây Bắc.
Được biết, các trường hợp mắc bệnh trong tháng 6, 7 và đầu tháng 8 mới rải rác ở từng địa phương vào các thời điểm khác nhau. Nhưng gần đây đã xuất hiện 2 trường hợp trẻ cùng mắc tại một địa phương ở xã Nghĩa Liên, Nghĩa Đàn (tại 2 cơ sở mầm non khác nhau) và đặc biệt hơn, trong ngày 17/8 vừa qua, tại cơ sở mầm non phân hiệu Đông Hưng (xóm Đông Hưng, xã Nghĩa Mỹ, Thị xã Thái Hòa) đã ghi nhận 5 trẻ mắc bệnh. Cơ sở mầm non này có khoảng 2 lớp học với tổng số trẻ theo học khoảng 60 cháu.
Ngoài ra, tại khoa Truyền nhiễm-Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc cũng đang tiếp nhận điều trị 15 trường hợp bệnh nhi chân-tay-miệng, trong đó có 9 trường hợp đến từ T.X Thái Hòa, 5 trường hợp đến từ huyện Nghĩa Đàn và 1 đến từ huyện Quỳ Hợp. Còn lại các trường hợp khác đang được theo dõi, điều trị và giám sát tại cộng đồng. Hầu hết các trường hợp ghi nhận mắc bệnh chân-tay-miệng đều ở dạng nhẹ, chưa có trường hợp nào biến chứng.
Những ban nước nổi trên da là một biểu hiện của căn bệnh này.
Tuy nhiên, trước những diễn biến có phần phức tạp của bệnh dịch tại 2 địa phương trên, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng cũng đã có những chỉ đạo sát sao, phối hợp với 2 địa phương tích cực trong công tác phòng chống sự lây lan của bệnh. Trong ngày hôm nay (19/8) Trung tâm đã cử cán bộ xuống làm việc tại 2 huyện, thị kể trên, tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhi, đặc biệt là của các trường hợp thuộc nhà trẻ Đông Hưng gửi ra Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm và chờ kết luận.
Trao đổi với chúng tôi, anh Cao Văn Kỳ - Trưởng khoa Kiểm soát dich bệnh, Trung tâm Y tế Nghĩa Đàn cho hay: Từ khi phát hiện ra ca bệnh đầu tiên, chúng tôi đã có những tham mưu cho Phòng Y tế và UBND huyện ra công văn chỉ đạo theo dõi, giám sát tình hình bệnh dịch chặt chẽ tại các địa phương. Hoạt động giám sát được cập nhật từng ngày và liên tục có những báo cáo lên Sở Y tế để xin hướng chỉ đạo, hướng xử lý, điều trị. Đối với trường hợp 2 trẻ bị mắc ở xã Nghĩa Liên, chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền, đồng thời thực hiện ngừng tiếp nhận trẻ ở hai lớp mầm non có 2 cháu mắc bệnh trong thời gian 10 -14 ngày, xử lý tẩy trùng các đồ dùng trong lớp. Hiện các trường hợp mắc bệnh ở Nghĩa Đàn cũng đã dần ổn định.”
Công tác giám sát, chăm sóc bệnh nhân được đẩy mạnh tại BV Đa khoa
Khu vực Tây Bắc.
Tại TX Thái Hòa, công tác phòng chống bệnh chân tay miệng cũng “nóng” hơn bao giờ hết, nhất là sau khi ghi nhận 5 trường hợp trẻ cùng bị mắc tại cơ sở mầm non Đông Hưng. Bác sỹ Lưu Đình Cừ - Trưởng phòng Y tế Thị xã cho biết: “ Mặc dù chưa có kết luận ổ dịch, nhưng chúng tôi đã xử lý ở cơ sở mầm non Đông Hưng như một ổ dịch. Ngay sau khi phát hiện, chúng tôi đã cử cán bộ y tế xuống xã, tổ chức tuyên truyền một buổi cho bà con và các cô giáo của trường các kiến thức phòng, phát hiện và trị bệnh; phối hợp với Đài PTTH Thị xã phát sóng một chương trình truyền thông về bệnh dịch này. Đồng thời tổ chức đóng cửa trường học này trong vòng 10 ngày và thực hiện các biện pháp tẩy trùng theo quy định. Bên cạnh công tác chỉ đạo quyết liệt, chúng tôi cũng đẩy mạnh truyền thông để một mặt khống chế sự lây lan trong cộng đồng, mặt khác cũng để bà con không quá lo lắng trước tình hình này, gây ảnh hưởng không tốt đến đời sống, sinh hoạt.”
Ông Phan Văn Công - Trưởng phòng Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An - hiện đang trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bệnh dịch này tại 2 huyện, thị cũng cho chúng tôi hay, hiện tình hình bệnh dịch tại các địa phương khác đang khá ổn định. Tại Bệnh viện Nhi Nghệ An, tới chiều qua cũng mới ghi nhận có 4 trường hợp vào điều trị. Dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm cũng đã phổ biến tới cơ sở về phác đồ giám sát, xử lý bệnh, chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất trang thiết bị để sẵn sàng đối phó nếu có công bố dịch. Đặc biệt chú trọng giám sát ở các cơ sở nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học… khi mà mùa tựu trường vừa mới bắt đầu.
Box: Bệnh chân-tay-miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Có 2 nhóm tác nhân chính gây bệnh là virus A16 và EV71. Biểu hiện bệnh: Tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước và các vị trí đặc biệt: lòng bàn tay, chân, mông, gối…Có thể biến chứng nguy hiểm như : viêm màng não, viêm phổi, phù phổi cấp, viêm cơ tim…Gặp ở mọi lứa tuổi và nhiều ở trẻ dưới 5 tuổi. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 33.000 trường hợp mắc bệnh, trong đó có trên 80 trường hợp tử vong chủ yếu ở các tỉnh thành phía Nam.
Thùy Vinh