Ngô Quang Trường – Những khoảnh khắc đáng nhớ!
(Baonghean) - Ngô Quang Trường sinh năm 1972, tại Hưng Nguyên - Nghệ An, trong một gia đình có truyền thống bóng đá (chú ruột là cựu danh thủ Thể Công, Ngô Xuân Quýnh). Anh cùng lứa với Nguyễn Hữu Thắng, Phan Thanh Tuấn, Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Tiến Quang, Văn Sỹ Sơn... là "thế hệ vàng" của SLNA. Năm 1989, Ngô Quang Trường được đôn lên đội 1 ở độ tuổi 17. Năm 1996, lần đầu tiên được triệu tập vào thành phần đội tuyển quốc gia.
Với dáng người đậm, nước da bánh mật, Ngô Quang Trường trông giống một vận động viên Boxing, hay đấu vật hơn là cầu thủ bóng đá. Khoác chiếc áo 11 quen thuộc, thi đấu ở vị trí sở trường là tiền vệ cánh phải, Trường "trâu" như một chiếc máy ủi có gắn động cơ của chiếc xe F1 lao vun vút, cuốn phăng mọi vật cản, tạo thành một cơn lốc bên hành lang cánh phải của SLNA.
Ngày đó, mỗi lần Quang Trường bứt tốc, hay nã đại bác từ xa là cả sân reo phấn khích. Tuy chiều cao cũng chỉ mức khá, nhưng Trường "trâu" rất lợi hại trong những pha đánh đầu, mỗi lần SLNA được hưởng phạt góc, những quả phạt cố định, những pha treo bóng từ biên là người ta lại thấy số 11 băng cắt, tì đè, lắc đầu giữa rừng cầu thủ hai đội.
Giai đoạn Nguyễn Hữu Thắng chưa giải nghệ (trước 1999), chiếc băng đội trưởng và vai trò thủ lĩnh thuộc về trung vệ thép mang áo số 4. Khi đó, Quang Trường là một chú ong chăm chỉ, cần mẫn trên sân. Ngày Hữu Thắng từ giã sự nghiệp quần đùi áo số, người hâm mộ chưa kịp lo về cảnh đội bóng như rắn mất đầu thì Quang Trường đã lĩnh ấn và làm an lòng tất cả.
Cùng chiếc băng đội trưởng, Trường "trâu" thi đấu vô cùng xông xáo, anh lên công về thủ, hò hét các đồng đội gắng lên. Nhiều lúc, khán giả và đối phương chẳng biết Quang Trường thi đấu ở vị trí nào trên sân, khi anh xuất hiện tại mọi điểm nóng. Trận nào cũng vậy, bóng lăn vài phút là đã thấy Trường "trâu" mồ hôi nhễ nhại, áo quần lấm lem, liên tục xông pha khắp mặt sân. Đó là hình ảnh một người đội trưởng giản dị, chân chất và rất nhiệt.
Mặc dù, được đánh giá là mẫu cầu thủ thiên về sức mạnh nhưng Ngô Quang Trường lại khiến mọi người không thể quên bàn thắng tinh tế khi anh lốc bóng qua đầu cố thủ môn Đỗ Thành Tôn (CAHN) trên sân Hàng Đẫy; hay là pha vô - lê nhanh như điện tung lưới đội bóng Thủ đô sau pha lật cánh điệu nghệ của Văn Sỹ Hùng. Bàn thắng đó được xem là một trong những siêu phẩm ở giải vô địch quốc gia. Ai bảo Trường "trâu" không biết chơi hoa mỹ ?!.
Ký ức của người hâm mộ xứ Nghệ về Ngô Quang Trường nhiều lắm. Nhưng có một kỷ niệm mà ai cũng phải nhớ đến đầu tiên khi nhắc đến anh. Trận lượt đi, giải vô địch quốc gia 1998, trong trận đấu giữa SLNA - Thể Công, trên sân Vinh, Ngô Quang Trường đã đánh thẳng vào mặt Nguyễn Hải Biên (Thể Công) trong một pha bóng lộn xộn trong vòng cấm địa. Chẳng cần phân bua, xin xỏ, tiền vệ mang áo số 11 tiến thẳng về phía đường hầm sân Vinh.
Báo chí, dư luận đã phỉ báng, Liên đoàn bóng đá Việt Nam treo giò anh mấy tháng trời, nhưng người hâm mộ xứ Nghệ chẳng ai trách anh nửa lời. Rồi cái ngày định mệnh ấy cũng đến, trong trận đấu giữa Hòa Phát Hà Nội với SLNA, thuộc vòng 2 cúp Quốc Gia, Quang Trường đã ghi bàn vào lưới đội bóng cũ. Anh không ăn mừng như thường lệ, người hâm mộ chứng kiến bàn thua đó cũng không quá buồn, vì trong sâu thẳm trái tim họ, SLNA luôn hiện hữu. Đó là những khoảnh khắc mà tôi cũng như rất nhiều người hâm mộ xứ Nghệ không bao giờ quên.
Ngô Quang Trường chia tay SLNA sau 14 năm cống hiến cho màu áo đội bóng quê hương (1989 - 2003), với rất nhiều danh hiệu cao quý: 2 chức vô địch quốc gia, 1 chức vô địch giải tập huấn mùa xuân, 1 cúp quốc gia, 1 cúp Dunhill, 2 chức vô địch giải bóng đá trong nhà... Anh được xem là một biểu tượng của bóng đá xứ Nghệ.
Trong màu áo Đội tuyển Việt Nam, Quang Trường thi đấu không để lại nhiều ấn tượng, đây chính là nốt trầm trong sự nghiệp cầu thủ của Trường "trâu".
Năm 2015, Ngô Quang Trường đã tiếp quản chiếc ghế HLV trưởng do Nguyễn Hữu Thắng trao lại, giống như cái cách mà anh tiếp quản chiếc băng đội trưởng mà đồng đội của mình trao lại 16 năm về trước. Người hâm mộ xứ Nghệ đang nghĩ về cuộc chuyển giao Thắng- Trường là cuộc chuyển giao "thắng- dài" của đội bóng SLNA.
Lê Thanh Hưng
(Chi Khê – Con Cuông)