Ngọt ngào những mùa ong
(Baonghean) - Xã Tây Hiếu (Thị xã Thái Hòa) có trên 5 ha cà phê, trên 6 ha cao su và nhiều diện tích cây ăn quả khác là lợi thế để bà con nơi đây phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Cũng nhờ từ nghề này mà nơi đây ngày càng trù phú.
Con đường nhựa ngoằn ngoèo chạy dài hun hút dưới những lô cà phê, cao su bát ngát một màu xanh đã đưa chúng tôi đến xã Tây Hiếu, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của nghề nuôi ong lấy mật. Ông Hoàng Thanh Thục ở xóm Phú Tân đang nâng niu chăm sóc những cầu ong. Hàng chục cầu ong được ông đặt thẳng tăm tắp dưới bạt ngàn hoa nhãn trắng ngà thơm man mác, vo ve là những đàn ong đang hút nhuỵ tạo vẻ gần gũi giao hoà của thiên nhiên và con người. Ông Thục tâm sự: Vùng đất đỏ màu mỡ này từ xuân sang hạ là hàng trăm loài hoa đua nở, nhưng nhiều nhất là hoa cà phê, hoa nhãn, vải, cao su... Ban đầu người dân chỉ nuôi ong mật tận dụng nguồn hoa trong vùng để phục vụ nhu cầu gia đình. Nhưng do nhu cầu thị trường nên từ những năm 2000 trở lại nay, nhiều hộ ở Tây Hiếu đã chuyển sang nuôi ong mật tập trung. Và nhờ từ nghề nuôi ong lấy mật mà vùng quê đang ngày càng khởi sắc.
Ông Hoàng Thanh Thục ở xóm Phú Tân, xã Tây Hiếu bên những cầu ong.
Được biết ban đầu gia đình ông Thục chỉ nuôi 2 cầu ong, nhưng đến thời điểm này gia đình ông đã nuôi đến 25 cầu ong. Ông Thục chia sẻ thêm: Nghề này cũng lắm công phu, cứ như nuôi con mọn, đầu tiên phải xác định được “vựa hoa” để mà đặt cầu ong hợp lý, nguồn hoa phải luôn dồi dào mật mới đạt chất lượng. Loài ong mẫn cảm với môi trường, nếu gặp vựa hoa có thuốc sâu, thuốc kích thích là ong chết rả. Chưa kể là gặp trời quá nóng đàn ong cũng bỏ đi, nếu quá lạnh ong tự ăn mật rồi chết dần. Chẳng thế mà mùa hè nắng nóng các cầu ong của gia đình ông Thục đều được đặt dưới gốc nhãn, gốc cam, xoài che bóng mát, kế bên là những bể nước để “hạ nhiệt” cho những cầu ong. Người nuôi ong còn phải canh ấu trùng, những con vật thích ăn ong như thằn lằn, rắn mối …
Theo như ông Thục thì nuôi ong nếu “xuôi chèo mát mái” tính ra rất kinh tế. Từ tháng 2 cho đến tháng 7 âm lịch đều cho thu hoạch mật, mỗi cầu ong được 10 kg, cả năm thu hoạch trên 250 kg mật ong, bán với giá 240.000 đ/kg có thể thu về trên 60 triệu đồng/năm. Chưa kể là ông Thục còn tạo chúa chia đàn, mỗi vụ ong bán thu về từ 60-70 tổ ong mới chia đàn, mỗi tổ trên 1 triệu đồng, tính ra mỗi năm thu từ nuôi ong được gần 130 triệu đồng. Nhờ từ nghề nuôi ong lấy mật mà gia đình ông Thục cải thiện được cuộc sống, có tiền tích luỹ nuôi con ăn học và đầu tư trồng được hơn 1 ha cây cao su. Không chỉ làm giàu từ ong mà ông Thục còn giúp bà con trong vùng về giống, kinh nghiệm kỹ thuật nuôi ong để cùng xoá đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu từ nghề này.
Trong căn nhà khang trang đầy đủ tiện nghi, ông Phạm Văn Minh cũng ở xóm Phú Tân bộc bạch: “Năm nay cà phê mất mùa, rớt giá thảm hại, nhiều hộ trắng tay nhưng nhờ có những cầu ong để cải thiện cuộc sống. Gia đình tôi nuôi hơn 10 cầu ong, tính cả chi phí bán mật và tạo ong chúa san gạt cũng thu được trên 60 triệu đồng”. Theo ông Minh thì nghề nuôi ong ở Tây Hiếu rất thuận lợi, nguyên liệu gỗ đóng cầu ong chủ yếu gỗ tạp khá rẻ, ngoài “vựa hoa” dồi dào thì bà con Tây Hiếu có nhiều kinh nghiệm trong nghề nuôi ong mật. Ông Minh nói thêm: Nuôi ong lấy mật rất hữu ích, vừa có các sản phẩm, mật ong, sữa ong chúa để dùng và bán ra thị trường thì nuôi ong còn tăng hiệu quả kinh tế do ong giúp làm tăng khả năng thụ phấn cho cà phê, nhãn, vải…
Được biết, xóm Phú Tân đã thành lập được Câu lạc bộ nuôi ong Tân Phú với trên 140 hộ dân tham gia, có khoảng trên 800 đàn ong, mỗi năm sản xuất được trên 4 tấn mật ong, riêng tiền bán mật ong thu gần 1 tỷ đồng, chưa kể tiền bán ong tách đàn mới từ 500- 600 triệu đồng. Nhờ từ nghề nuôi ong mà cuộc sống của người dân Phú Tân ngày càng thay da đổi thịt.
Ông Kiều Đình Lâm - Bí thư Đảng uỷ xã Tây Hiếu nói thêm: Xã có 2 câu lạc bộ nuôi ong là Câu lạc bộ nuôi ong Tân Phú và Câu lạc bộ nuôi ong Thuận Phú có khoảng trên 1.200 đàn ong. Tổng doanh thu tiền bán mật ong và tiền bán tách đàn ong mới đạt doanh thu từ 2,5 đến 3 tỷ đồng. Vấn đề đầu ra khá ổn định, chủ yếu phục vụ thị trường trong tỉnh và một số ngoại tỉnh như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hoá, Hà Nội …
Tuy Tây Hiếu thuận lợi trong nghề nuôi ong nhưng xã vẫn còn gặp những khó khăn , nhất là khi muốn mở rộng quy mô thì gặp không ít khó khăn về vốn, về kỹ thuật và đầu ra ổn định. Vì vậy, người nuôi ong ở Tây Hiếu rất cần được Nhà nước cho vay vốn để phát triển đàn ong, cần có những định hướng để phát triển nghề nuôi ong, từ đó có chính sách ổn định giá để người nuôi ong mạnh dạn phát triển mở rộng đàn ong, tăng thu nhập và làm giàu bền vững.
Văn Trường