Người chăn nuôi Nghệ An chủ động phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi

Xuân Hoàng - Quang An 27/02/2019 10:53

(Baonghean.vn) - Những ngày này, người chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh lại “nóng” trước thông tin dịch tả lợn châu Phi vừa xuất hiện tại một số tỉnh lân cận Nghệ An. Nhiều trang trại đã có phương án để chủ động phòng ngừa dịch bệnh này.

Chủ động phòng dịch tại chuồng trại

Gia đình ông Nguyễn Trọng Hữu ở xóm Đồng Thịnh, xã Kỳ Sơn (Tân Kỳ) hiện đang nuôi 40 con lợn thịt. Trước dịch tả lợn châu Phi đang xuất hiện tại một số địa phương, đặc biệt là tỉnh "hàng xóm" Thanh Hóa, ông Hữu đã bắt đầu lo lắng.

"Đàn lợn của gia đình mới thả được 2 tháng, trọng lượng đạt gần 40 kg/con nên chưa thể xuất chuồng. Sợ dịch tả lợn châu Phi lây lan vào đàn lợn, hàng ngày tôi thu dọn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đồng thời phun thuốc khử trùng trong khu vực chuồng trại. Thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của đàn lợn. Trước mắt, giữ nguyên đàn lợn trong chuồng, không nhập thêm lợn giống để tăng đàn" - ông Hữu chia sẻ.

Người dân xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ phun hóa chất khử trùng trong và ngoài khu vực chăn nuôi lợn. Ảnh: Quang An

Tại điểm mua bán lợn giống nơi đầu cầu ba ra Đô Lương, cạnh Quốc lộ 15, trên địa bàn xã Tràng Sơn (Đô Lương) những ngày cuối tháng 2 này vẫn nhộn nhịp cảnh mua bán lợn giống. Khi được hỏi về dịch tả lợn châu Phi, người mua bán lợn ở đây cho biết: Hầu hết số lợn giống được mua bán ở đây là từ huyện Đô Lương, sau đó vận chuyển đến các huyện tiêu thụ nên không có dịch tả lợn châu Phi.

Tuy nhiên, bà con cũng cho rằng, cơ quan chuyên môn cần giám sát hàng ngày, phòng có những thương lái vận chuyển lợn giống từ tỉnh khác về tiêu thụ, khiến dịch tả lợn châu Phi lây lan vào.

Han-lodine 10%, hóa chất này đang được người chăn nuôi sử dụng để phun khử trùng hàng ngày trong khu vực chuồng trại. Ảnh: Xuân Hoàng

Bà Nguyễn Thị Hạnh, một lái buôn lợn giống tại đây cho rằng: Chợ lợn giống này hàng ngày chỉ họp trong vòng 2 tiếng đồng hồ, với lượng lợn hàng trăm con. Vì vậy, trước dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, người dân mong muốn cơ quan thú y cử cán bộ xuống giám sát, nắm nguồn gốc lợn để bà con yên tâm.

Những ngày này, anh Hoàng Quốc Hải ở xã Tiền Phong, huyện Quế Phong đang tất bật với công tác phòng chống dịch tả lợn. Là hộ chăn nuôi lợn có quy mô của huyện nên ngay từ khi có thông tin xuất hiện dịch tả lợn ở nước ta, anh đã tập trung thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn cho đàn lợn.

Anh Hải chia sẻ, trang trại của anh hiện có 2.000 con lợn thịt và hàng trăm con lợn nái. Ngay khi xem báo đài có tin dịch tả lợn, anh đã khoanh vùng trang trại, bất cứ người nào ra vào trang trại đều phải được khử trùng bằng hóa chất. Bên cạnh đó, tập trung chăm sóc đàn lợn và xuất bán, không nhập lứa lợn mới về vì lo ngại nguồn gốc không đảm bảo. Hàng ngày, tuân thủ các biện pháp mà cán bộ thú y hướng dẫn.

Các chủ trang trại nuôi lợn đang lo lắng trước tình hình dịch tả lợn châu Phi lây lan phức tạp tại một số địa phương trong nước. Ảnh: Xuân Hoàng

"Từ khi có tin dịch tả lợn châu Phi, thị trường lợn bị chững lại, giá lợn bị sụt giảm... Thời điểm Tết lợn hơi có giá từ 50.000 - 52.000 đồng/kg, hiện nay chỉ còn 44.000 - 45.000 đồng/kg. Không những giá bán giảm mà lợn cũng khó tiêu thụ hơn vì hầu hết thương lái không mặn mà mua lợn dịp này" - anh Hải cho biết thêm.

Tập trung tuyên truyền, giám sát vận chuyển lợn

Huyện Tân Kỳ là địa phương phát triển chăn nuôi lợn trong những năm qua, với nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi lợn khá lớn. Vì vậy, trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn và chính quyền các xã tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân hiểu về dịch tả lợn châu Phi, đồng thời hướng dẫn cách phòng dịch.

Điểm mua bán lợn giống tại đầu cầu ba ra Đô Lương, cạnh Quốc lộ 15 A mỗi ngày có đến hàng trăm con lợn giống được mua bán tại đây. Bà con cho rằng, cơ quan chuyên môn cần có giải pháp phòng dịch hàng ngày. Ảnh: Quang An

Theo ông Lê Đức Tình - Trưởng trạm Thú y huyện Tân Kỳ: Trên địa bàn huyện hiện có 54.000 con lợn, trong đó có 35 trang trại, gia trại. Với đặc thù của địa phương có các tuyến đường giao thông chính vào địa bàn như: Quốc lộ 15 A, đường Hồ Chí Minh và một số tuyến đường khác từ huyện Quỳ Hợp vào, Nghĩa Đàn, Anh Sơn sang nên nguy cơ cao bị lây lan dịch tả lợn châu Phi.

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi xuất hiện không chỉ trong nước mà ngay cả khi chưa xuất hiện ở Việt Nam, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, UBND huyện Tân Kỳ đã ban hành chỉ thị về việc tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn từ tháng 11/2018.

Ngay sau khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại một số tỉnh trong nước, thực hiện công văn chỉ đạo của tỉnh, UBND huyện Tân Kỳ tiếp tục ra chỉ thị gửi đến các địa phương, tăng cường hơn nữa công tác phòng dịch trên đàn lợn.

Nguồn gốc lợn giống từ nơi khác đến dễ là mầm mống lây lan của dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Quang An

Trước mắt, huyện giao các địa phương tập trung tuyên truyền về tác hại của dịch tả lợn châu Phi đến người chăn nuôi, đặc biệt là các trang trại, gia trại có nuôi nhiều lợn. Đồng thời triển khai công tác tiêm vắc xin phòng các bệnh trong vụ Xuân 2019. Để đối phó với dịch tả lợn châu Phi, hiện tại huyện Tân Kỳ đang chuẩn bị các biện pháp phòng chống dịch nếu xảy ra. Đó là thành lập các điểm chốt chặn trên các tuyến đường trọng yếu; Trạm Thú y huyện chuẩn bị một lượng hóa chất khử trùng nhất định để xử lý khi cần thiết.

Theo số liệu của Trạm Thú y huyện, đến ngày 26/2 một số xã trên địa bàn huyện đã đăng ký số lượng đàn lợn tiêm phòng vắc xin trong vụ Xuân; huyện đang chờ nguồn vắc xin phân khai của tỉnh để triển khai tiêm phòng vào ngày 15/3 tới.

Ông Võ Đình Khoa - Trưởng Trạm Thú y huyện Đô Lương cho hay: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, ngay từ ngày 27/2, Trạm sẽ phân công cán bộ xuống cơ sở nắm bắt tình hình dịch bệnh trên đàn lợn; đồng thời giám sát sự vận chuyển lợn ra vào địa bàn, tránh tình trạng lợn giống không rõ nguồn gốc vào địa bàn.

Mới nhất

x
Người chăn nuôi Nghệ An chủ động phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO