Chỉ một tháng xuất khẩu rau quả thu về gần 1 tỷ USD; Đồng USD tăng trở lại
(Baonghean.vn) - Thế giới giảm mạnh, vàng SJC tăng nhẹ lên 67,05 triệu đồng; Đồng USD tăng trở lại; Chưa từng có trong lịch sử, chỉ một tháng xuất khẩu rau quả thu về gần 1 tỷ USD... là thông tin thị trường hôm nay.
Thế giới giảm mạnh, vàng SJC tăng nhẹ lên 67,05 triệu đồng
Giá vàng hôm nay (23/6), giá vàng trong nước tăng nhẹ, với giá vàng JSC hiện đang ở mức 67,0 triệu đồng/lượng (bán ra). Trong khi đó, vàng thế giới tiếp tục giảm mạnh, xuống mốc 1913 USD.
Tại thời điểm khảo sát lúc 5h00 ngày 23/6, trên sàn giao dịch của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC, vàng SJC đang là 66,45 triệu đồng/lượng mua vào và 67,05 triệu đồng/lượng bán ra.
Còn tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý, thời điểm khảo sát niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,45 – 67,05 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng 9999 được DOJI được niêm yết ở mức 66,40 triệu đồng/lượng mua vào và 67,00 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng Vietinbank Gold đang niêm yết ở mức 66,45 triệu đồng/lượng mua vào và 67,07 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cũng được doanh nghiệp giao dịch ở mức 66,46 - 67,03 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá 2 chiều 55,81 - 56,66 triệu đồng/lượng.
Tỷ giá USD hôm nay (23/6): Đồng USD tăng trở lại
Tỷ giá USD hôm nay (23/6), tỷ giá USD trên thế giới và trong nước đồng loạt tăng nhẹ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tỷ giá trung tâm với đồng Đô la Mỹ ở mức 23.732 đồng.
Tỷ giá ngoại tệ thị trường thế giới: Diễn biến tỷ giá USD hôm qua cho thấy, chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) dừng ở mức 102,39 điểm với mức tăng 0,31% khi chốt phiên ngày 22/6.
Đồng USD đã trở lại sự tăng giá trong phiên giao dịch gần đây sau khi Chủ tịch Fed, Jerome Powell cho biết, có thể cần tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 22/6, Powell cho biết việc tăng thêm 25 điểm cơ bản nữa là một ước tính có cơ sở về hướng đi của Ngân hàng Trung ương nếu tình hình kinh tế tiếp tục như hiện tại. Powell cũng nhấn mạnh rằng Fed vẫn chưa kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trong một sự kiện khác, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất lớn hơn dự kiến. BoE thông báo tăng 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất lên mức 5%. Trước đó, các nhà đầu tư dự đoán lãi suất ngân hàng của BoE sẽ đạt đỉnh 6% vào cuối năm, nhưng cuộc khảo sát của Reuters chỉ ra rằng các nhà kinh tế dự đoán mức cao nhất là 5%.
Giá cà phê trong nước cao nhất 66.200 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay (23/6) ở thị trường trong nước giảm 700 đồng/kg so với hôm qua, hiện dao động từ 65.500 – 66.200 đồng/kg, vẫn giữ ở mức giá cao.
Cụ thể, giá cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, cà phê được thu mua với giá từ 65.400 – 65.500 đồng/kg.
Giá cà phê tại tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum đứng ở mức giá 65.700 đồng/kg.
Giá cà phê hôm nay tại tỉnh Đắk Lắk ở huyện Cư M'gar giá cà phê hiện ở mức 65.900 đồng/kg. Còn tại huyện Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ được thu mua cùng mức 66.000 đồng/kg.
Đối với giá cà phê thế giới trên hai sàn hôm nay cùng giảm do giá đã vào vùng quá mua, cần phải điều chỉnh, cân đối vị thế đầu cơ. Bên cạnh còn là áp lực bán hàng vụ mới hiện đang thu hoạch rộ từ Brasil, nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta trên sàn London tiếp tục sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm thêm 48 USD, xuống 2.7759 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 giảm thêm 44 USD, còn 2.726 USD/ tấn, các mức giảm khá mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn New York cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm thêm 3,85 cent, xuống 172,25 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 giảm thêm 3,45 cent, còn 171,20 cent/lb. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Trong tuần này, giá cà phê được dự báo vẫn có lợi thế tiếp tục tăng giá. Dù vậy, theo lượng giao dịch có chiều hướng chững lại trong tuần qua, nhiều chuyên gia cho rằng mức giá tăng sẽ không đột biến.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thấp và lạm phát neo cao, người tiêu dùng trên toàn cầu đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu và lựa chọn các loại cà phê có mức giá phù hợp. Điều này đã khiến nhu cầu phối trộn cà phê Robusta - vốn có mức giá thấp, vào cà phê Arabica đã tăng mạnh. Các nhà rang xay trên toàn cầu đang tăng cường thu mua cà phê Robusta để đáp ứng nhu cầu này. Việc giá cà phê Robusta tăng cao được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện thu nhập của các hộ nông dân canh tác cà phê tại Việt Nam.
Chưa từng có trong lịch sử, chỉ một tháng xuất khẩu rau, quả thu về gần 1 tỷ USD
Thống kê sơ bộ được Hiệp hội Rau quả Việt Nam công bố sau khi trích xuất dữ liệu từ Hải quan Việt Nam, cho thấy, chỉ 20 ngày của tháng 6/2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 723,3 triệu USD. Còn tính từ đầu năm đến hết ngày 20/6, xuất khẩu nhóm hàng này giúp Việt Nam thu về 2,75 tỷ USD, tăng 63,6% so với cùng kỳ 6 tháng 2022.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, con số trên mới tính đến 20/6. Nếu cộng 10 ngày cuối tháng 6, xuất khẩu rau quả có thể đạt gần 1 tỷ USD trong tháng này, ước tăng gần 282% so với tháng 6/2022.
Theo ông Nguyên, chỉ trong vòng 1 tháng, xuất khẩu rau quả thu về 1 tỷ USD là con số kỷ lục chưa từng có trong lịch sử hơn 30 năm ngành hàng này tham gia xuất khẩu.
Ngành nông nghiệp tính đến thời điểm này cũng chỉ có nhóm hàng thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ ghi nhận kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD trong một tháng.
Trong top 5 thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam 5 tháng đầu năm nay, Trung Quốc dẫn đầu với gần 63,5% tổng giá trị xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 78% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp đến là thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan. Trong đó, xuất khẩu rau quả sang thị trường Mỹ ghi nhận mức sụt giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái; các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan có mức tăng lần lượt là 12%, 0,5% và 70%.
Trong Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt 5 tỷ USD vào năm 2025. Nếu giữ vững tốc độ xuất khẩu như hiện tại thì con số 5 tỷ USD sẽ đạt được trong năm nay, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra.