Người đảng viên lão thành một đời tận hiến
(Baonghean.vn) - Chiều cuối năm, chúng tôi đến nhà ông chơi. Ngôi nhà cấp bốn bình dị nằm ở giữa xóm Yên Bình, xã Hưng Đông, thành phố Vinh. Ông là nhà giáo, đảng viên lão thành lớp cán bộ cựu trào của làng giáo xứ Nghệ. Ông là Ngô Xuân Lan - người đã 98 tuổi đời và 78 năm tuổi Đảng.
Người con trai ông nói: Các anh chờ tý, ông đi họp chi bộ sắp về... Một lát sau thấy ông đi xe đạp túc tắc từ ngoài ngõ về. Quá ngạc nhiên một cụ già 98 tuổi đời, 78 năm tuổi Đảng mắt còn sáng, tai còn thính, trí tuệ còn minh mẫn, vẫn đều đặn đi sinh hoạt chi bộ đảng bộ không thiếu buổi nào cả. Tôi lo lắng nói với thầy: “Gần một trăm tuổi rồi xin nghỉ sinh hoạt đảng được rồi thầy ơi”. Thầy vui vẻ nói: “Chỉ có họp xóm mới xin nghỉ năm ni, còn họp chi bộ thì phải đi mà tiếp thu mà gặp gỡ đồng chí. Từ ngày vào Đảng đến nay (gần 78 năm) mới nghỉ sinh hoạt thường kỳ có 3 lần vào hai đợt đi nằm Bệnh viện Việt Xô, còn chưa nghỉ kỳ sinh hoạt mô cả”.
Một đời tận hiến với công tác giáo dục
Người đảng viên lão thành trung kiên, mẫu mực Ngô Xuân Lan. Ảnh: Hiền Anh |
Ông Ngô Xuân Lan (sinh năm 1927) trong một gia đình nông dân hiếu học. Ông theo học chữ Hán, chữ Quốc ngữ với các gia sư Trần Ngọc Nhuận, Trần Phiệt - những nhà giáo yêu nước ở Trường Hào Kiệt, nên được giác ngộ cách mạng sớm. Những tháng giữa năm 1945, sục sôi phong trào Việt Minh, ông được người bà con là Ngô Xuân Hàm mới từ nhà tù Ban Mê Thuột về từ làng Yên Xá xuống Vĩnh Tuy chơi, móc nối giao cho ông nhiệm vụ sao viết truyền đơn cho tổ chức Việt Minh Yên Thành, góp phần tuyên truyền 10 Chính sách của Việt Minh ở các xã phía Nam huyện Yên Thành, và tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở quê.
Sau Cách mạng tháng Tám ông tích cực công tác thanh niên cứu quốc, phụ trách công tác tuyên truyền được Chi bộ Quan Sơn (gồm các làng ở 3 xã Vĩnh Thành, Long Thành, Tiên Thành) bồi dưỡng cảm tình đối tượng Đảng và được kết nạp Đảng vào đầu tháng 12 năm 1946 cùng với các ông Trần Diên, Trần Luyện và được cử làm tổ trưởng đảng đầu tiên của làng.
Giữa năm 1947, huyện Yên Thành khai giảng năm học đầu tiên của Trường Trung học dân lập Lê Doãn Nhã, ông Ngô Xuân Lan xin nhập học và được cử làm Hiệu đoàn trưởng giúp nhà trường lãnh đạo phong trào thanh niên học sinh nhà trường. Cùng với thầy Hiệu trưởng Phan Lô, từ năm 1948 là thầy Phan Ngọc, Hiệu đoàn trưởng Ngô Xuân Lan đã lãnh đạo phong trào yêu nước của học sinh, biến trường Lê Doãn Nhã thành nơi đào tạo nguồn nhân lực có tri thức cung cấp cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Năm 1950 khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, hơn 50 học sinh lớp trên cùng thầy giáo Phan Ngọc xung phong ra tiền tuyến. Ông Ngô Xuân Lan xin đăng ký tòng quân nhưng do bị dị tật ở chân nên được cử đi học lớp Sư phạm kháng chiến ở Nghệ An. Học xong ông được phân công về làm giáo viên trường Lê Doãn Nhã. Năm học 1953-1954, Trường Lê Doãn Nhã nhập với Trường Phan Chu Trinh từ Vinh tản cư về Yên Thành, ông Ngô Xuân Lan được cử làm Hiệu trưởng. Sau năm 1954, trường này đổi tên thành Trường cấp 2 huyện Yên Thành do nhà giáo Ngô Xuân Lan làm Hiệu trưởng kiêm Bí thư chi bộ, ông đã góp phần cùng ban giám hiệu nhà trường tổ chức đội ngũ giáo viên vượt qua nhiều khó khăn của những năm sau chiến tranh, tổ chức dạy và học, tạo phong trào giáo dục toàn diện trong nhà trường.
Năm 1961, huyện Yên Thành thành lập trường cấp 3 đầu tiên của huyện, ông Ngô Xuân Lan được cử làm bí thư chi bộ, là một trong 4 nhà giáo hợp thành “bộ tứ” lãnh đạo nhà trường. Những năm đầu xây dựng trường biết bao khó khăn, thầy Ngô Xuân Lan đã tích cực miệt mài khâu nối các mối quan hệ giữa huyện ủy, ủy ban và các cơ quan các cơ sở xã cùng nhà trường tìm địa điểm xây dựng các phòng học tranh tre nứa lá đủ cho chín lớp học. Đặc biệt với vai trò bí thư chi bộ ông đã có công bồi dưỡng kết nạp nhiều nhà giáo trẻ vào Đảng. Có những trường hợp như nhà giáo trẻ Trương Công Anh, giảng dạy giỏi làm bí thư đoàn trường rất năng nổ nhưng khi làm hồ sơ lý lịch xin vào đảng thì đảng ủy địa phương không xác nhận chỉ vì gia đình có mẹ bán hàng xén ở chợ Lường (Đô Lương). Ông Ngô Xuân Lan đã trực tiếp về gặp Đảng ủy xã, gặp bí thư chi bộ giải thích thuyết phục địa phương trực tiếp xác nhận đề nghị vào hồ sơ để ông cầm về. Có học sinh học tập rèn luyện tốt nhưng xã không cho đi học đại học vì gia đình chậm vào hợp tác xã hoặc vì những lý do khác... đến nhờ thầy Lan giúp tác động với địa phương, nhiều học sinh được thầy giúp đỡ đã trở thành những cán bộ xuất sắc.
Năm học 1963-1964, huyện Yên Thành chia trường cấp 3 đầu tiên thành 2 trường cấp 3 Yên Thành 1 và Yên Thành 2, thầy Ngô Xuân Lan lại được bí thư, chủ tịch huyện mời lên gặp gỡ giao trách nhiệm gánh vác nhiệm vụ tại ngôi trường mới và trực tiếp làm bí thư chi bộ. Lãnh đạo huyện Yên Thành động viên: Thầy có công với trường cấp 3 đầu tiên của huyện, trường đã có hình hài, việc dạy và học bắt đầu đi vào nề nếp. Nay thành lập trường mới, đội ngũ giáo viên mới được tập hợp từ nhiều nguồn, cơ sở vật chất chưa có đủ... khó khăn huyện mới tin tưởng cử đồng chí đến giữ vai trò “chính ủy”, trung tâm đoàn kết.
Lên Trường cấp 3 Yên Thành 2, thầy Ngô Xuân Lan - Bí thư chi bộ cùng thầy Hiệu trưởng Phan Đăng Diêu và Bí thư Đoàn trường Trương Công Anh lo lắng quán xuyến mọi công việc với bao khó khăn. Trong những năm ở Trường cấp 3 Yên Thành 2, thầy Ngô Xuân Lan đã có sáng kiến đề xuất với chi bộ, Huyện ủy Yên Thành bồi dưỡng kết nạp những học sinh lớp 10 ưu tú vào Đảng. Sáng kiến của Thầy Lan được lãnh đạo nhà trường ủng hộ đã tạo ra phong trào đoàn với nhiều hoạt động tích cực trong học tập và lao động xây dựng trường. Có những năm chi bộ Trường cấp 3 Yên Thành 2 đã bồi dưỡng kết nạp được 28 học sinh lớp 10 vào Đảng. Trong số đó nhiều người trở thành cán bộ tri thức trên nhiều lĩnh vực. Có thể kể một số học sinh đảng viên kết nạp ngày ấy như: Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Tâm Chiến; Tiến sỹ, Viện trưởng Học viện Hàng không Trần Quang Châu; Tiến sỹ, Đại tá, Chủ nhiệm khoa Trần Ngọc Khải; PGS. TS. Đào Khang; Đại tá Nguyễn Lý; Tiến sỹ Đào Quang Hiếu; Bí thư Huyện ủy Yên Thành Phạm Xuân Hợi...
Sau mấy năm ở Trường cấp 3 Yên Thành 2, thầy Ngô Xuân Lan được cử đi học Trường Nguyễn Ái Quốc ở Hà Nội. Tốt nghiệp bằng giỏi, thầy được phân công về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An, phụ trách Phòng Thời sự tuyên truyền. Nhận công việc mới mẻ này, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở vào giai đoạn quyết liệt, đế quốc Mỹ rải bom đạn đánh phá nhiều nơi ở Nghệ An, ông Ngô Xuân Lan phải tạm biệt mẹ già và các con còn nhỏ dại mang ba lô lên cơ quan Tỉnh ủy. Với kiến thức mới được bồi dưỡng ở Trường Đảng cao cấp, với lòng say mê tìm tòi học hỏi, với năng khiếu tuyên truyền miệng của một nhà giáo lão luyện, ông Ngô Xuân Lan đã đi về các cơ sở, các lớp học, các trận địa để báo cáo thời sự tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước; nêu gương phổ biến các điển hình, các sự kiện nhân vật anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thầy Lan đi đến đâu, về địa phương nào đều truyền cảm hứng tích cực góp phần nâng cao nhận thức củng cố lòng tin cho cán bộ đảng viên. Cách truyền đạt khiêm tốn, dung dị, uyên bác, dí dỏm của ông Ngô Xuân Lan đã để lại ấn tượng tốt đẹp và góp phần nâng tầm của công tác tuyên truyền xây dựng Đảng. Có những đề tài, những chuyên đề tưởng như khô khan xơ cứng, nhưng qua sự đúc kết công phu, sự chuẩn bị kỹ lưỡng và nghệ thuật, cũng như tài năng bản lĩnh của một cán bộ tuyên giáo tâm huyết, trách nhiệm, những bài giảng của ông Ngô Xuân Lan đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong cán bộ đảng viên.
Cán bộ lão thành mẫu mực, liêm khiết
Đồng chí Nguyễn Văn Lư - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Vinh trao Huy hiệu 75 tuổi Đảng cho đảng viên lão thành Ngô Xuân Lan. Ảnh: Hiền Anh |
Năm 1975-1976 ông Ngô Xuân Lan được cử đi lớp nghiên cứu sinh Triết học ở Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Sau hai năm học tập ông về làm Trưởng khoa Triết học Trường Đảng Trần Phú, tỉnh Nghệ Tĩnh. Thời gian 10 năm giữ vai trò này ông đã góp phần xây dựng Trường Đảng Trần Phú thành trung tâm đào tạo cán bộ có chất lượng của các trường Đảng địa phương. Trong thời gian này ông còn tham gia viết bài về nội dung xây dựng Đảng, cộng tác với các báo như: Báo Nghệ An, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Xây dựng Đảng và tham gia viết sách tổng kết 50 hoạt động Tuyên giáo Nghệ An. Từ năm 1999 về hưu cho đến năm 90 tuổi, ông về sinh hoạt Đảng đều đặn, tích cực ở chi bộ địa phương. Nói tích cực vì ông nhận làm báo cáo viên của Đảng bộ xã hầu như ít khi vắng mặt các buổi họp báo cáo viên của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hàng tháng. Bảy năm gần đây, con cháu vận động ông nghỉ ngơi, nhưng ông vẫn đọc báo nghe đài, đọc sách tham khảo, có ghi chép tổng kết thỉnh thoảng Đảng bộ, chi bộ cần, ông vẫn báo cáo thời sự.
Sau ngày về hưu có lần ông bị bạo bệnh phải điều trị tại Bệnh viện Việt Xô, khi ông lên bàn mổ, đứng ở phòng ngoài, bên cạnh con cháu, có hơn chục người là học trò của ông, có người là học sinh cấp 3, có người là học viên trường Đảng, trong đó có người là cán bộ cấp cao. Nhà ông ở sâu trong xóm nhưng bạn bầu học sinh cũ thường đến thăm ông mỗi lần ghé Vinh hoặc Tết đến Xuân về.
Một đời tận hiến với công tác giáo dục, với sự nghiệp xây dựng Đảng, nhà giáo Ngô Xuân Lan được công nhận cán bộ hoạt động tiền khởi nghĩa, được trao tặng Huy hiệu 75 tuổi Đảng cách đây 2 năm, và nhiều huân, huy chương. Ông được Tỉnh ủy Nghệ An mời đi dự phiên khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 với tư cách đại diện cho các cán bộ lão thành mẫu mực liêm khiết.
Ngày ông vinh dự nhận Huy hiệu 75 tuổi Đảng, con cháu đề nghị tổ chức bữa cơm thân mật, ông dặn chỉ làm trong nội bộ gia đình. Cuối bữa liên hoan ông dành số tiền được tặng kèm huy hiệu, trao cho tất cả các cháu đang học phổ thông, đại học và nhắc các cháu phải theo gương Bác Hồ học tập suốt đời. Bản thân ông là người nêu gương hiếu học, vượt khó để học tập; suốt đời tu dưỡng phẩm chất đạo đức, nêu gương cần kiệm liêm chính. Hôm đến thăm ông khi ông vừa đi họp chi bộ về tôi nói vui: Phấn đấu đến năm nhận huy hiệu 80 tuổi Đảng ta tổ chức mừng thọ bách tuế. Ông nói: Cũng đang mong như vậy, nhưng còn đi lại được thì còn cố gắng đi họp chi bộ, đây cũng một nhu cầu của cuộc sống như cơm ăn nước uống hàng ngày.