Người ôm bộc phá đánh vào lô cốt đồi C2

08/05/2014 09:29

(Baonghean) - 60 năm đi qua với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, nhưng những ký ức hào hùng của Chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của CCB Nguyễn Văn Thạch ở xóm Liên Sơn, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn.

Tháng 12/1953, lúc vừa tròn 17 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Văn Thạch ở xóm Liên Sơn, xã Hùng Tiến tình nguyện lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316, một trong những đơn vị chủ lực của quân đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong trận chiến đấu tổng công kích tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiến sỹ trẻ Nguyễn Văn Thạch vinh dự được cùng đồng đội tham gia trận chiến đấu cuối cùng này với vai trò là chiến sỹ ôm bộc phá, đánh trực tiếp vào lô cốt đồi C2. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, anh và đồng đội đã quả cảm chiến đấu tiêu diệt được 1 đại đội địch, phá vỡ phòng tuyến phía Đông Chỉ huy sở của tướng Đờ Cát, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Giờ đây tuổi đã cao, tóc đã bạc, nhưng những ký ức về Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử và trận đánh ác liệt trên đồi C2 vẫn còn in đậm trong tâm trí Đại tá Nguyễn Văn Thạch.

Ông tâm sự: “Ngày 25/4/1954, chúng tôi là lớp tân binh cuối cùng bổ sung về Đại đoàn 316 Điện Biên Phủ. Tôi được bổ sung về Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316. Thấy đơn vị đang chuẩn bị đánh, tiêu diệt một đại đội địch ở đồi C2 phía Đông của hầm Đờ Cát. Chúng tôi tập luyện trên sa bàn và đến tối 6/5 phát hỏa tấn công cao điểm C2. Tổ bộc phá chúng tôi có 3 người, đánh lô cốt đầu đã bị hy sinh mất 2 người, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và đơn vị đã tiêu diệt được đồi C2. Ngày hôm sau địch phản công chúng tôi đã đánh bại và chiều 7/5 quân địch đã kéo cờ trắng đầu hàng và thông báo trên toàn bộ cơ quan tham mưu và tướng Đờ Cát đã bị bắt”.

Về nghỉ hưu năm 1990, kết thúc 37 năm quân ngũ với biết bao chiến công oanh liệt qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ông tiếp tục tham gia các phong trào của địa phương, nhiều năm liền ông giữ chức Chủ tịch Hội CCB xã Hùng Tiến và hiện ông là Trưởng Ban Liên lạc Trị Thiên tại Nam Đàn, báo cáo viên của Hội CCB huyện. Với cương vị công tác mới, ông lại có điều kiện để tuyên truyền về quá khứ hào hùng của dân tộc, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Thông qua các cuộc nói chuyện truyền thống tại các trường học, mang hào khí lịch sử đến với những tâm hồn trẻ thơ nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, làm hành trang cho các cháu phấn đấu rèn luyện học tập để không hổ thẹn với sự cống hiến, hy sinh của cha ông. Nói về CCB Nguyễn Văn Thạch, ông Trần Thanh Lộc - Phó Chủ tịch Hội CCB xã Hùng Tiến, Nam Đàn cho biết: “Bác Thạch là chủ tịch đầu tiên của Hội CCB xã Hùng Tiến, bây giờ bác tuổi cao sức yếu nhưng vẫn tích cực tham gia các phong trào của Hội CCB cũng như của địa phương. Bác luôn tuyên truyền cho thế hệ trẻ về truyền thống anh dũng kiên cường của quân đội ta để cho thế hệ trẻ học tập và noi theo”.

Chiến tranh đã lùi xa, những người chiến sỹ từng trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên chiến trường Điện Biên nói riêng và trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nói chung giờ đây người mất, người còn và những người lính về với đời thường như ông Nguyễn Văn Thạch là nhân chứng sống của lịch sử cho bản hùng ca bất diệt của dân tộc mãi trường tồn, để các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau tiếp nối truyền thống cha ông, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Kim Dung

Mới nhất
x
Người ôm bộc phá đánh vào lô cốt đồi C2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO