Nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi từ sử dụng "nước rác"

Thanh Phúc 22/03/2019 08:34

(Baonghean.vn) - Theo Tổ chức Thú y thế giới, việc sử dụng thức ăn dư thừa chưa được xử lý nhiệt chiếm đến 60% nguồn gây xâm nhiễm và lây lan dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh, việc tận dụng nguồn thức ăn thừa tại các hộ dân hay thu gom từ các quán hàng để chăn nuôi lợn đang khá phổ biến.

Chăn nuôi lợn bằng cách tận dụng nguồn thức ăn thừa khá phổ biến hiện nay. Ảnh: Việt Hùng
Chăn nuôi lợn bằng cách tận dụng nguồn thức ăn thừa khá phổ biến hiện nay. Ảnh: Việt Hùng

Là địa bàn tiếp giáp thành phố Vinh nên hầu hết người dân ở xã Hưng Tây (Hưng Nguyên) đều chăn nuôi lợn bằng thức ăn thừa từ các cửa hàng ăn uống (hay còn gọi là "nước rác"). Việc tận dụng thức ăn thừa để chăn nuôi lợn khá phổ biến, nhất là đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (khoảng từ một vài con đến vài chục con trở lại), vừa tiết kiệm được kinh phí, thịt lại dễ tiêu thụ.

Theo anh N.V. H, một hộ chăn nuôi ở xã Hưng Tây, chất lượng thịt của loại lợn nuôi theo hình thức này ngon hơn, được người tiêu dùng ưa chuộng vì “sạch”, chỉ ăn thức ăn thừa, không thức ăn tăng trọng”. Nhà anh H. nuôi 30 con lợn, trung bình mỗi ngày anh mua khoảng 10 thùng nước rác (loại 20 lít) ở các cửa hàng ăn uống với giá từ 5.000 -10.000 đồng/thùng .

Nuôi lợn bằng nước rác vừa đỡ tốn kém chi phí, lại dễ tiêu thụ. Ảnh: Thanh Phúc
Nuôi lợn bằng nước rác tuy đỡ tốn kém chi phí, nhưng hiện nay đang có nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ảnh: Thanh Phúc

Hộ ông Nguyễn Đức T. ở xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu) từ hàng chục năm nay nuôi lợn theo hình thức tận dụng thức ăn thừa từ các hộ dân trong xã, các quán hàng trong huyện. Luôn duy trì khoảng 5 - 6 con lợn nái và 70 con lợn thịt, trung bình mỗi ngày ông gom 35 thùng nước rác về làm thức ăn cho lợn.

Ông Tâm cho biết: “Nuôi lợn theo hình thức này chi phí đầu tư thấp, lợn lớn chậm sau 3 - 4 tháng mới có thể xuất chuồng nhưng không sợ lỗ, trung bình mỗi năm gia đình thu lãi cả trăm triệu đồng”.

Bà Bá Thị Dung - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên cho biết: “Hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều tận dụng thức ăn thừa từ các quán hàng để chăn nuôi lợn, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh cao. Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi bùng phát hiện nay, chúng tôi tập trung tuyên truyền để người dân thận trọng hơn trong việc lựa chọn thức ăn cho lợn; quán triệt tận các hộ dân khi thức ăn thừa lấy về phải xử lý qua nhiệt (nấu sôi) rồi mới cho lợn ăn”.

Trong khi dịch bệnh bùng phát, ngoài vệ sinh chuồng trại sạch sẽ thì việc lựa chọn nguồn thức ăn cũng rất quan trọng. Ảnh: Thanh Phúc
Trong khi dịch bệnh bùng phát, ngoài vệ sinh chuồng trại sạch sẽ thì việc lựa chọn nguồn thức ăn cũng rất quan trọng. Ảnh: Thanh Phúc

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thú y, thức ăn thừa chứa nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh ở lợn bởi nguồn gốc thực phẩm ở các nhà hàng, quán ăn nhỏ lẻ không được kiểm soát chặt.

Mặt khác, là thức ăn thừa để ôi, thiu từ ngày này qua ngày khác có thể có mầm bệnh dịch tả lợn. Việc vận chuyển thức ăn thừa, lấy từ nhiều quán hàng khác nhau cũng làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh trên lợn. Vì vậy, việc sử dụng thức ăn thừa để chăn nuôi lợn cần được cân nhắc, nhất là khi bệnh dịch tả đang bùng phát hiện nay. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn sinh học, tiêm vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh cho lợn đúng lịch thú y, cho lợn ăn đầy đủ dưỡng chất...

Theo tổ chức Thú y thế giới nhận định, việc sử dụng thức ăn dư thừa chưa được xử lý nhiệt chiếm đến 60% nguồn lây lan và xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Vì vậy, trong khuyến cáo “ 5 không” gồm: Không giấu dịch, không mua bán, vận chuyển động vật bệnh chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt động vật bệnh chết; không vứt động vật chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn dư thừa khi chưa qua xử lý nhiệt. Trong đó đặc biệt chú ý kiểm soát chặt nguồn thức ăn dư thừa chưa được xử lý nhiệt.

Mới nhất
x
Nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi từ sử dụng "nước rác"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO