Nguyên nhân khiến châu Âu rơi vào khủng hoảng COVID-19 lần nữa
Châu Âu một lần nữa trở thành tâm dịch COVID-19 toàn cầu. Các quốc gia châu Âu từ Baltic đến Địa Trung Hải đang chuẩn bị cho biện pháp phòng dịch trong mùa Đông khắc nghiệt tới.
Chợ Giáng sinh tại Áo chỉ dành cho những người đã tiêm vaccine hoặc hồi phục sau khi mắc COVID-19. Ảnh: Getty Images
Theo tờ Guardian (Anh), đại dịch như chưa bao giờ xảy ra khi tại Cologne (Đức), hàng nghìn người chen chúc trong đám đông chật cứng cùng đếm ngược đến thời điểm bắt đầu mùa lễ hội hàng năm vào lúc 11 giờ ngày 11/11. Ở Thủ đô Paris của Pháp, các quán bar và câu lạc bộ vẫn mở cửa muộn, chật kín khách vào ngày 10/11. Tại Amsterdam (Hà Lan), việc kinh doanh diễn ra như thường lệ ở các quán cà phê xung quanh Leidseplein.
Nhưng thay vì là khởi đầu của một mùa lễ hội với Giáng sinh và Năm mới, những đêm đó có thể là sự kiện vui chơi đông đúc cuối cùng bởi làn sóng COVID-19 thứ tư đang quét qua châu Âu.
Thủ hiến bang Sachsen, ông Michael Kretschmer trong tuần trước cảnh báo: “Bạn không thể tưởng tượng việc đứng ở chợ uống rượu ngâm trong khi các bệnh viện chật kín và phải tranh giành những nguồn lực cuối cùng”.
Hà Lan vào ngày 13/11 đã trở thành quốc gia Tây Âu đầu tiên kể từ mùa Hè áp đặt lệnh phong tỏa một phần. Trong khi đó, Berlin (Đức) cấm người chưa tiêm vaccine COVID-19 ăn tại các nhà hàng, còn Pháp chạy đua để cải thiện chiến dịch tiêm mũi vaccine bổ sung.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran vào tuần trước nhận định: “Điều chúng ta đang trải qua dường như là khởi đầu của làn sóng dịch thứ 5”. Tổng thống Emmanuel Macron cho biết từ ngày 1/12, chương trình tiêm mũi thứ ba vaccine COVID-19 sẽ được mở rộng đối với những người trên 50 tuổi.
Châu Âu một lần nữa là tâm dịch. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca mắc COVID-19 trên khắp châu Âu tăng 7% và số ca tử vong tăng 10% trong tuần qua. Như vậy, châu Âu trở thành khu vực duy nhất trên thế giới có số ca mắc và tử vong tăng đều đặn.
WHO vào ngày 10/11 cho biết, gần 2/3 số ca mắc COVID-19 mới - khoảng 1,9 triệu trường hợp - là ở châu Âu, đánh dấu tuần thứ 6 liên tiếp COVID-19 lây lan tăng mạnh khắp châu lục. Một số quốc gia châu Âu thậm chí đối mặt với làn sóng dịch thứ tư hoặc thứ năm.
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện nay là tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 thấp, khả năng miễn dịch suy giảm ở những người được tiêm sớm và sự chủ quan ngày càng tăng của người dân về khẩu trang và giãn cách sau khi chính phủ nới lỏng các biện pháp hạn chế trong mùa Hè.
Nhưng ngoại trừ ở Trung và Đông Âu, nơi tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 thấp hơn các khu vực khác, tỷ lệ nhập viện và tử vong vì COVID-19 tại châu Âu nhìn chung vẫn thấp hơn nhiều so với một năm trước.
Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, ông Hans Kluge nhận định: “Vaccine đang thực hiện những gì đã cam kết: ngăn ngừa tình trạng bệnh nặng và đặc biệt là giảm nguy cơ tử vong. Nhưng vaccine là tài sản mạnh mẽ nhất của chúng ta chỉ khi được sử dụng cùng với các biện pháp phòng ngừa dịch”.
Người dân Cologne (Đức) khoe chứng nhận đã tiêm vaccine trên màn hình điện thoại ngày 11/11. Ảnh: AFP
Theo số liệu từ OurWorldInData, tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 cao nhất là Nam Âu, với Bồ Đào Nha, Malta và Tây Ban Nha đều đã tiêm đủ 2 mũi cho hơn 80% dân số và Italy là 73%. Mức trung bình ca mắc mới COVID-19 trong 7 ngày tại những quốc gia này là thấp nhất châu Âu, vào khoảng 100 trường hợp/1 triệu người.
Hà Lan, Pháp và Đức với tỷ lệ tiêm vaccine chỉ thấp hơn vài điểm phần trăm so với các quốc gia Nam Âu nhưng cũng bắt đầu trải qua tình trạng số ca mắc mới tăng vọt. Điều này phần nào phản ánh thách thức mà các chính phủ đang phải đối mặt.
Với tỷ lệ tiêm vaccine thấp nhất (62,8%) và tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất (1.000 ca mỗi ngày/triệu dân) trong các quốc gia Tây Âu, Áo quyết định áp đặt “phong tỏa” với người dân không tiêm vaccine COVID-19 tại hai khu vực đang chịu tác động nặng nề nhất của dịch và dự kiến mở rộng chương trình này ra toàn quốc.
Ở Tây Âu, câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu các quốc gia có thể kiềm chế làn sóng dịch mới nhất này mà không cần phải áp dụng biện pháp phong tỏa diện rộng hay không. Các chuyên gia cho rằng câu trả lời có lẽ là có - các biện pháp như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và chỉ cho phép người đã tiêm vaccine vào các địa điểm không gian kín là rất quan trọng.
Ông Hans Kluge cho biết, giới chức các quốc gia châu Âu cần tăng cường chương trình tiêm vaccine, bao gồm tiêm cho thanh thiếu niên và áp dụng mũi thứ ba đối với các nhóm rủi ro. Ông cũng bổ sung rằng các biện pháp giãn cách xã hội và y tế công cộng cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Ông kết luận: “Những biện pháp phòng dịch không khiến con người đánh mất tự do mà thực chất đảm bảo tự do cho chính họ”.