Nhân rộng mô hình dạy bơi cần sự vào cuộc của chính quyền, nhà trường, phụ huynh
(Baonghean.vn) - Càng vào hè, nhu cầu học bơi càng trở nên cấp thiết, đặc biệt là khi tình trạng đuối nước đang ngày càng gia tăng. Tuy vậy, quá trình thực hiện vẫn đang còn rất nhiều khó khăn.
Báo Nghệ An ghi nhận ý kiến của những người liên quan về vấn đề này.
Năm 2019, bể bơi với tổng giá trị hơn 3 tỷ đồng được UBND xã Diễn Phúc đầu tư cho Trường Tiểu học Diễn Phúc. Đây là một trong những bể bơi hiện đại đầu tiên được xây dựng tại một ngôi trường công lập của tỉnh. Ảnh: Đức Anh |
“Để phòng tránh đuối nước cho học trò thì học trò phải biết bơi và muốn vậy, nhà trường phải tổ chức được việc dạy bơi cho học sinh. Và, để thực hiện được điều này thì nhà trường cần phải thực hiện được hai yếu tố, thứ nhất là về cơ sở vật chất - nhà trường phải có bể bơi và công trình phụ trợ khác.
Tổ chức dạy bơi ở Trường THCS Phùng Chí Kiên (Diễn Châu). Ảnh: Đức Anh |
Thầy giáo Nguyễn Trọng Minh - Bí thư Chi đoàn, Giáo viên môn Thể dục Trường THCS Lý Nhật Quang (Đô Lương):
Ngoài biết bơi, học sinh cần được trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước.
“Từ hơn 1 năm trở lại đây, trường chúng tôi đã thực hiện mô hình “Toàn trường biết bơi” và Trường THCS Lý Nhật Quang cũng là 1 trong 21 trường học được chọn triển khai mô hình học sinh toàn trường biết bơi của Sở VH&TT Nghệ An. Theo kế hoạch, mỗi khóa học nhà trường tổ chức trong vòng 15 buổi và có thêm 1 buổi thi khảo sát và sau khóa học học sinh có thể thành thạo 2 kỹ thuật bơi cơ bản là bơi ếch và bơi trườn sấp. Ngoài ra, khi đã thành thạo bơi chúng tôi sẽ dạy học sinh thêm kỹ năng phòng, chống đuối nước. Qua khảo sát, khoảng 95% học sinh sẽ biết bơi sau khóa học.
Ông Phùng Đức Nhân - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Cửa Lò:
Thiếu kinh phí để triển khai dạy bơi trong trường học
“Chủ trương dạy bơi đã thực hiện nhiều năm với hình thức tổ chức dạy bơi trong các nhà trường. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai, chúng tôi thấy có khá nhiều khó khăn, đặc biệt là về mặt kinh phí. Thực tế, để tổ chức dạy bơi được thì phải huy động phụ huynh đóng góp xây dựng bể bơi. Còn lại để nhà trường trích kinh phí thì rất khó khăn vì nguồn ngân sách không có. Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất với thị xã đầu tư một số bể bơi trong các trường học, nhưng do còn khó khăn về kinh phí nên chúng tôi chưa triển khai được.
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Bí thư Huyện đoàn Đô Lương:
Cần thành lập đội sơ cứu nhanh ở các địa phương
“Trên địa bàn chúng tôi có nhiều sông lớn chảy qua và hệ thống ao, hồ trong khu dân cư. Những năm gần đây, Huyện đoàn giao cho chi đoàn các xã, thị trấn tận dụng kênh mương thủy lợi và phối hợp với các nhà trường tổ chức dạy bơi cho các em nhỏ. Mục tiêu mỗi liên đội tổ chức ít nhất được 1 lớp dạy bơi. Đồng thời, tập trung tuyên truyền bằng loa phát thanh, phát tờ rơi về từng xóm, từng gia đình về phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước. Mỗi năm, đoàn thanh niên thực hiện rà soát, cắm biển cảnh báo ở khu vực nguy hiểm.
Bể bơi của Trường THCS Lý Nhật Quang (Đô Lương)là bể lắp ghép. Ảnh: Đức Anh |
Đoàn kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo vừa đi kiểm tra về công tác dạy bơi, phòng, chống đuối nước ở 8 huyện là Thanh Chương, Anh Sơn, Kỳ Sơn, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. Qua kiểm tra đã phát hiện các hạn chế như tại một số điểm việc rà soát biển cắm cảnh báo nguy cơ đuối nước còn ít, một số biển đã cũ, hỏng chưa được thay thế; sào cứu đuối chưa được trang bị đầy đủ (ví dụ như bãi biển thị xã Hoàng Mai; các ao, hồ ở xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu; xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp; xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn; xã Lạng Sơn, Khai Sơn, huyện Anh Sơn).
Bên cạnh đó, việc triển khai các văn bản chỉ đạo, phối hợp còn chung chung, chưa thống nhất, còn biểu hiện đối phó. Sự vào cuộc của một số chính quyền tại địa phương chưa thật sự quyết liệt, thường xuyên. Việc tham mưu các Quy chế phối hợp các đơn vị liên quan công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường, tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước chưa chặt chẽ.