Nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân, khôi phục sản xuất sau mưa lũ
(Baonghean.vn) - Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, tại phiên thường kỳ tháng 7 để nghe và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng. Cùng dự có các đồng chí phó chủ tịch UBND tỉnh, các thành viên ủy ban, lãnh đạo các sở, ngành.
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: Thu Huyền |
Tháng 7, Nghệ An tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài gây hạn trên diện rộng, nhiều vụ cháy rừng xảy ra; sau đó là mưa lớn kéo dài, gây ngập úng nhiều nơi, ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất và đời sống của người dân...
Theo tổng hợp, mưa lũ kéo dài trong nhiều ngày đã làm 20.644,31 ha lúa bị ngập, ảnh hưởng; 5,5 ha mạ bị ngập; 5.743,81 ha ngô, rau màu các loại; 1.676,73 ha cây trồng hàng năm; 1.745,04 ha cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị ngập, ảnh hưởng. Ngoài ra, 3.226,08 ha thủy sản bị ngập; 17 lồng cá bị cuốn trôi.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình ngập lụt tại xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên. Ảnh tư liệu |
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh tháng 7 năm 2018 ước tăng 16,79% so cùng kỳ; tính chung bình quân 7 tháng đầu năm 2018, IIP ước tăng 18,06% so cùng kỳ. Thu ngân sách 7 tháng đầu năm ước thực hiện 7.201 tỷ đồng, đạt 56,7% dự toán, tăng 8,1% cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thu nội địa ước thực hiện 6.271 tỷ đồng, đạt 54,9% dự toán, tăng 7,1% so với cùng kỳ; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 930 tỷ đồng, đạt 73,8% dự toán, tăng 16,8% so với cùng kỳ.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, mưa lũ đã ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Thu Huyền |
Sau báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Sở KH&ĐT, phát biểu tại cuộc họp, Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Nghĩa Hiếu chia sẻ những thông tin về tình hình cơn bão số 3. Từ ngày 14 -18/7/2018, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão số 3 trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa to đến rất to và dông đã gây ngập úng trên nhiều diện tích cây trồng; Có khoảng 2.000 ha lúa hè thu bị thiệt hại nặng từ 70 -100%. Nhiều tuyến đường giao thông bị ngập nước, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và ngập úng vùng trũng thấp... ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh.
"Hiện các địa phương đang tập trung chỉ đạo thường xuyên theo dõi mực nước, khơi thông hệ thống kênh mương tiêu thoát nước, khắc phục diện tích cây trồng bị hư hại do ngập úng" - Giám đốc sở NN&PTNT cho biết.
Giám đốc Sở TN&MT Võ Duy Việt cho rằng, cần có giải pháp mạnh trong thu nộp tiền khoáng sản. Ảnh: Thu Huyền |
Về vấn đề thu ngân sách, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Hải cho hay, để đạt dự toán thu ngân sách năm nay, ngành Thuế đã chỉ đạo quyết liệt nhưng nợ mới phát sinh mạnh. Ngành Thuế cần có giải pháp phối hợp với các ngành để khai thác nguồn thu hoàn thành dự toán; quan tâm chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ giải ngân, quyết liệt thực hiện các đề án chống thất thu lĩnh vực bất động sản, kinh doanh khách sạn.
Liên quan nội dung thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa nhấn mạnh, muốn đột phá phải có giải pháp căn cơ, giải quyết nhanh thủ tục cho nhà đầu tư nhưng hiện nay nhiều dự án vướng thủ tục trong triển khai các bước đầu tư; hàng trăm dự án trình thủ tục nhưng chưa có trả lời. Một số dự án vướng giải phóng mặt bằng, đường vào. Điển hình như dự án Tổng kho xăng dầu DKC (Nghi Thiết, Nghi Lộc) có tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng, mỗi tháng dự kiến đóng 140 -180 tỷ đồng tiền thuế môi trường và XNK cho ngân sách tỉnh sau khi đi vào hoạt động nhưng đang khó khăn do chưa có đường vào.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa trao đổi những bất cập trong thủ tục thu hút đầu tư. Ảnh; Thu Huyền |
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường chỉ đạo: Việc đầu tư 2 tuyến đường vào Nhà máy Gỗ ván sợi MDF tại Khu công nghiệp Tri Lễ, huyện Anh Sơn và dự án Tổng kho xăng dầu DKC (Nghi thiết) đề nghị Sở KH&ĐT có văn bản tham mưu để tỉnh trình Chính phủ dùng 10% vốn dự phòng cho chủ đầu tư ứng trước làm đường, tạo điều kiện cho các dự án thi công, đi vào hoạt động.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các đại biểu, kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường cho biết, tháng 7 thời tiết nắng hạn, mưa lụt gây ảnh hưởng nhiều đến tình hình phát triển sản xuất, đời sống người dân. Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại cho Nghệ An 654 tỷ đồng.
Chỉ đạo các giải pháp trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Để bảo đảm thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch của năm 2018, các ngành, các cấp cần tiếp tục khắc phục khó khăn, thách thức; kiên trì mục tiêu đề ra, thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh. Trên cơ sở nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, trong tháng 8 năm 2018 cần tăng cường chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm đã được HĐND tỉnh thông qua; nâng cao tính chủ động chỉ đạo, điều hành thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo kịch bản đã đề ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đề nghị các cấp ngành, địa phương khắc phục khó khăn, hạn chế để đạt tăng trưởng theo kịch bản.. Ảnh: Thu Huyền |
Các ngành, các cấp tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, bão số 3 gây ra; chủ động phòng, chống thảm họa, thiên tai... nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão lụt gây ra. Tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp, dịch vụ. Tập trung chỉ đạo quyết liệt phát triển công nghiệp. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; Tiếp tục tăng cường công tác đối ngoại; cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp…
Cuộc họp nghe và cho ý kiến về đề án giao rừng, cho thuê rừng tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 - 2022 và một số nội dung quan trọng khác.