Nhiều ẩn ý trong Thông điệp liên bang của Tổng thống Donald Trump

Thanh Huyền 06/02/2020 07:11

(Baonghean) - Thông thường, thông điệp liên bang của các Tổng thống Mỹ thường tập trung nhấn mạnh các thắng lợi mà chính quyền đạt được cũng như thúc đẩy nỗ lực nhằm đạt được tầm nhìn của mình cho nước Mỹ. Song thông điệp liên bang năm nay của Tổng thống Donald Trump còn chứa đựng nhiều ẩn ý.

Không khác cuộc vận động tranh cử!

Theo dõi hơn 1 tiếng đồng hồ phát biểu của Tổng thống Donald Trump, không ít nhà bình luận ví bản thông điệp liên bang năm nay giống hệt một cuộc vận động tranh cử. Bởi lẽ, về thời điểm, thông điệp năm nay được đưa ra đúng vào dịp các ứng cử viên tranh cử chính thức “tăng tốc” các hoạt động vận động cử tri, mở đầu cho năm bầu cử Tổng thống sôi động của nước Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đọc thông điệp liên bang trước Quốc hội Mỹ. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump đọc thông điệp liên bang trước Quốc hội Mỹ. Ảnh: Reuters

Chỉ cách đây 2 ngày, cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên đã diễn ra tại bang Iowa dưới hình thức bỏ phiếu kín. Đây là cuộc tranh cử đầu tiên của các ứng cử viên nhằm giành tấm vé trở thành đại diện chính thức của mỗi đảng để tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng vào tháng 11 tới. Trong cuộc bầu cử này, Tổng thống Donald Trump đã dễ dàng vượt qua hai ứng cử viên của đảng Cộng hòa còn lại để đạt được sự ủng hộ của 39 trên tổng số 40 đại biểu của bang này tại đại hội đảng vào tháng 8 tới.

Về nội dung, bản thông điệp liên bang năm nay của Tổng thống Trump đã đề cập hầu hết những vấn đề mà cử tri đang quan tâm trước khi quyết định có bỏ phiếu cho ông hay không. Ngay ở đầu bài phát biểu, ông Trump đã đề cập tới khẩu hiệu tranh cử được ông đưa ra cách đây 3 năm, ngay sau khi nhậm chức, đó là “Sự trở lại của một nước Mỹ vĩ đại”.

Để chứng minh cho việc ông đã hiện thực hóa những cam kết hồi mới nhậm chức, ông chủ Nhà Trắng đã nêu bật các thành tựu mà nước Mỹ đạt được dưới thời của ông trong mọi lĩnh vực từ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục trong vòng 50 năm, đàm phán lại các thỏa thuận thương mại theo hướng có lợi cho Mỹ, ví dụ như Hiện định thương mại tự do Bắc Mỹ, ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, nhập cư, y tế, giáo dục, hay buộc các đồng minh tăng đóng góp tài chính.

Tổng thống Trump nêu các thành tựu của chính quyền của mình. Ảnh: Politico - AP - Reuters
Tổng thống Trump nêu các thành tựu của chính quyền của mình. Ảnh: Politico - AP - Reuters

Ngoài việc nêu các thành tựu của chính quyền của mình, ông Trump cũng nhấn mạnh tới các ưu tiên đối nội và đối ngoại của mình cụ thể như tiếp tục “chính sách nước Mỹ trước tiên” với các chương trình nghị sự hướng tới người lao động, gia đình, tăng trưởng và đặc biệt là lợi ích của nước Mỹ, hay việc chủ trương chấm dứt các cuộc chiến của Mỹ ở Trung Đông và Afghanistan và rút quân đội về nước.

Cứ nhìn vào sự có mặt của các khách mời mà ông Trump mời đến nghe thông điệp cũng thấy rõ những ưu tiên trong chính sách của ông trong thời gian cuối nhiệm kỳ và nếu tái cử lần tiếp theo. Cụ thể, ông Trump mời một đặc vụ kiểm soát biên giới, anh trai của một người đàn ông bị giết bởi người nhập cư lậu, một bà mẹ trẻ và đứa con trai của một quân nhân thiệt mạng vì bom ở Iraq. Thông qua những khách mời này, ông Trump hàm ý ông sẽ tăng tốc chiến dịch tái tranh cử tổng thống bằng cách quay lại những điểm nóng đã giúp ông giành được sự ủng hộ, như vấn đề nhập cư và an ninh quốc gia.

Đặc biệt, sự hiện diện của khách mời còn có ông Juan Guaido, lãnh đạo đối lập và người tự xưng là Tổng thống Venezuela năm ngoái. Dường như điều này khẳng định chính sách đối ngoại của ông là tiếp tục phản đối chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro và ủng hộ ông Guaido làm tổng thống hợp pháp. Đây cũng là cách để Tổng thống Trump tạo dựng các mối quan hệ cá nhân, điều mà ông luôn chủ trương thúc đẩy trong nhiệm kỳ của mình.

Ông  Juan Guaido, lãnh đạo đối lập Venezuela là một trong những khách mời của Tổng thống Donald Trump tại sự kiện đọc Thông điệp liên bang. Ảnh: AFP
Ông Juan Guaido, lãnh đạo đối lập Venezuela là một trong những khách mời của Tổng thống Donald Trump tại sự kiện đọc Thông điệp liên bang. Ảnh: AFP

Trong bối cảnh thông điệp liên bang của Tổng thống Trump được đọc ngay trước khi Thượng viện đưa ra phán quyết luận tội ông Trump cũng mang lại lợi thế cho ông. Trước khi phán quyết được đưa ra nhiều người đã dự đoán, ông Trump sẽ “thoát tội” bởi Thượng viện đang do Đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ không bao giờ để Tổng thống đương nhiệm và là ứng cử viên duy nhất tham gia tranh cử vào cuối năm nay bị phế truất.

Hơn nữa tại sự kiện lần này, có thể thấy sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa dành cho Trump đang cao hơn bao giờ hết. Nhiều thành viên đảng Cộng hòa vỗ tay nhiệt liệt và hô “thêm 4 năm” như một sự sự ủng hộ mạnh mẽ cho tổng thống trong suốt bài phát biểu. Điều đó cho thấy, ông Trump muốn cử tri Mỹ cũng ủng hộ ông như những gì đảng Cộng hòa thể hiện, bất chấp mọi nỗ lực đòi luận tội và phế truất ông từ phe Dân chủ.

Xét về thời điểm và bối cảnh của thông điệp liên bang đều khá thuận lợi cho cá nhân Tổng thống Trump khi ông vừa nêu bật được các ưu điểm của mình, đồng thời gián tiếp vận động cử tri ủng hộ mình trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

“Vết nứt sâu” giữa hai đảng

Ngoài những nội dung đầy ẩn ý của bản thông điệp liên bang, khi theo dõi Tổng thống Trump đọc văn bản này tại Hạ viện thì dư luận đã thấy rõ sự căng thẳng và chia rẽ sâu sắc giữa hai Đảng, thể hiện rõ nhất là việc Tổng thống Trump từ chối bắt tay Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosy và bà Pelosy xé bản cứng bài phát biểu của ông Trump ngay sau khi kết thúc.

Các nghị sĩ đảng Dân chủ nhiều lần tỏ thái độ không hài lòng với bài phát biểu của Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters

Sự chia rẽ trong Quốc hội Mỹ cũng thể hiện rõ ràng trong gần 90 phút ông Trump đọc thông điệp liên bang. Trong khi các nghị sỹ Cộng hòa đứng dậy, vỗ tay và hò reo tán thưởng thì phe Dân chủ ngồi im lặng và thể hiện sự mỉa mai trong suốt buổi. Thậm chí đã có những nghị sĩ Dân chủ đứng dậy và bỏ về.

Trong suốt bài phát biểu, Tổng thống Trump liên tục đề cao những thành quả mà Chính quyền của ông đã làm được trong 3 năm vừa qua, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, những người của đảng Dân chủ cho rằng việc “khoe” thành tích với những con số “màu hồng” là không thuyết phục.

Thượng nghị sỹ Bernie Sanders, ứng cử viên triển vọng của đảng Dân chủ cho biết, ông tin rằng đây là thông điệp cuối cùng của ông Trump. Thượng nghị sỹ Sanders cũng đả kích thành tựu kinh tế mà ông Trump nêu ra trong thông điệp liên bang lần này và đặc biệt nhấn mạnh tình trạng bất bình đẳng về thu nhập ngày càng tăng của người dân Mỹ dưới thời Chính quyền Trump.

Theo Thượng nghị sỹ Sanders, khi Donald Trump còn là ứng cử viên tổng thống năm 2016, ông Trump đã cam kết với người dân Mỹ, rằng những người giàu có sẽ không được hưởng lợi từ kế hoạch cắt giảm thuế của mình. Thực tế cho thấy ông Trump đã nói dối. Trên Twitter, Chủ tịch Hạ viện, bà Nancy Pelosi giải thích hành động xé bản sao thông điệp liên bang của ông Trump là vì “ông Trump đọc là một tuyên ngôn dối trá”.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosy xé bản cứng bài phát biểu của ông Trump ngay sau khi kết thúc. Ảnh: AFP
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosy xé bản cứng bài phát biểu của ông Trump ngay sau khi kết thúc. Ảnh: AFP

Những gì được thể hiện từ buổi diễn văn của Tổng thống Trump dự báo chính trường Mỹ thời gian tới sẽ tiếp tục “nóng” và cuộc chạy đua bầu cử cũng sẽ vô cùng gay cấn. Sự chia rẽ này không chỉ ở trên chính trường mà còn trong xã hội Mỹ.

Mới nhất

x
Nhiều ẩn ý trong Thông điệp liên bang của Tổng thống Donald Trump
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO