Nhiều mô hình giáo dân làm kinh tế giỏi ở Anh Sơn
(Baonghean.vn) - Những năm qua, đồng bào công giáo Anh Sơn đã tích cực đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Mặc dù thời tiết những năm gần đây diễn biến phức tạp nhưng với sự hướng dẫn, tạo điều kiện của chính quyền, các ngành chức năng, bà con giáo dân ở các giáo xứ, họ đạo trên địa bàn huyện Anh Sơn đã kiên trì khắc phục, tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế.
Ngoài kiến thức, kinh nghiệm, nguồn vốn, bà con giáo dân Anh Sơn đã chủ động chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, gắn với thị trường, tăng thu nhập, vươn lên làm giàu.
Gia đình giáo dân Nguyễn Thị Tài - một trong những hộ giáo dân tiêu biểu làm kinh tế giỏi của giáo họ Đồng Trấm, xã Hùng Sơn. |
Trước đây cả gia đình phụ thuộc vào mấy sào ruộng nên cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. Năm 2013 khi được vay vốn hỗ trợ xóa đói giảm nghèo phát triển kinh tế, gia đình đã đầu tư phát triển đàn dê 28 con, đàn bò 4 con, đào 3 sào ao thả cá và trồng 1 ha chè. Hiện nay, thu nhập từ mô hình tổng hợp VAC mang về cho gia đình gần 100 triệu đồng mỗi năm.
Ở giáo xứ Lãng Điền, thôn 7 xã Thạch Sơn thời gian qua cũng đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.
Gia đình chị Bùi Thị Dũng ở thôn 7 xã Thạch Sơn, là một trong những hộ dân vươn lên làm giàu từ mô hình chăn nuôi lợn thịt có quy mô lớn. |
Năm 2016 gia đình đã đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố khép kín để nuôi lợn thịt. Mỗi năm nuôi 3 lứa, mỗi lứa từ 80 - 100 con. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu về trên 100 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình ngày càng đổi thay, nhà cửa khang trang, con cái được học hành đầy đủ.
Ngoài mô hình chăn nuội lợn của chị Bùi Thị Dũng, toàn thôn 7 xã Thạch Sơn hiện có trên 80 mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao như mô hình chăn nuôi gà thịt, lợn thịt, mô hình chuyển đổi trồng rau màu trên đất bãi, mô hình cơ khí, mộc... Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 32 triệu đồng/năm, thôn không còn hộ đói, số hộ giàu và khá chiếm 80%, số hộ nghèo chỉ còn 5 hộ chiếm 2,7%.
Cấp ủy, chính quyền các cấp đã thường xuyên phối hợp với các chức sắc, chức việc động viên bà con giáo dân phát triển kinh tế xây dựng NTM. |
Huyện Anh Sơn hiện có trên 9.200 giáo dân, chiếm 9% dân số toàn huyện sinh hoạt ở 4 giáo xứ, 18 giáo họ, trong những năm qua đồng bào công giáo Anh Sơn đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện nhà.
Trong phát triển kinh tế, bà con giáo dân đã mạnh dạn đổi mới tư duy, nhạy bén, năng động, vươn lên phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế trang trại, mở mang ngành, nghề kinh doanh, dịch vụ thương mại, đẩy mạnh phát triển các ngành nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp.
Bà con giáo dân Anh Sơn tích cực đóng góp xây dựng nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng. |
Từ đó đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào công giáo không ngừng được nâng cao, góp phần thực hiện thành công cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện Anh Sơn. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào công giáo chỉ còn dưới 5%.
Tính hết năm 2018 toàn huyện Anh Sơn có 9 xã về đích nông thôn mới thì có đến 7 xã có đồng bào công giáo./.