Nhiều phòng Giáo dục và Đào tạo ở Nghệ An thiếu người làm việc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) -Do thiếu người làm việc nên từ đầu năm học đến nay, tại một số phòng Giáo dục và Đào tạo đã xảy ra tình trạng chậm triển khai một số hoạt động chuyên môn. Các báo cáo thông tin giữa phòng Giáo dục và Đào tạo với Sở Giáo dục và Đào tạo để gửi các cấp có liên quan cũng chậm trễ. 

Mỗi địa phương làm một kiểu

Đến trung tuần tháng 12/2023, theo tìm hiểu của phóng viên, một số địa phương như thị xã Cửa Lò, thị xã Thái Hòa, huyện Anh Sơn, Diễn Châu đã tạm ngừng cấp các chế độ phụ cấp đối với viên chức biệt phái ở phòng Giáo dục và Đào tạo.

Tại những địa phương này, những giáo viên biệt phái không còn chế độ phụ cấp nào, bao gồm cả phụ cấp ưu đãi, thâm niên, công vụ. Trong khi đó, một số huyện như Nghi Lộc, Yên Thành, Con Cuông đã tạm ngừng cấp các chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo. Các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành cũng đã ban hành văn bản truy thu phụ cấp; các huyện Nam Đàn, Con Cuông thì không còn bố trí viên chức biệt phái.

Trong khi đó, các địa phương như huyện Quỳnh Lưu, Đô Lương… đã có văn bản gửi UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan, đề xuất không truy thu những khoản phụ cấp đã chi trả và tiếp tục thực hiện điều động biệt phái và trả phụ cấp như những năm trước đây. Đây chính là nội dung mà Báo Nghệ An đã có loạt bài phản ánh.

bna_.jpg
Giáo viên biệt phái làm việc tại Phòng GD&ĐT Diễn Châu. Ảnh: T.H

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, từ trước đến nay, tỉnh Nghệ An cũng như nhiều tỉnh trong cả nước, bố trí người làm việc ở phòng Giáo dục và Đào tạo gồm cả công chức và viên chức. Ngày 09/9/2002, Ban Tổ chức Chính quyền (nay là Sở Nội vụ) và Sở Giáo dục và Đào tạo có Hướng dẫn số 1013, trong đó quy định phòng Giáo dục và Đào tạo mỗi huyện, thành phố, thị xã bố trí từ 5 đến 7 biên chế quản lý nhà nước (công chức) trong tổng số biên chế của cơ quan HĐND và UBND cấp huyện và hằng năm giao thêm mỗi phòng Giáo dục và Đào tạo từ 8 đến 10 viên chức, như vậy mỗi phòng có 15 đến 17 công chức, viên chức.

Ngày 02/12/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn về việc triển khai Nghị định 115/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT-BGD&ĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ, trong đó xác định số biên chế phòng Giáo dục và Đào tạo tối thiểu theo vị trí việc làm là 18 người. Trong khi đó, thực tế mỗi phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ có từ 2 đến 6 công chức; Biên chế công chức cơ quan Hội đồng nhân dân và UBND huyện được giao bình quân từ 70 - 90 biên chế, nên để bố trí đủ 18 biên chế công chức cho phòng Giáo dục và Đào tạo tại thời điểm này là không thể thực hiện được; để phòng Giáo dục và Đào tạo hoàn thành nhiệm vụ, UBND các huyện đã điều động từ 13 đến 15 viên chức ở các trường về làm việc tại phòng Giáo dục và Đào tạo.

Ngày 15/4/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2012/NĐ-CP quy định về chế độ phụ cấp công vụ (25%) đối với công chức; Số viên chức được điều động về làm việc ở phòng Giáo dục và Đào tạo không thuộc đối tượng hưởng phụ cấp công vụ và mặc dù vẫn giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên nhưng không được hưởng các phụ cấp nhà giáo (phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên), dẫn đến số viên chức này có nguyện vọng trở về trường công tác để được hưởng các chế độ phụ cấp.

Trước tình hình đó, thực hiện Điều 36 của Luật Viên chức, Sở Nội vụ - Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 6612/UBND-TH ngày 24/9/2012 về biên chế phòng Giáo dục và Đào tạo, yêu cầu: UBND cấp huyện xây dựng đề án xác định cơ cấu, vị trí việc làm của cơ quan Hội đồng nhân dân và UBND cấp huyện, trong đó dành những biên chế chưa tuyển dụng hoặc những biên chế có công chức nghỉ hưu, thuyên chuyển… để xem xét chuyển biên chế bố trí cho phòng Giáo dục và Đào tạo tối thiểu 9 biên chế công chức.

Ngoài biên chế công chức, phòng Giáo dục và Đào tạo được bố trí từ 4 đến 8 viên chức biệt phái từ các đơn vị trường học thuộc huyện. Viên chức biệt phái chịu sự phân công và quản lý của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo; ngoài công việc chuyên môn, viên chức biệt phái trực tiếp làm giảng viên các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ viên chức ngành Giáo dục - Đào tạo, tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, học sinh năng khiếu hoặc tham gia giảng dạy một số tiết tại các cơ sở giáo dục trực thuộc; viên chức biệt phái được hưởng lương và các khoản phụ cấp theo quy định đối với nhà giáo (chức danh nghề nghiệp giáo viên) tại các cơ sở giáo dục; số người này nằm trong tổng số người làm việc được giao cho ngành Giáo dục và Đào tạo cấp huyện.

Việc thực hiện bố trí viên chức biệt phái theo hướng dẫn tại Công văn số 6612/UBND-TH ngày 24/9/2012 đã bảo đảm chế độ cho người lao động, góp phần ổn định và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức công tác tại phòng Giáo dục và Đào tạo.

Ngoài ra, ngày 30/8/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 15 về triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020, theo đó chỉ đạo: “Bố trí việc làm cho lãnh đạo và chuyên viên các phòng Giáo dục và Đào tạo đủ biên chế; những nơi chưa bố trí được thì cho phép điều động cán bộ quản lý, giáo viên của các cơ sở giáo dục trực thuộc đến làm việc tại phòng Giáo dục và Đào tạo và được hưởng chế độ công tác tại trường ở địa bàn trung tâm”.

bna_bp3.jpg
Cô Đặng Thị Hồng là Nhà giáo Ưu tú trẻ nhất ở Nghệ An thời điểm phong tặng. Sau khi bị cắt chế độ phụ cấp và yêu cầu truy thu, mới đây cô Hồng đã xin chuyển xuống trường làm việc. Ảnh: T.H

Công việc ở phòng Giáo dục và Đào tạo bị chậm trễ

Trong báo cáo mới nhất gửi UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, viên chức biệt phái ở phòng Giáo dục và Đào tạo là nhà giáo, có tham gia giảng dạy mà các địa phương không chi trả chế độ phụ cấp nhà giáo là không đúng quy định. “Nếu không được hưởng chế độ đối với nhà giáo thì ai sẽ chi trả chế độ tương đương phụ cấp công vụ cho họ (họ thực hiện nhiệm vụ như công chức của phòng Giáo dục và Đào tạo). Việc cắt các chế độ sẽ ảnh hưởng đến vị trí việc làm, do họ đang là nhà giáo nên ảnh hưởng đến chế độ thăng hạng chức danh nghề nghiệp, ảnh hưởng đến việc thực hiện chế độ tiền lương mới năm 2024”, lãnh đạo ngành Giáo dục nêu quan điểm.

Theo ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, viên chức sự nghiệp ở phòng Giáo dục và Đào tạo là những cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên giỏi, có kinh nghiệm, năng lực chuyên môn và nghiệp vụ ở các đơn vị trường học. Nếu họ không có bất cứ một chế độ phụ cấp nào thì tạo nên sự bất bình đẳng về chế độ trong đội ngũ công chức, viên chức phòng Giáo dục và Đào tạo, không yên tâm công tác nên rất nhiều viên chức biệt phái đã có đơn xin được bố trí về nơi công tác trường cũ với chức vụ trước khi họ được điều động biệt phái; các phòng Giáo dục và Đào tạo thiếu người làm việc, ảnh hưởng trong việc quản lý hướng dẫn chuyên môn của ngành để đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Do yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện, nhiệm vụ của ngành Giáo dục và Đào tạo được giao ngày càng nhiều, nặng nề. Bên cạnh đó, đặc thù công tác của ngành Giáo dục và Đào tạo, quản lý trên địa bàn rộng, quy mô trường, lớp lớn (hơn 1.500 đơn vị trường học và 1.170 điểm trường lẻ), nhiều cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa nên việc thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, tập huấn chuyên môn, chuyên đề… của phòng Giáo dục và Đào tạo đến các cơ sở giáo dục rất cần thêm nguồn nhân lực.

Do thiếu người làm việc nên từ đầu năm học đến nay, tại một số phòng Giáo dục và Đào tạo đã xảy ra tình trạng chậm triển khai một số hoạt động chuyên môn, các báo cáo thông tin giữa phòng Giáo dục và Đào tạo với Sở Giáo dục và Đào tạo để gửi các cấp có liên quan có dấu hiệu chậm trễ, không kịp thời.

bna_bp2.jpg
Công việc của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông nhiều tháng nay rất bận rộn vì phần lớn nhân viên đã xin chuyển xuống trường, thiếu người làm việc. Ảnh: T.H

Thực tế, trên địa bàn cả nước, ngoài một số địa phương đã bố trí đủ số công chức tối thiểu (số còn thiếu thì giao Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo điều động ngắn hạn đội ngũ cốt cán), còn lại hầu hết đều thực hiện việc điều động biệt phái viên chức (làm việc cả ở phòng Giáo dục và Đào tạo và cơ sở giáo dục để hưởng đầy đủ chế độ nhà giáo), chưa có tỉnh nào ban hành Nghị quyết riêng về chính sách này.

Căn cứ từ nhiều văn bản quy định, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị bố trí mỗi phòng Giáo dục và Đào tạo có 12-15 công chức, viên chức. Để có biên chế công chức, đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện dành những biên chế công chức chưa tuyển dụng để bố trí cho phòng Giáo dục và Đào tạo.

Cũng theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, thời gian trước mắt, khi chưa bố trí đủ công chức và trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện chế độ tiền lương mới, để viên chức làm việc tại phòng Giáo dục và Đào tạo yên tâm công tác, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị tiếp tục thực hiện chế độ theo tinh thần Công văn số 6612/UBND-TH ngày 24/9/2012 và Chỉ thị số 15/CT.UBND ngày 30/8/2019 của UBND tỉnh: UBND cấp huyện điều động cán bộ quản lý, giáo viên của các cơ sở giáo dục trực thuộc đến làm việc tại phòng Giáo dục và Đào tạo và được hưởng chế độ công tác đối với giáo viên tại các trường ở địa bàn trung tâm; viên chức phòng Giáo dục và Đào tạo trực tiếp làm giảng viên các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo, tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, học sinh năng khiếu hoặc tham gia giảng dạy một số tiết tại các cơ sở giáo dục trực thuộc; rà soát lại để không thực hiện việc truy thu các chế độ mà viên chức đã được hưởng đúng quy định./.

tin mới

Bản đồ

Hướng về các ngày lễ lớn của dân tộc, thế hệ trẻ gửi nhiều thông điệp về tình yêu đất nước

(Baonghean.vn) - Những ngày tháng Tư lịch sử, đất nước hướng về các ngày lễ trọng đại: Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những hình ảnh hào hùng đó một lần nữa lại được thế hệ trẻ tái hiện với nhiều thông điệp ý nghĩa.

Có một miền xanh Diên Lãm

Có một miền xanh Diên Lãm

(Baonghean.vn) - Thăm rừng bản Hốc, cá mát khe Cướm, làng bản bên những ruộng bậc thang, những cây thị, cây xoài cổ thụ nghìn năm..., nhưng ấn tượng nhất trong chúng tôi vẫn là màu xanh của Diên Lãm, thấy nơi đây xứng để gọi là miền xanh. 

Điện Biên Phủ

Hội thảo ‘70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An’

(Baonghean.vn) - Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An” cùng triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.