Những bông hoa bình dị nơi làng quê xứ Nghệ

Bài: Công Kiên - Việt Hùng - Minh Thái. Kỹ thuật: Đức Anh 04/03/2020 16:57

(Baonghean.vn) - Mỗi người một điều kiện, hoàn cảnh và sinh sống ở những vùng quê khác nhau nhưng đều là tấm gương toát lên phẩm chất sáng ngời của người phụ nữ: chịu thương, chịu khó, giàu lòng nhân ái và đức hy sinh…

Những người phụ nữ chịu thương, chịu khó nơi làng quê xứ nghệ. Ảnh: Công Kiên
Những người phụ nữ chịu thương, chịu khó nơi làng quê xứ Nghệ.

“Nữ hoàng thổ cẩm”

Nhiều hộ ở bản Buộc, xã Bắc Lý (Kỳ Sơn) hiện đã có thu nhập ổn định từ nghề dệt thổ cẩm truyền thống và luôn ghi nhớ công sức, sự tận tụy của chị Lương Thị Phon. Bà con đã không tiếc lời khi gọi chị là “Nữ hoàng thổ cẩm”.

Tốt nghiệp THPT, không có điều kiện học lên, chị Vi Thị Phon (SN 1993) về quê lao động sản xuất. Bản Thái của chị gần 120 hộ, có nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng từ lâu đời. Các bà, các chị bản Buộc khéo tay, dệt những chiếc váy, áo và khăn rất đẹp nhưng vẫn nghèo, vì luôn bí đầu ra cho sản phẩm. Cô gái trẻ Vi Thị Phon đã không thôi trăn trở, suy nghĩ tìm cách giúp đưa sản phẩm dệt của dân bản đi xa, giúp bà con tăng thu nhập. Tổ hợp tác dệt thổ cẩm dân tộc Thái được thành lập trên cơ sở liên kết các chị em trong bản, chị Phon được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng.

Chị Vi Thị Phon cùng chị em Tổ dệt thổ cẩm bản Buộc trao đổi kinh nghiệm khi hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: Sách Nguyễn
Chị Vi Thị Phon cùng chị em Tổ dệt thổ cẩm bản Buộc trao đổi kinh nghiệm khi hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: Sách Nguyễn

Còn trẻ nhưng cô gái Thái bản Buộc đã mạnh dạn đi khắp nơi trong vùng, ra tận Hà Nội tham gia các hội thảo, hội chợ tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm, rồi kêu gọi hỗ trợ kinh phí, khung dệt để mở rộng quy mô sản xuất. Qua những khó khăn ban đầu, tổ hợp tác dệt thổ cẩm bản Buộc ngày một khởi sắc, sản phẩm tiêu thụ ngày càng dễ dàng hơn, thậm chí khách Lào và Thái Lan cũng đặt mua, đưa mức thu nhập lên hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Quy mô được mở rộng, năm 2019 này bản Buộc được công nhận Làng nghề dệt thổ cẩm, có công sức đóng góp không nhỏ của Vi Thị Phon. Chị tâm sự: “Niềm vui lớn nhất là nghề dệt thổ cẩm ở bản được hồi sinh và phát triển, phía trước còn nhiều thời gian tôi sẽ tiếp tục tìm cách mở rộng quy mô làng nghề, đưa sản phẩm đi xa hơn nữa”.

Là Chi hội phó Phụ nữ, chị Phon còn tích cực vận động hội viên tiết kiệm, giúp nhau xóa bỏ đói nghèo, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, xây dựng “Mái ấm tình thương”, thúc đẩy phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”. Đẩy mạnh tuyên truyền đến hội viên không để thành viên trong gia đình dính vào các loại tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy, thực hiện nghiêm túc quy chế biên giới. Cũng như chị Bùi Thị Vân, chị Phon đang được đề nghị Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen.

Thiết kế con đường nở hoa

Về xã An Hòa (Quỳnh Lưu), nhìn những con đường nở đầy các loài hoa khiến ai cũng trầm trồ trước vẻ đẹp của vùng quê ven biển. Bà con nơi đây cho hay, có được những con đường ấy nhờ một phần công sức của chị Nguyễn Thị Luyến - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã.

Chị Nguyễn Thị Luyến cùng tổ liên gia trồng mới hơn 500 m đường hoa.
Chị Nguyễn Thị Luyến cùng tổ liên gia trồng mới hơn 500m đường hoa. Ảnh: Việt Hùng

Thực hiện cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, góp phần xây dựng nông thôn mới, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, với vai trò tổ trưởng tổ liên gia ở thôn Bút Ngọc, chị Luyến đã vận động các gia đình hiến đất làm giao thông nông thôn, xây dựng kênh mương nội đồng. Nhờ đó, tổ liên gia của chị đã hiến tổng số 2.017 m2 đất, dỡ bỏ tường rào, hiến cây cối, hoa màu trị giá 35 triệu đồng.

Chị Luyến cũng là người tiên phong trong việc xây dựng đoạn đường nở hoa, cùng các hộ trong tổ liên gia trồng mới 500m đường hoa để tô điểm thêm cho vẻ đẹp của làng quê. Chưa hết, để môi trường sống thêm sạch - đẹp, chị đến từng nhà trong tổ liên gia vận động thu gom rác thải, hạn chế tình trạng ô nhiễm, đến nay 100% số hộ đã tự giác tham gia.

Nhận thấy xung quanh còn có những hoàn cảnh khó khăn, chị Luyến đã đề xuất với ban cán sự xóm triển khai, nhân rộng mô hình thu gom rác thải để gây quỹ giúp hộ nghèo. Đến nay, số tiền tiết kiệm từ thu gom rác thải đã mua 80 con gà và tặng 500.000 đồng cho các hộ gia đình khó khăn. Những đóng góp của chị góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm còn 1,0 % từ 68 hộ (năm 2019) xuống 37 hộ (năm 2020)…

Chị Nguyễn Thị Luyến vận động hội viên thu gom phế liệu gây quỹ giúp đỡ người nghèo.
Chị Nguyễn Thị Luyến vận động hội viên thu gom phế liệu gây quỹ giúp đỡ người nghèo. Ảnh: Việt Hùng

“Là cán bộ hội, trước hết mình phải gương mẫu, tâm huyết, nhiệt tình, hy sinh công việc gia đình, thường xuyên có mặt ở cơ sở để động viên, tìm cách tháo gỡ những khó khăn với chị em hội viên. Từ đó, mới thu hút, tập hợp hội viên tham gia xây dựng được phong trào, góp phần cùng bà con trong toàn xã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới” - chị Luyến chia sẻ.

Chị Trần Thị Loan - Chủ tịch Hội LHPN xã An Hòa cho biết: “Với vai trò và trách nhiệm của mình, chị Luyến luôn hoàn thành tốt công việc được giao, được cấp ủy, chính quyền địa phương và hội cấp trên đánh giá cao. Đặc biệt, năm 2019 chị được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới”.

Sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh

Ở xã Nghĩa Yên (Nghĩa Đàn), nhắc đến chị Bùi Thị Vân, ai cũng ca ngợi về tấm lòng nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ người gặp khó khăn, hoạn nạn. Chị Vân quê ở huyện Quỳnh Lưu, cùng gia đình lên xóm Chong, xã Nghĩa Yên sinh sống.

Chị Bùi Thị Vân vận động hội viên bớt một phần gạo trong mỗi bữa ăn để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Chị Bùi Thị Vân vận động hội viên bớt một phần gạo trong mỗi bữa ăn để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Minh Thái

Từng trải qua thời điểm khó khăn, kinh tế eo hẹp nên hơn ai hết, chị thấu hiểu nỗi vất vả, thiếu thốn của những người gặp cảnh éo le, bất hạnh. Chưa thể nói là điều kiện gia đình đã khá giả, đủ đầy nhưng chị luôn sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn và đứng ra vận động quỹ tiết kiệm giúp chị em vay vốn với lãi suất thấp để phát triển sản xuất.

Trong xóm có cháu Lê Chí Nguyễn (10 tuổi) hết sức đáng thương, mẹ bệnh tâm thần, sống với bà ngoại đã già yếu, cháu mắc bệnh loãng cơ xương, liệt 2 chân. Không nỡ nhìn cảnh đứa trẻ đau đớn, tương lai mịt mờ, chị Vân đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ cho cháu Nguyễn số tiền hơn 150 triệu đồng để chữa bệnh.

Có tiền, nhưng nhà neo người, chị Vân đã 5 sắp xếp công việc, tình nguyện đưa cháu Nguyễn và mẹ cháu đi Hà Nội và Đà Nẵng chữa bệnh. Hành trình cực kỳ gian nan vì người mẹ lúc tỉnh, lúc mê; còn đứa trẻ đau đớn, vật vã.

Nay bệnh tình của hai mẹ con đã có sự thuyên giảm, chị Vân đứng ra làm thủ tục xin chính quyền địa phương hỗ trợ xi măng để mẹ con cháu Nguyễn sửa nhà. Bản thân chị giúp đỡ ngày công và một ít chi phí, nhờ đó gia đình cháu đã có ngôi nhà nhỏ vững chãi, khang trang hơn, không còn lo lắng mỗi khi mưa gió.

Chị Bùi Thị Vân xem cháu Lê Chí Nguyễn như con, có thời gian là đến nhà kèm cặp việc học tập.
Chị Bùi Thị Vân xem cháu Lê Chí Nguyễn như con, có thời gian là đến nhà kèm cặp việc học tập. Ảnh: Minh Thái

Ngoài ra, chị còn giúp cháu Cao Thị Hải, cũng ở xóm Chong, đang học lớp 9, bố mất sớm, mẹ bị bệnh tâm thần. Đầu năm học này, Hải có ý định nghỉ học, vì điều kiện gia đình quá éo le, cái ăn chẳng đủ chứ chưa nói đến việc mua sách vở, áo quần. Thương cô bé còn nhỏ tuổi, nghỉ học sẽ không còn tương lai nên chị Bùi Thị Vân lại vận động bạn bè và các nhà hảo tâm giúp đỡ.

Một cơ quan Nhà nước đã trao tặng cháu Hải cặp bò giống trị giá 21,5 triệu đồng để giúp gia đình sinh kế, có nguồn thu nhập và chữa bệnh cho mẹ. Và một tổ chức từ thiện nhận giúp đỡ cháu chi phí học tập mỗi tháng 500.000 đồng cho đến lúc học xong đại học.

Vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, chị Vân dành những phần quà nhỏ, đến từng nhà có hoàn cảnh nghèo, khó khăn trong xóm để chia sẻ, động viên, giúp có thêm niềm vui năm mới.

Bà Chu Thị Trinh - Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Yên cho biết: “Chị Vân là hội viên làm kinh tế giỏi, giàu lòng nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, được nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHPN”.

Mới nhất
x
Những bông hoa bình dị nơi làng quê xứ Nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO