Những điểm nóng có thể làm bùng phát xung đột quân sự năm 2018
Triều Tiên và eo biển Đài Loan là những điểm nóng có nguy cơ gây xung đột quân sự quy mô lớn trong năm tới.
Tên lửa đạn đạo Triều Tiên tham gia duyệt binh. Ảnh: AFP. |
Thế giới vừa trải qua năm 2017 đầy biến động, nhưng không có xung đột vũ trang lớn giữa các cường quốc. Một số khu vực như Syria và Iraq cũng dần hạ nhiệt sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đánh bại. Tuy nhiên, căng thẳng đang trở nên gay gắt ở nhiều điểm nóng, gây lo ngại về nguy cơ nổ ra chiến tranh quy mô lớn, theo National Interest.
Triều Tiên
Cuộc khủng hoảng tên lửa, hạt nhân trên báo đảo Triều Tiên khiến nơi này trở thành điểm nóng có nguy cơ khơi mào xung đột quân sự hàng đầu thế giới. Thành công trong chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và sự thiếu kinh nghiệm ngoại giao của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đặt thế giới vào tình huống cực kỳ nguy hiểm.
Việc Bình Nhưỡng liên tiếp thử hạt nhân và tên lửa cho thấy nước này không có ý định khuất phục trước sức ép từ Washington. Ngược lại, Mỹ đang thể hiện sự lúng túng trong phản ứng ngoại giao khi phát ngôn của các quan chức cấp cao thường mâu thuẫn với nhau.
Vấn đề càng phức tạp hơn khi cả hai nước đều có động lực để tung đòn phủ đầu. Washington coi chương trình hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng là mối đe dọa cần loại bỏ, trong khi Triều Tiên tìm mọi cách để ngăn kịch bản này xảy ra.
Hàn Quốc và Triều Tiên đang nỗ lực để giảm nhiệt tình hình bằng cách khôi phục đường dây nóng giữa hai nước, nhưng tình hình có thể tăng nhiệt bất cứ lúc nào nếu Bình Nhưỡng tiếp tục phóng tên lửa hoặc thử hạt nhân trong năm tới. Những căng thẳng hiện nay có thể dẫn đến tính toán sai lầm từ cả Triều Tiên và Mỹ, châm ngòi cho một cuộc chiến lớn và tàn khốc ở khu vực Đông Á.
Đài Loan
Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Lý Khắc Tân hồi đầu tháng 12/2017 đe dọa nước này sẽ dùng vũ lực thống nhất Đài Loan nếu tàu chiến Mỹ cập cảng Cao Hùng. Năm 2005, Trung Quốc từng thông qua Đạo luật chống ly khai nhằm phủ nhận tư cách độc lập của Đài Loan, đồng thời vạch ra giải pháp giúp Bắc Kinh thu hồi hòn đảo này.
Các tuyên bố cứng rắn cho thấy Bắc Kinh tin rằng cán cân sức mạnh tại eo biển Đài Loan đang nghiêng về phía họ. Quan điểm này khiến nguy cơ nổ ra xung đột quân sự trở nên lớn hơn, trong bối cảnh quân đội Trung Quốc tăng cường hoạt động trên biển Hoa Đông và các khu vực lân cận.
Theo Cơ quan phòng vệ Đài Loan, không quân Trung Quốc đã diễn tập 16 lần gần hòn đảo trong năm nay, gồm cả nội dung bao vây đảo trong tháng 12. Cơ quan này cảnh báo việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự là mối đe dọa an ninh lớn nhất của Đài Loan.
Tiêm kích Đài Loan bám sát oanh tạc cơ Trung Quốc trên eo biển Đài Loan. Ảnh: Sina. |
Trung Quốc coi Đài Loan là lãnh thổ không thể tách rời và thường xuyên gọi đây là vấn đề nhạy cảm nhất, quan trọng nhất giữa Bắc Kinh và Washington. Trong khi đó, Mỹ phản ứng với thái độ tương đối bình thản, vừa lên án việc tăng cường hoạt động quân sự của Trung Quốc, vừa tuyên bố bán lượng lớn vũ khí cho Đài Loan.
Tuyên bố cứng rắn của Trung Quốc có thể khiến mâu thuẫn Mỹ - Trung gia tăng, gây nguy cơ nổ ra xung đột quy mô lớn trên eo biển Đài Loan, đặc biệt với một người khó lường như Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Trump luôn coi Trung Quốc là mối đe dọa với nền kinh tế Mỹ, cũng là quốc gia mà các đời tổng thống Mỹ trước đây tỏ ra quá nhún nhường. Ông Trump đã gọi điện cho nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ngay sau khi đắc cử, bất chấp lời cảnh báo từ người tiền nhiệm và phá vỡ các quy tắc ngoại giao đã được thiết lập trong hàng chục năm qua.
Nếu hai bên không kiềm chế, xung đột quy mô lớn có thể nổ ra trên eo biển Đài Loan, gây hậu quả nghiêm trọng cho tất cả những bên tham gia.
Trung Đông
Tình hình Trung Đông luôn tiềm ẩn mầm mống thổi bùng xung đột giữa các cường quốc. Trong bối cảnh nội chiến Syria dần đến hồi kết, mọi sự chú ý đang đổ dồn vào cuộc đối đầu giữa Iran và Arab Saudi. Riyadh dường như là phía luôn khiêu khích, đồng thời coi Tehran là nguồn gốc của sự bất ổn ở Trung Đông. Trong khi đó, Iran đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Iraq, Syria và nhiều nơi khác.
Sau khi thừa nhận chiến thắng trên chiến trường của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, chính quyền Trump bắt đầu chuyển sang đối phó với Iran. Điều này thể hiện rõ ràng qua việc bật đèn xanh cho Arab Saudi can thiệp quân sự ở Yemen và một số nơi khác tại Trung Đông.
Binh sĩ Arab Saudi tham chiến tại Yemen. Ảnh: AFP. |
Việc Arab Saudi công khai xây dựng liên minh quân sự và ngoại giao chống lại phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen, trong bối cảnh Nga tái khẳng định vị thế trong khu vực có nguy cơ dẫn đến xung đột giữa các cường quốc trong năm tới.
Tình hình thế giới vẫn ẩn chứa bất ổn có nguy cơ dẫn đến xung đột toàn cầu. Việc chính quyền Trump không có đường lối ngoại giao rõ ràng chỉ khiến tình hình trở nên nguy hiểm. Washington sẽ cần đường lối ngoại giao nhất quán hơn để giảm thiểu nguy cơ từ các cuộc khủng hoảng trên, chuyên gia phân tích Robert Farley nhận định.