Những giải pháp chống 'tái trắng' ở các chi bộ huyện miền núi Tương Dương

Thanh Lê 24/11/2019 07:13

(Baonghean) - Huyện Tương Dương đang tập trung đưa các mô hình kinh tế về các xóm, bản; đồng thời điều động, phân công đảng viên có kinh nghiệm, uy tín, cán bộ chủ chốt ở xã về “cầm tay chỉ việc” ở những địa bàn mà chi bộ có nguy cơ cao về "tái trắng". Từ giải pháp này đã góp phần vực dậy nhiều chi bộ nhiều năm liền không phát triển được đảng viên.

ĐƯA MÔ HÌNH KINH TẾ VỀ BẢN

Thằm Thẩm là bản vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của xã biên giới Nhôn Mai, có 2 dân tộc cùng chung sống là đồng bào Mông và Khơ mú. Đây là chi bộ thuộc Đề án 01 của Tỉnh ủy về “xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2016 - 2020”.

Để tạo nguồn phát triển Đảng cùng với làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và tìm nhân tố gây dựng bồi dưỡng cho Đảng, cách làm của chi bộ là đảng viên phải làm gương trước để đoàn viên thanh niên noi theo. Trước hết, là trong phát triển kinh tế, khi huyện triển khai đề án trồng chanh leo tại xã Nhôn Mai, Bí thư Chi bộ Và Bá Ca là người tiên phong tích cực tham gia trồng thử nghiệm và với 300 gốc khi thu hoạch đã cho thu nhập khá cao. Từ kết quả đó, đồng chí Và Bá Ca tiếp tục mở rộng diện tích trồng chanh leo lên 700 gốc.

Người dân xã Nhôn Mai, Tương Dương thu hoạch chanh leo.
Người dân xã Nhôn Mai (Tương Dương) thu hoạch chanh leo.

Tương tự, thực hiện nghị quyết của chi bộ, đảng viên phải đi đầu trong phát triển kinh tế, đảng viên Và Bá Cở tập trung trồng, chăm sóc biến diện tích đất bỏ hoang bấy lâu nay thành vườn chanh tươi tốt, trĩu quả mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình. Thấy các đảng viên làm hiệu quả, bà con dân bản cũng đã mạnh dạn đầu tư vào trồng chanh leo và có thu nhập cao. Nếu như năm 2016, toàn xã trồng thí điểm được 3 ha chanh leo thì đến nay, diện tích này đã tăng lên 104 ha, chủ yếu tại các bản Thằm Thẩm, Huồi Cọ.

Bí thư Chi bộ bản Thằm Thẩm Và Bá Ca cho biết: Từ những việc làm rất cụ thể của các đảng viên trong chi bộ, bà con đã nhìn thấy, tin, nghe và làm theo. Các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, củng cố an ninh trật tự vùng biên do chi bộ triển khai được thực hiện có hiệu quả trong nhân dân. Quần chúng phấn khởi và ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo và có mong muốn được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Nhờ đó, Chi bộ bản Thằm Thẩm kết nạp được 4 đảng viên, nâng tổng số đảng viên tại chỗ lên 7 đảng viên. Đồng thời Đảng ủy xã Nhôn Mai thực hiện chủ trương chuyển thêm 2 cán bộ, đảng viên của xã về sinh hoạt tại Chi bộ Thằm Thẩm, hiện nay tổng số đảng viên của chi bộ là 9 đồng chí.

Bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai. Ảnh: Hồ Phương

THỰC HIỆN "CẦM TAY CHỈ VIỆC"

Một giải pháp Tương Dương hết sức chú trọng là điều động, phân công đảng viên có kinh nghiệm, uy tín, cán bộ chủ chốt ở xã và cấp ủy ở chi bộ có đông đảng viên, về xóm, bản, trường học chi bộ còn yếu để làm nòng cốt trong các hoạt động và tạo nguồn phát triển Đảng, xây dựng chi bộ. Những mô hình được vạch rõ từ những chuyên đề, nghị quyết của các chi bộ đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Chi bộ bản Xoóng Con là chi bộ thuộc Đề án 01 của Tỉnh ủy, trong 25 năm qua Chi bộ bản Xoóng Con vẫn chỉ có 4 đảng viên và đang có nguy cơ mất chi bộ trong thời gian tới vì dự báo nguồn kết nạp đảng viên rất nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, Đảng ủy xã Tam Thái đã tăng cường 3 đảng viên làm việc tại xã về sinh hoạt tại Chi bộ Xoóng Con. Các đảng viên tăng cường đã có nhiều đổi mới trong cách thức điều hành, đưa Chi bộ đi vào sinh hoạt nền nếp, tạo sự đoàn kết, và lan tỏa nhiều hành động sôi nổi. Theo đó, Chi bộ phân công mỗi đồng chí cấp ủy viên chịu trách nhiệm phát hiện, tuyên truyền vận động và giới thiệu quần chúng ưu tú để bồi dưỡng kết nạp đảng. Kết quả, trong 2 năm qua, Chi bộ bản Xoóng Con đã kết nạp được 4 đảng viên, nâng tổng số đảng viên tại chỗ lên 8 đảng viên.

Cán bộ Đảng ủy xã Lượng Minh hướng dẫn chi bộ thủ tục hồ sơ đảng viên. Ảnh: Thanh Lê

Đồng thời Đảng ủy xã Tam Thái thực hiện chủ trương chuyển thêm 6 cán bộ, đảng viên của xã về sinh hoạt tại Chi bộ bản Xoóng Con, hiện nay tổng số đảng viên của Chi bộ là 14 đồng chí.

“Được chi bộ tuyên truyền vận động, bản thân nhận thức được vai trò, vị trí trách nhiệm của người đảng viên. Khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng, tôi rất là vinh dự, bản thân sẽ gương mẫu trong thực hiện các phong trào của địa phương cũng như cùng chi bộ chăm lo công tác phát triển Đảng”.

Đảng viên Quang Văn Giáp ở Chi bộ Xoóng Con

Bản Phà Lõm, xã Tam Hợp, có 100% đồng bào dân tộc Mông với 110 hộ, 620 nhân khẩu. Những năm trước, tình hình an ninh chính trị, di dịch cư trái phép trên địa bàn diễn biến phức tạp, kinh tế - xã hội kém phát triển, đời sống đồng bào còn lạc hậu. Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp Lê Hồng Thái cho biết: Các đảng viên là cán bộ xã được tăng cường về Chi bộ Phà Lõm không quản ngại khó khăn, đi từng nhà vận động “cầm tay chỉ việc” cho bà con. Giờ đây, bản Mông Phà Lõm đã biết cách cấy lúa nước, nuôi gà thả vườn, nuôi trâu, bò nhốt, chuyển đổi trồng các loại cây hàng hóa như nghệ đỏ, chanh leo…

Mô hình trồng rau sạch ở Tương Dương.
Mô hình trồng rau sạch ở Tương Dương.

Với đồng bào người Mông, một khi vững kinh tế, không lo cái đói, thì cuộc sống mới ổn định, tình trạng di canh di cư trái pháp luật không còn diễn ra. Bản Phà Lõm đã có nhiều khởi sắc, điện, đường, trạm được xây dựng khang trang, đầy đủ, cơ sở chính trị đã được củng cố, các hủ tục đã được loại bỏ. Kinh tế ngày càng phát triển, tệ nạn xã hội dần được bài trừ, nhiều hộ đã mua được ti vi, sắm được xe máy. “Cuộc sống giờ ổn định, không nghĩ đến chuyện di cư tự do nữa” - anh Xồng Bá Do người dân bản Phá Lõm chia sẻ.

Bản Phà Lõm, xã Tam Hợp (Tương Dương). Ảnh tư liệu Đào Tuấn

Phó Bí thư Huyện ủy Tương Dương - đồng chí Lữ Văn May đánh giá: Công tác phát triển đảng viên, xây dựng củng cố chi bộ tại vùng khó khăn được Đảng bộ huyện Tương Dương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Qua đó, nền nếp, chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên; một số đảng viên đã hăng hái tham gia các phong trào sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế có hiệu quả. Tuy nhiên, một trong những “lực cản” trong xóa đói, giảm nghèo ở các bản làng vùng cao chính là tư tưởng trông chờ, ỷ lại của đồng bào. Để thay đổi nhận thức của người dân là điều rất khó, nhất là ở các chi bộ yếu kém. Biện pháp có tính bền vững lâu dài là phát huy vai trò tổ chức đảng trong lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm cho lao động. Những người này sẽ là nguồn để đào tạo, bồi dưỡng trở thành cán bộ, đảng viên cốt cán cho phong trào ở cơ sở.

Những giải pháp chống 'tái trắng' ở các chi bộ huyện miền núi Tương Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO