Những giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu ở Yên Thành
(Baonghean) - Những năm gần đây, thời tiết cực đoan ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội cũng như phát triển của cây trồng, vật nuôi. Với một huyện nông nghiệp như Yên Thành, địa phương đã có nhiều giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu, nhằm đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.
Là huyện đồng bằng bán sơn địa, nằm trong vùng khí hậu ẩm nhiệt đới gió mùa của miền Trung, Yên Thành có khí hậu và thời tiết khá phức tạp, quanh năm nhận được bức xạ lớn của Mặt trời, với lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.500 - 1.700mm và chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiều cơn bão, kèm theo mưa lớn, có lúc mưa dồn dập trên 300 mm/ngày.
Nước từ các triền núi, khe suối đổ về làm cho vùng đồng bằng ngập trắng. Ở vùng đồng trũng, có năm bị lũ lụt ngập úng 2 đến 3 lần. Bão lũ còn kèm theo tình trạng xói lở đất đai, rửa trôi tầng đất canh tác vùng bán sơn địa và gây chua phèn ở vùng sâu.
Xã vùng sâu Long Thành (Yên Thành) xây dựng kênh mương phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Ảnh Anh Tuấn |
Để đảm bảo ổn định sản xuất trên diện tích 17.000 ha đất canh tác, công tác thủy lợi là một trong những yếu tố hàng đầu luôn được huyện đặc biệt quan tâm. Ngoài 252 hồ, đập chứa nước vừa và nhỏ được xây dựng, huyện có trên 3.000 km kênh mương thủy lợi nội đồng được nâng cấp tu bổ hàng năm, cơ bản giải quyết vấn đề nước tưới cho vùng cao, vùng mưng và tiêu úng cho trên 3.000 ha canh tác thuộc các xã vùng sâu.
Riêng năm 2016, Xí nghiệp Thủy lợi Yên Thành đã tập trung nâng cấp một số hạng mục công trình như: cống cấp nước ở hồ Quản Hài; hệ thống kênh chính hồ Đồn Húng, Kẻ Sặt. Đồng thời huy động toàn bộ cán bộ, viên chức, lao động phối hợp với nhân dân nạo vét thông thoáng hệ thống công trình thủy lợi, gắn với làm tốt công tác quản lý công trình, đối phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai lũ lụt, phục vụ sản xuất.
Trong nông nghiệp, chăn nuôi được xác định là kinh tế mũi nhọn, để thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, ngành Nông nghiệp huyện đã tập trung chỉ đạo nông dân chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại, trang trại theo hướng tập trung, hàng hóa; từng bước thay thế đàn lợn giống ngoại nhằm giảm thời gian nuôi, khuyến khích các chủ trang trại sử dụng hệ thống làm mát, chống lạnh, áp dụng các biện pháp chăn nuôi hợp vệ sinh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Điển hình ở xã Bảo Thành có mô hình chăn nuôi của gia đình anh Trần Quốc Liên đã phát huy hiệu quả trong đầu tư xây dựng chuồng trại phù hợp để phát triển. Riêng trong những tháng cao điểm nắng nóng mùa hè đã đưa hệ thống két nước, giàn phun, quạt làm mát vào hoạt động để thay đổi nhiệt độ. Mặc dù có những ngày nhiệt độ ngoài trời lên đến 39 - 400C, nhưng nhiệt độ trong chuồng nuôi vẫn điều chỉnh giảm hơn so với ngoài trời từ 10 - 150C. Nhờ đó, trên 600 con lợn nuôi vào mùa hè năm ngoái vẫn phát triển ổn định, hạn chế được dịch bệnh, tiết kiệm được chi phí đầu tư, đưa lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.
» Giáo dân Nghệ An vạch trần sự biến chất của linh mục Nguyễn Đình Thục
» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân
Với hệ thống làm mát, trại nấm của ông Lê Văn Hạnh (xóm 12, xã Sơn Thành, Yên Thành) đã có sản phẩm nấm sò cung cấp cho thị trường vào mùa hè. Ảnh Anh Tuấn |
Với trồng trọt, cùng với áp dụng các biện pháp tưới tiêu khoa học, huyện đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng thích ứng với khí hậu; bố trí lịch thời vụ né tránh thiên tai. Ông Nguyễn Vương Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Trên cơ sở quy hoạch các vùng đặc thù bằng việc bố trí các loại cây, con phù hợp với đất đai, khí hậu để trong tương lai gần cũng như tương lai xa có một sự phát triển ổn định và bền vững. Đối với vùng giữa sử dụng nguồn nước hệ thống nông giang tự chảy, đây là vùng sản xuất mỗi năm 2 vụ lúa ổn định, huyện sẽ đưa nhanh các tiến bộ KHKT vào thâm canh các giống lúa hàng hóa. Riêng đối với sản xuất ở những xã vùng sâu trũng, hàng năm thường bị lũ lụt đe dọa, do đó, trong sản xuất phải chấp hành nghiêm lịch thời vụ và được cơ cấu bằng những giống lúa ngắn ngày, ổn định về năng suất, để luồn lách, né tránh thiên tai...
Những năm gần đây, công tác trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc ở huyện Yên Thành luôn được quan tâm. Ngoài khoanh nuôi bảo vệ 21.000 ha rừng tự nhiên, mỗi năm toàn huyện còn trồng mới hơn 1.000 ha rừng sau khi khai thác, nâng độ che phủ đạt trên 22%, góp phần cải thiện điều kiện môi trường sinh thái, là nguồn sinh thủy cho hệ thống hồ đập, phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh...
T. Dương - P. Hiền - A. Tuấn
(Đài Yên Thành)
TIN LIÊN QUAN |
---|